THAM LUẬN VỀ LUẬT SƯ TRANH TỤNG
Khái niệm tranh tụng được biết đến ngay từ những thời đại xa xưa của xã hội loài người. Loại tố tụng này đã được áp dụng từ thời kỳ Hy lạp cổ đại. Ở thời đấy, nguyên cáo bị cáo đã được nhờ người thân của mình bào chữa trước tòa án. Sau đó nó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”.Cùng với thời gian, tranh tụng tiếp tục được kế thừa, phát triển và từng bước được khẳng định và đến nay nó được áp dụng hầu hết ở các nước thuộc hệ thống luật lục địa cũng như hệ thống luật án lệ.
Ở Việt nam, có thể nhận xét tranh tụng trên các bình diện dưới đây:
Về mặt lập pháp: khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.
Về mặt ngôn ngữ: Theo Từ điển tiếng Việt, tranh tụng có nghĩa là kiện cáo lẫn nhau1. Còn theo nghĩa Hán Việt thì thuật ngữ tranh tụng được ghép từ hai từ “tranh luận” và “tố tụng”. Tranh tụng là tranh luận trong tố tụng. Trong tố tụng bao giờ cũng có sự tham gia của các bên có quyền và (hoặc) lợi ích trái ngược nhau yêu cầu tòa án phân xử. Để có cơ sở cho tòa án có thể phân xử, pháp luật quy định cho các bên tham gia tố tụng quyền khởi kiện vụ việc ra trước tòa án, chứng minh và tranh luận để bảo vệ yêu cầu của mình.
Như vậy, tranh tụng bao giờ cũng gắn liền với hoạt động tài phán của tòa án. Xét xử dân sự là hoạt động phân xử vụ kiện giữa các bên có quyền và lợi ích khác nhau. Tại phiên tòa, tòa án tiến hành xác định sự thật của vụ án bằng cách điều tra công khai, chính thức về vụ việc, nghe các bên tranh luận về giải quyết vụ án từ góc độ nội dung cũng như pháp luật áp dụng để ra phán quyết.
Tùy theo tính chất vụ án mà chức năng tố tụng, địa vị pháp lý của các bên cũng khác nhau. Tranh tụng trong tố tụng hình sự diễn ra giữa bên buộc tội và bên bào chữa, chủ yếu là giữa công tố với người bào chữa và bị cáo; trong tố tụng dân sự diễn ra giữa nguyên đơn với bị đơn dân sự. Để những người đó thực hiện việc tranh tụng, pháp luật tố tụng quy định cho họ các quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định. Vì vậy, trong khoa học pháp lý, tranh tụng được phân thành tranh tụng dân sự, tranh tụng kinh tế, tranh tụng hành chính2.
Theo nghĩa rộng: Tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng thì quá trình tranh tụng này sẽ bao gồm toàn bộ các giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử,xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo nghĩa hẹp: Tranh tụng là sự đối đáp, đấu tranh giữa các bên đương sự với nhau về chứng cứ, yêu cầu và phản đối yêu cầu của mỗi bên để từ đó nhằm chứng minh cho đối phương và Tòa án rằng yêu cầu và phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
2. BẢN CHẤT CỦA TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA
Sự ra đời và phát triển của khái niệm tranh tụng trong tố tụng gắn liền với sự hình thành và phát triển của các tư tưởng dân chủ, tiến bộ trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tranh tụng không chỉ là thành tựu pháp lý đơn thuần, mà cao hơn nó là thành tựu của sự phát triển tư tưởng, của nền văn minh nhân loại. Trong xã hội hiện đại, ở các nước dù có tổ chức hệ thống tư pháp khác nhau, dù là hệ thống luật án lệ (common law), hệ thống luật lục địa (legal law) hay hệ thống luật xã hội chủ nghĩa, thì ít hay nhiều và bằng các thể hiện khác nhau, trong hệ thống tố tụng đều có yếu tố tranh tụng. Đây là cơ chế tố tụng có hiệu quả bảo đảm cho tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án, giải quyết đúng đắn vụ việc, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ các quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng.
Trong tất cả các loại tranh tụng, tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Tòa án thực hiện chức năng như một trọng tài có địa vị độc lập với các bên để phân xử một cách khách quan, theo pháp luật. Trong tố tụng hình sự, chức năng xét xử của tòa án độc lập với chức năng buộc tội và chức năng bào chữa; trong tố tụng dân sự, kinh tế, tòa án là người đứng ra phân xử giữa bên khởi kiện và bên bị kiện để ra phán quyết về vụ án.
Trong toàn bộ quá trình tố tụng, xét xử đóng vai trò trung tâm, thể hiện đầy đủ nhất bản chất của hệ thống tư pháp của mỗi nhà nước, là giai đoạn quyết định tính đúng đắn, khách quan của việc giải quyết vụ án, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Trong xét xử, phiên tòa là giai đoạn có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong giải quyết vụ án, thực hiện các nhiệm vụ, mục đích tố tụng đặt ra. Vai trò quyết định đó của phiên tòa thể hiện ở những điểm sau đây:
– Thứ nhất, phiên tòa là nơi tòa án bằng thủ tục công khai, toàn diện thực hiện cuộc điều tra chính thức để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Việc chứng minh (bao gồm cả quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ) được các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, nguyên đơn, bị đơn) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa khi xét hỏi cũng như tranh luận. Việc chứng minh và từ đó xác định sự thật của vụ án được tòa án thực hiện trên cơ sở chứng cứ được thu thập, thẩm tra tại phiên tòa và cân nhắc, đánh giá của các bên tham gia tố tụng khác nhau;
– Thứ hai, phiên tòa đảm bảo sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Hơn ở đâu hết, tại phiên tòa quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng được quy định và được đảm bảo thực hiện đầy đủ nhất bằng thủ tục tố tụng trực tiếp, công khai. Tại phiên tòa khó có thể xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như bức cung, ép cung, dùng nhục hình v.v…;
– Thứ ba, phiên tòa là nơi có điều kiện tốt nhất để thực hiện việc áp dụng đúng đắn pháp luật. Qua phân tích nội dung các đề xuất của các bên tham gia tố tụng về áp dụng pháp luật, Tòa án lựa chọn cho mình phương án áp dụng pháp luật chính xác nhất để giải quyết đúng đắn vụ án;
– Thứ tư, phiên tòa là nơi tốt nhất thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Thông qua thủ tục tại phiên tòa, việc điều tra công khai, việc tranh luận và đặc biệt là qua việc công bố một bản án đúng đắn, hợp lý, hợp tình, tòa án giúp cho những người tham gia tố tụng cũng như những người tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết pháp luật, củng cố lòng tin vào pháp luật để từ đó không chỉ tự nguyện tuân thủ pháp luật, mà còn tích cực tham gia vào đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật v.v.
Như vậy, phiên tòa là giai đoạn trung tâm thể hiện đầy đủ nhất bản chất quá trình tố tụng nói chung và xét xử nói riêng. Phiên tòa có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng với địa vị pháp lý được xác định. Thông qua phiên tòa, bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, tòa án (với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng nhất) tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án và ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan và đúng pháp luật.
3. NHỮNG PHẨM CHẤT, YÊU CẦU CỦA MỘT LUẬT SƯ GIỎI TRANH TỤNG
Nói đến người hành nghề luật là phải nói đến các luật sư, dù là luật sư hành nghề chuyên sâu về tranh tụng hay tư vấn thì luật sư luôn phải là một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào mình tham gia. Trên thực tế có hay không một luật sư như vậy? với ngành nghề khác thì không chắc nhưng với nghề luật sư thì điều kiện tiên quyết phải là như vậy bởi những đặc thù của nghề này. Sau đây là một số tiêu chí để có thể trở thành một luật sư giỏi.
a. Luật sư có tâm với nghề:
Là một luật sư nói riêng và người làm trong lĩnh vực pháp luật nói chung thì nhất thiết bạn phải có cái tâm sáng, luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan. Người ta vẫn ví những người làm trong lĩnh vực tư pháp là những người có thể đổi trắng thay đen, biến một người có tội nặng thành tội nhẹ, tội nhẹ thành vô tội và ngược lại. Cũng có câu ví luật sư như những con rắn có cái lưỡi không xương uốn éo sẵn sàng giối trá. Câu nói này xuất phát từ hiện tượng có không ít người đã vì lợi ích cá nhân mà dám bóp méo sự thật. Những người như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ phải giải nghệ hoặc nhận quả báo. Nghề nào cũng cần phải có cái tâm với nghề, tuy nhiên người hành nghề luật lại càng cần cái tâm sáng – cao hơn nữa. Sự trung thực với sự thật khách quan, thượng tôn tinh thần luật pháp của luật sư sẽ góp phần làm cho xã hội trong sạch hơn.
b. Luật sư có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề:
Người ta vẫn thường hay gọi luật sư chuyên bào chữa là các thầy cãi cũng bởi nghề luật là nghề nói, nghề cãi. Vì vậy kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng thuyết phục, diễn giải vấn đề 1 cách khúc chiết luôn là những kỹ năng quan trọng nhất. Hãy thử tưởng tượng xem, trong 1 phiên tòa mà vị luật sư cứ nói ấp a ấp úng, diễn đạt lủng củng, không rành mạch… thì liệu thân chủ của anh ta có bao nhiêu phần trăm thắng cuộc? Để có được những kỹ năng này, bạn cần phải chịu khó rèn luyện thường xuyên. Hãy tập nói 1 mình trước gương hay cùng 1 vài người bạn tập hợp lại để tranh luận về một vấn đề cùng quan tâm. Bạn cũng có thể tham gia các khoá học về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Một điều nữa là trước khi diễn thuyết, bạn nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề mình sẽ nói, lên dàn bài cho nội dung mình sẽ nói…
c. Luật sư có tư duy phân tích, tổng hợp, phán đoán, và tư duy logic:
Bạn cần phân tích các hành vi xảy ra trong vụ kiện, sau đó xâu chuỗi tất cả những hành vi này thành một hệ thống, thấy đâu là nguyên nhân, là điều cốt lõi của vụ kiện hay là một cánh cửa mở để đi theo nó mà thu thập thông tin tiếp. Tất cả những sự tư duy này luôn phải đảm bảo nguyên tắc logic chứ không thể đem cách suy nghĩ cảm tính vào được. Sự hiểu biết về tâm lý con người nói chung và tâm lý tội phạm nói riêng cũng sẽ giúp cho những luật sư dễ dàng tìm ra nguyên nhân của những hành vi phạm tội.
d. Luật sư có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ
Bên cạnh những điều kiện, kỹ năng trên, bạn cũng cần phải có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể làm việc tốt trong thời đại hội nhập ngày nay. Là một luật sự giỏi, bạn hoàn toàn có thể tham gia vào các vụ kiện tụng mang tính chất quốc tế hay các vụ kiện tụng có sự tham gia của người nước ngoài ở Việt Nam. Những vụ như vậy sẽ đem lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm cũng như một khoản thù lao không nhỏ đó. Đừng để rào cản ngôn ngữ mà hạn chế khả năng, cơ hội của mình.4. CÁC KỸ NĂNG HÀNH NGHỀ CỦA LUẬT SƯ
4.1. KỸ NĂNG TƯ VẤN
Kỹ năng tư vấn của luật sư thể hiện sự am hiểu về pháp luật, kinh nghiệm xử lý tình huống qua các kỹ năng trao đổi, nắm bắt thông tin, phản ánh từ khách hàng cung cấp. Trên cơ sở đó đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để đưa ra những định hướng, tư vấn phù hợp với nội dung vụ việc của khách hàng
4. KỸ NĂNG THU THẬP VÀ ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ
Trong hoạt động tư vấn pháp luật, quá trình thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ sau đó đưa ra một giải pháp cho khách hàng là quá trình diễn ra nhanh chóng và đòi hỏi độ chính xác, độ tin cậy cao. Khi nghe khách hàng trình bày, luật sư yêu cầu khách hàng của mình làm rõ những vấn đề cần quan tâm, yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, đó là luật sư đang thu thập chứng cứ. Song song với hoạt động thu thập chứng cứ, luật sư nghiên cứu chứng cứ. Trong trường hợp tư vấn bằng miệng, luật sư vừa thu thập chứng cứ vừa nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Đây là một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn thông qua hoạt động tư duy của con người để nhanh chóng tìm ra được giải pháp tối ưu trong thời gian nhanh nhất. Trong quá trình nghiên cứu và đánh giá chứng cứ, luật sư tư vấn cần sử dụng nhiều biện pháp khác nhau và kết hợp thành một quá trình logic để đưa ra một hoặc nhiều kết luận. Tất nhiên quá trình nghiên cứu và đánh giá chứng cứ không phải lúc nào cũng xẩy ra trong hoạt động tư vấn. Có nhiều trường hợp khách hàng hỏi về những thủ tục mà đấy là một phần chuyên môn của luật sư. Có khi chỉ cần kiểm tra lại các dữ liệu để phân biệt giúp khách hàng hoàn thành thủ tục mà họ yêu cầu. Trong phần lớn các yêu cầu tư vấn của khách hàng đều yêu cầu trả lời chi tiết và lý giải tại sao, vì vậy, luật sư tư vấn phải đưa ra các luận cứ sắc bén, có sức thuyết phục để trả lời khách hàng của mình.
5. KỸ NĂNG ỨNG XỬ VỚI CÁC CƠ QUAN TỐ TỤNG
Khi nói đến “kỹ năng ứng xử của luật sư trong không gian văn hóa phiên tòa”, chúng ta không thể không trình bày đôi nét khái quát về bản chất của phiên tòa. Có thể nói, phiên tòa là nơi Tòa án thực hiện cuộc điều tra chính thức, đầy đủ và công khai để xác định sự thật khách quan của vụ án.Do tính chất của cuộc điều tra công khai tại phiên tòa thông qua việc kiểm tra đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, tại phiên tòa với đầy đủ thành phần như: Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…Do đó, tại không gian phòng xử án, trong tiến trình tố tụng xét xử vụ án, luật sư phải vận dụng một cách nhuần nhuyễn kỹ năng ứng xử với:
(i) Ứng xử với người tiến hành tố tụng ( Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên);
(ii) Ứng xử với khách hàng ( bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự) và những người tham gia tố tụng khác.
5. VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ THAM GIA TỐ TỤNG
Luật sư tranh tụng tại toà án là một hoạt động của luật sư trong nhiều hoạt động nghề nghiệp khác. Trong vụ án dân sự, luật sư tranh tụng tại vụ án, gọi là Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Còn vụ án hình sự, luật sư tranh tụng tại toà án được gọi là Người bào chữa.
Luật sư tranh tụng tại toà án cần rất nhiều kỹ năng để thực hiện tốt thiên chức của mình. Ngoài đòi hỏi kiến thức chuyên ngành tốt, luật sư tranh tụng cần phải có kỹ năng đối đáp, phản biện và đặc biệt là phải có “độ nhạy” trước các tình huống pháp lý phát sinh tại phiên toà.
Một luật sư tranh tụng giỏi không phải tự nhiên mà có, họ phải rèn luyện kỹ năng, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm với quyết tâm cao và lòng yêu nghề.
Không ít những luật sư khi ra đời, bị “mắng” bởi các thẩm phán xét xử về nhận thức cũng như cách thể hiện. Cũng có những luật sư, bị khách hàng than phiền, là nhiều khi “cãi” còn dỡ hơn thân chủ của mình.
Luật sư tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án có vai trò sau đây:
• Được tòa triệu tập với tư cách luật sư bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự để tham gia phiên tòa Sơ thẩm, phúc thẩm hoặc Giám đốc thẩm, Tái thẩm nếu Tòa án thấy cần thiết.
• Luật sư tham gia hòa giải, tham gia phiên tòa hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo.
• Luật sư thay mặt đương sự,bị cáo yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo qui định củaBộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự.
• Tranh luận tại phiên tòa bằng bản luận cứ với đại diện viện kiểm sát trong phiên tranh tụng tại phiên tòa hình sự , dân sự… trình bày bản luận cứ bảo vệ đương sự , bị cáo trong phiên tòa hình sự, dân sự, lao động, kinh tế.
• Đưa ra lý lẽ, luận cứ, luận điểm đáp trả các quan điểm trái chiều có thể bất lợi cho quyền, nghĩa vụ của người được bảo vệ.
Sự tham gia của luật sư trong tố tụng hình sự hay tố tụng dân sự không chỉ giúp bị can, bị cáo, người được bảo vệ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm.
Luật sư tranh tụng đóng một vị trí rất quan trọng, giúp đỡ cho bị cáo, các đương sự hiểu đúng, hiểu đủ quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật, tránh bị các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của mình cũng như hiểu được phiên bản án quyết định của các cơ quan tố tụng tuyên đối với đương sự đã đúng pháp luật hay chưa tranh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài làm ảnh hương đến thời gian kinh tế cho các bị cáo, đương sự..
Như vậy, một luật sư tranh tụng giỏi trong quá trình cải cách tư pháp ngày nay đòi hỏi phải hội tụ đầy đủ những điều cần và đủ đó là: phải có tố chất, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh,trí tuệ, sự tâm huyết với nghề, hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ công lý.
Tổng đài tư vấn Luật sư uy tín tại Hà Nội chuyên hình sự – 1900 599 979 / 098 301 9109