Ngày 24-7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cùng Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada (PIAP) tổ chức hội thảo về pháp luật luật sư. Khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) cho rằng sau năm năm Luật Luật sư được đưa vào thực thi đã tạo hành lang pháp lý nhằm xây dựng đội ngũ luật sư phát triển về số lượng, tăng về chất lượng. Hoạt động của đội ngũ luật sư cũng đã có những đóng góp thiết thực trong công cuộc cải cách tư pháp…
Giám sát tốt hoạt động tố tụng
PGS-TS Trần Văn Độ (Phó Chánh án TAND Tối cao) đã đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự. Đội ngũ luật sư không những giúp cho tòa án xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, đầy đủ mà còn giúp cho nhiều vụ án có thể đạt được nhiều thỏa thuận về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Nếu không có luật sư, nhiều khả năng các bên trong vụ án hình sự sẽ khó mà thống nhất với nhau về những nội dung bồi thường thiệt hại đã xảy ra. Ngoài ra, sự tham gia của luật sư còn có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo sự tuân thủ nguyên tắc pháp chế, yêu cầu thượng tôn pháp luật tố tụng hình sự. Có thể nói luật sư là người giám sát tốt nhất các hoạt động tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng một bộ phận luật sư hiện trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Có nhiều trường hợp luật sư tham gia nhưng lại với tinh thần gây rối hoạt động tố tụng, làm nhiễu, không tập trung thực hiện chức năng của mình như phân tích hồ sơ, tìm chứng cứ gỡ tội… mà đi đường vòng, vận động bằng nhiều hình thức làm hư cán bộ tiến hành tố tụng. Do vậy với vấn đề này, luật sư phải tự soi lại mình.
Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD
Mở rộng quyền luật sư
Vấn đề luật sư bị làm khó, nhất là trong giai đoạn điều tra, cũng được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Theo ông Trần Văn Độ, hiện pháp luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể những trường hợp nào không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận bào chữa nên nhiều lúc cơ quan tiến hành tố tụng viện đủ lý do để từ chối. Do vậy, cần có sự bổ sung quy định đối với những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận bào chữa, nếu không thuộc các trường hợp đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư.
Đại tá Đoàn Tất Kỉnh (Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT – Bộ Công an) đồng tình với quan điểm trên. Đồng thời theo ông, về vấn đề nên giữ hay bỏ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa thì cần giữ nguyên việc cấp giấy chứng nhận bào chữa như hiện nay. Thứ nhất, giấy chứng nhận bào chữa thể hiện sự đồng ý của bị can, bị cáo. Khi cấp giấy chứng nhận bào chữa cũng là lúc phát sinh các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định. Thứ hai, nhà tạm giam, tạm giữ là nơi quan trọng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Giấy chứng nhận bào chữa chính là giấy thông hành cho luật sư vào được nơi đây để gặp bị can, bị cáo. Thứ ba, có giấy chứng nhận bào chữa thì khi luật sư vi phạm cơ quan tố tụng sẽ thu hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng cũng cần phải mở rộng hơn nữa quyền được tham gia ngay từ giai đoạn đầu vụ án như tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, dựng lại hiện trường… của luật sư.
* * *
Ngày đầu tiên của hội thảo chủ yếu dành thời gian cho các đại biểu đọc tham luận. Phần thảo luận đối với các vấn đề còn gây nhiều ý kiến trái chiều trong dự thảo Luật Luật sư sẽ được các đại biểu tham gia thảo luận trong ngày làm việc hôm nay (25-7).
Sẽ sửa, đổi nhiều điều trong Luật Luật sư
Theo dự thảo, có tổng cộng 34 điều trong Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ. Trong đó, bỏ hoàn toàn Điều 8, Điều 52 và Điều 63; sửa đổi, bổ sung 31 điều. Với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cụm từ “tổ chức luật sư toàn quốc” theo Luật Luật sư năm 2006 sẽ được thay thế bằng cụm từ “Liên đoàn Luật sư Việt Nam”. Cụm từ “quản lý hành nghề luật sư” sẽ thay thế bằng “quản lý luật sư, hành nghề luật sư”. Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Quy định thụt lùi Theo tôi, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, quy định về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay có một bước thụt lùi, gây khó khăn hơn cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 quy định khi vào gặp bị can, bị cáo, luật sư chỉ cần đưa ra giấy yêu cầu luật sư và thẻ hành nghề chứ không cần đến giấy chứng nhận bào chữa như hiện nay. Do vậy, quy định như bộ luật hiện nay đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động của luật sư. Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN, Đảm bảo đúng thời gian Luật sư bị làm khó trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, nhất là trong giai đoạn điều tra, không phải là chuyện hiếm. Do vậy, cần phải có một hình thức nào khác để thay cho việc cấp giấy chứng nhận bào chữa như hiện nay. Nếu vẫn giữ nguyên như cũ thì cần có biện pháp đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ theo thời gian luật định. Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Cán bộ tố tụng chưa làm hết trách nhiệm Tuy rằng quy định là cơ quan điều tra, VKS phải có nghĩa vụ thu thập chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội nhưng thực tế, hiếm khi nào cán bộ tiến hành tố tụng lại bỏ công đi thu thập những chứng cứ chứng minh bị can, bị cáo đó vô tội. Nếu có những tài liệu gỡ tội trong hồ sơ thì nhiều khi đó chẳng qua là sự ngẫu nhiên chứ không phải do cán bộ tiến hành tố tụng bỏ công thu thập. Do vậy, trong những trường hợp này, chính luật sư là người tiến hành thu thập những chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo. Trích tham luận PGS-TS TRẦN VĂN ĐỘ |
HỒNG TÚ (PLTP)