Ngày 23/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Ban soạn thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã họp phiên đầu tiên để thảo luận về những định hướng lớn trong việc sửa đổi Dự án Luật này.
Theo đánh giá, trong 8 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trước các yêu cầu đổi mới các thể chế pháp lý và hoạt động thực tiễn, đòi hỏi Luật TGPL cần được nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Cục TGPL, hoạt động TGPL của các trợ giúp viên pháp lý và một số tổ chức khác tham gia công tác này chưa được hiệu quả như mong đợi. Số liệu thống kê từ khi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến nay cho thấy, số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng chỉ chiếm 5,8%, còn lại chủ yếu là các hoạt động mang tính “phong trào” như in ấn tờ rơi, tờ gấp, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động.
Trong số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thì số vụ việc do Luật sư cộng tác viên thực hiện chiếm tới gần 70%, còn hơn 30% còn lại do trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tổng số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện, số vụ việc tố tụng chỉ chiếm khoảng 4%, còn lại 96% là vụ việc tư vấn pháp luật. Có những trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng nào trong cả năm.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tế, trong 9 vấn đề lớn được đưa ra thảo luận, Ban soạn thảo Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đề xuất sửa đổi tên luật thành Luật trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, về người thực hiện TGPL, đề xuất người thực hiện TGPL là luật sư. Đặc biệt, về người được TGPL, Dự thảo Luật sửa đổi đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng như người thuộc hộ cận nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình… cho phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo và nhu cầu phát sinh từ thực tiễn.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, cần xã hội hóa công tác TGPL để người nghèo, người yếu thế trong xã hội được hưởng một dịch vụ TGPL chất lượng, không phải kiểu vì miễn phí nên “chưa ra tòa đã biết là thua”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ về những vấn đề lớn cần sửa đổi sao cho các quy định của Luật sửa đổi khả thi và phù hợp với thực tế cuộc sống.
Luật sư Hà Nội tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 599 979