Trong xã hội pháp quyền, mọi hành vi ứng xử của các công dân đều cần có sự điều chỉnh của các quy định pháp luật nhằm đảm bảo trật tự xã hội, hướng tới sự dân chủ – công bằng – văn minh. Với sứ mệnh bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội thì Luật sư chính là người vận dụng pháp luật để thực hiện sứ mệnh ấy. Tuy nhiên, tục ngữ cha ông ta có câu “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” vậy người Luật sư phải làm sao để vận dụng pháp luật chính xác nhưng cũng không làm mất đi truyền thống trọn tình, vẹn nghĩa của người Việt Nam. Đó thực sự là những cuộc “cân não” giữa lý và tình mà mỗi người Luật sư đều phải trải qua trong bước đường hành nghề đầy gian nan và thử thách. Và Thạc sĩ -Luật sư Nguyễn Đức Năng – Luật sư Công ty Luật Dragon đã có một trải nghiệm vô cùng sâu sắc qua một vụ án tại Thạch Thất – Hà Nội.
Khách hàng tìm đến Luật sư Công ty Luật Dragon – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội là anh C – bị hại trong một vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Thạch Thất – Hà Nội chỉ bởi vì hành vi khuyên bảo người hàng xóm hành xử sao cho hợp tình.
Khoảng trưa ngày 09/12/2017 bị cáo N sau khi đi đám cưới trong xóm về thì có to tiếng chửi mắng con nên mẹ đẻ của bị cáo có sang nhờ người hàng xóm là anh C qua nhà can ngăn. Nể tình làng nghĩa xóm, anh C có qua khuyên N bình tĩnh vì trong xóm có đám cưới. Nhưng dường như “ma men” đã làm lu mờ lý trí của N khiến N trở nên thù hằn anh C, chỉ vì câu nói đó mà lao ra đánh đấm, dùng gạch, dùng dao ném vào người anh C nhưng may mắn anh C tránh được. Chưa dừng lại tại đó, khoảng 2 giờ sau N sang nhà nói là xin lỗi anh C nhưng khi anh C đang rót nước, châm thuốc mời N hút và bảo không có gì đâu, em không phải bận tậm thì N bất ngờ dùng 1 chiếc tuốc nơ vít dài 21,5cm với một đầu sắc nhọn thủ sẵn trong người đâm 1 phát vào nách, 01 phát vào mặt trước đùi bên phải và 01 phát vào mặt ngoài đùi phải gần khuỷu chân anh C. Với những thương tích trên anh C được xác định tổn hại 3% sức khỏe, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thạch Thất khởi tố bị cáo N có hành vi “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999.
Trong quá trình điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử tại Tòa án, bị cáo N luôn quanh co chối tội, khiến cho quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. Điều đó dẫn tới việc kết quả điều tra không khách quan, chưa phản ánh đúng bản chất của sự việc. Tuy nhiên tại phiên tòa, được sự động viên của gia đình, bà con lối xóm và của thẩm phán – chủ tọa phiên tòa. Bị can đã cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đối với anh C, đồng thời bị can đã cầu xin anh C tha lỗi để bị can có thể trở về với gia đình, bạn bè và người thân.
Đứng trong vai trò là bị hại C cũng cần hiểu cho nỗi lòng oan ức của người hàng xóm tốt bụng này. Chỉ bởi nể tình người mẹ già của bị cáo N, muốn giữ hòa khí trong thôn xóm vì có tin hỷ nên anh C mới sang nhà N khuyên ngăn. Đúng như câu ông cha ta đã nói “làm ơn mắc oán”, “họa vô đơn chí” mà bỗng chốc ý tốt của anh C lại nhận về hậu quả rất đáng tiếc, cũng may là vết thương không nguy hiểm đến tính mạng và tỷ lệ tổn thương sức khỏe cũng không lớn nếu không phần đời còn lại của anh C và gia đình anh C sẽ ra sao? Làm sao có thể trách được người hàng xóm ấy nếu anh C có cương quyết giữ quyết định “đề nghị tòa án xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”.
Với vai trò là Luật sư của bị hại – Luật sư Năng vô cùng thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của thân chủ mình và xét theo quy định pháp luật nguyện vọng của anh C cũng là phù hợp. Nếu theo đạo đức nghề Luật sư (trung thành với quyền lợi của thân chủ), đối chiếu với các quy định pháp luật thì việc có thể đưa ra căn cứ pháp lý, lý lẽ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của anh C là điều mà một Luật sư như Luật sư Năng hoàn toàn có thể thực hiện rất tốt trên cương vị Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tuy nhiên, trăn trở của người Luật sư ấy không nằm ở việc thắng hay thua, không nằm ở việc cứ vận dụng đúng pháp luật là “hết trách nhiệm”. Khi tìm hiểu nội dung vụ án, được biết về hoàn cảnh mẹ già, 2 đứa con thơ, người vợ bụng mang dạ chửa đứa thứ 3 sắp đẻ của bị cáo N khiến Luật sư Năng không khỏi trăn trở, băn khoăn. Và điều quan trọng hơn là việc dùng “oán bán oán” liệu có phải là cách để bị hại C – người hàng xóm sát vách của bị cáo N – tâm được thanh thản? Sự oan ức vì lòng tốt bị gạt bỏ, rước họa vào thân khiến bị hại C mang thù trong lòng nhưng với bản chất trọng tình trọng nghĩa thì liệu mai kia khi bản án được tuyên có hiệu lực pháp luật, bị cáo N vướng vòng lao lý, con cái bị cáo bơ vơ, mẹ già côi cút, đứa con thứ 3 chào đời trong khi cha nó đang tù tội… cảnh nheo nhóc ấy có làm bị hại C day dứt hay không? Bởi người Việt ta vốn có câu “hết tình còn nghĩa” và cũng nhận ra bản chất lương thiện trong con người bị hại C nên Luật sư Năng – dù với tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã rất sâu sắc lường trước được cái kết buồn cho cả bị hại và bị cáo nếu bản án được tuyên theo đúng cáo trạng của Viện Kiểm Sát. Hình ảnh về người cha và các thế hệ sau này như thế nào nếu trong hồ sơ lai lịch có nhân thân xấu bằng vết tích của tiền án, tiền sự…
Sau bao ngày trăn trở Luật sư Năng đã quyết định sẽ khuyên thân chủ mình cho bị cáo N một cơ hội làm người lương thiện, sửa sai những lỗi lầm phạm phải cũng là cách để bị hại C giải thoát các áp lực về đạo đức mà tương lai gần thôi anh sẽ gặp phải. Sau nhiều lần thuyết phục bằng cả tình và lý, cuối cùng bị hại C đã đồng ý rút đơn tố cáo theo lời tư vấn của Luật sư Năng.
Và quả thực tấm lòng người Luật sư ấy đã không bị phụ, sau khi Tòa đình chỉ vụ án, người dân cả xóm ấy đã vỗ tay nhiệt liệt quyết định hợp tình hợp lý của tòa án, tung hô anh C như người anh hùng của xóm, bị hại và bị cáo bắt tay nhau trong mừng mừng tủi tủi và cả 2 không quên nói lời “cảm ơn” sâu sắc tới Luật sư – con người đầy tâm huyết với vụ án. Nhưng trên hết có lẽ với người Luật sư ấy, phiên tòa ngày hôm đó dù kết quả là đình chỉ vụ án nhưng lại là một chiến thắng giòn giã trong cuộc “cân não lý và tình”.
Qua báo cáo ngắn gọn về vụ án của luật sư Nguyễn Đức Năng, ngoài việc thành công là đem lại niềm vui tiếng cười, lời khen ngợi cũng như những chén rượu chan đầy tình cảm giữa bị cáo, bị hại và bà con chòm xóm… Luật sư có “ Tầm” Văn phòng luật sư Dragon còn nhìn thấy một hình ảnh người Thẩm phán Hoàng Văn Thành có Tâm trong việc điều hành phiên tòa. Rất hiếm gặp khi Ông hiểu rõ văn hóa của xóm làng, hiểu rõ bản chất của vụ án, việc phán quyết 1 bản án theo quy định của pháp luật rất dễ, nhưng để lại cái gắn kết cho hai người hàng xóm với nhau trong quan hệ ứng xử lại là cái tình rất lớn và có ý nghĩa. Mặc dù luật không quy định, nhưng bằng nghiệp vụ ông đã cho tạm dừng phiên tòa, để bị cáo và bị hại có thời gian ngồi lại với nhau, với thành khẩn ăn năn hối cải của bị cáo và bản thân bị hại cũng chỉ mong bị cáo nói thật tâm và xin lỗi trước Hội đồng xét xử công khai.. Phiên tòa đã mở lại sau 3 ngày tạm dừng và kết thúc bằng việc khép lại vụ án trong sự hoài mong của đông đảo bà con hàng xóm đi tham dự phiên tòa, cả bị cáo và bị hại ôm nhau trong sự thông cảm thấu hiểu và chia sẻ.
Một bài học về văn hóa pháp luật, không chỉ sống và tuân thủ theo pháp luật, mà vượt qua chính đó là mối quan hệ ứng xử giữa tình con người với con người. Một hành động nhân văn và có ý nghĩa cho các thế hệ sau này’ người thẩm phán có “ Tâm” và vị Luật sư có “ Tầm “. Một giá trị cốt lõi không chỉ quãng đường hành nghề Luật sư mà cũng là giá trị thành công vô hình đem lại phẩm chất cao đẹp noi gương cho các luật sư đàn em sau này.
Thạc sỹ Luật sư Nguyễn Đức Năng – Trợ lý Giám đốc Công ty Luật Dragon đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Điện thoại tư vấn pháp luật hình sự online – 1900 599 979