CHÍNH PHỦ ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 63/2011/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2011 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Trọng tài thương mại ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại về quản lý nhà nước về trọng tài; thủ tục đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài; thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trọng tài, có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động trọng tài; hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về trọng tài.
2. Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài; cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài theo quy định tại Nghị định này.
3. Phê chuẩn Điều lệ của Trung tâm trọng tài.
4. Công bố danh sách Trọng tài viên của các Tổ chức trọng tài hoạt động tại Việt Nam; công bố thông tin về việc thành lập, hoạt động, chấm dứt hoạt động của tổ chức trọng tài.
5. Hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trọng tài.
6. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trọng tài.
7. Hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài.
8. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về trọng tài.
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về trọng tài theo quy định của pháp luật.
10. Ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất mẫu văn bản, giấy tờ liên quan đến tổ chức trọng tài.
Điều 3. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thu, quản lý, sử dụng lệ phí cấp Giấy phép, thay đổi nội dung Giấy phép, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Giấy đăng ký hoạt động Chi nhánh của Trung tâm trọng tài; lệ phí cấp Giấy phép, thay đổi nội dung giấy phép, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp
Sở Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; đăng ký hoạt động, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh của Trung tâm trọng tài.
2. Cập nhật thông tin về Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
3. Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động, việc lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trọng tài.
5. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về tổ chức trọng tài, trọng tài viên theo thẩm quyền.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động trọng tài theo quy định của pháp luật về trọng tài.
7. Báo cáo về tổ chức, hoạt động của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo định kỳ hàng năm và trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
8. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Cách thức nộp hồ sơ
Hồ sơ xin cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động, hồ sơ chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu điện cho cơ quan có thẩm quyền.
Chương 2.
ĐĂNG KÝ, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG, THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP, GIẤY ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI, CHI NHÁNH CỦA TRUNG TÂM TRỌNG TÀI
Điều 6. Tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài
1. Tên của Trung tâm trọng tài được viết bằng tiếng Việt do các sáng lập viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Trung tâm trọng tài” và không trùng, không gây nhầm lẫn với tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài đã được cấp Giấy phép thành lập, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong trường hợp Trung tâm trọng tài có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên gọi đó phải là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, không trùng, không gây nhầm lẫn với tên của tổ chức trọng tài khác đang hoạt động tại Việt Nam.
2. Trung tâm trọng tài có thể có biểu tượng, nhưng không được sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm biểu tượng của mình.
3. Tên của Chi nhánh của Trung tâm trọng tài phải bao gồm cụm từ “Chi nhánh” và tên của Trung tâm trọng tài.
4. Tên của Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài phải bao gồm cụm từ “Văn phòng đại diện” và tên của Trung tâm trọng tài.
Điều 7. Điều lệ của Trung tâm trọng tài
Điều lệ của Trung tâm trọng tài bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên của Trung tâm trọng tài; tên nước ngoài của Trung tâm trọng tài (nếu có);
2. Trụ sở chính;
3. Lĩnh vực, mục tiêu hoạt động;
4. Thời gian hoạt động;
5. Điều kiện cơ sở vật chất và nguồn tài chính, chế độ tài chính của Trung tâm trọng tài;
6. Cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị, tổ chức lại, giải thể Trung tâm trọng tài, cơ chế giải quyết tranh chấp nội bộ của Trung tâm trọng tài;
7. Người đại diện theo pháp luật của Trung tâm trọng tài, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;
8. Danh sách các sáng lập viên; phương thức thay đổi sáng lập viên của Trung tâm trọng tài; điều kiện kết nạp, khai trừ trọng tài viên; quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên;
9. Chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu;
10. Thể thức thông qua điều lệ;
11. Thể thức công bố Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài;
12. Những nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 8. Đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài
1. Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đăng ký hoạt động;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
c) Bản sao có chứng thực Điều lệ Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
d) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh về trụ sở hoạt động của Trung tâm trọng tài.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp.
3. Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài thực hiện việc công bố thành lập theo quy định tại Điều 26 Luật Trọng tài thương mại và khắc con dấu theo quy định của pháp luật.
Trung tâm trọng tài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Điều 9. Chi nhánh của Trung tâm trọng tài
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trọng tài, hoạt động phù hợp với lĩnh vực hoạt động ghi trong Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài.
2. Trung tâm trọng tài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Chi nhánh. Trung tâm trọng tài cử một Trọng tài viên làm Trưởng Chi nhánh.
Điều 10. Đăng ký hoạt động của Chi nhánh
1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định lập Chi nhánh, Trung tâm trọng tài phải đăng ký hoạt động của Chi nhánh tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Chi nhánh.
Hồ sơ đăng ký hoạt động của Chi nhánh gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đăng ký hoạt động;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
c) Bản chính Quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trọng tài;
d) Bản chính Quyết định của Trung tâm trọng tài về việc cử Trưởng Chi nhánh;
đ) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Chi nhánh.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Chi nhánh được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản về việc thành lập Chi nhánh của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp.
Trong trường hợp Trung tâm trọng tài thành lập Chi nhánh ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Chi nhánh được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản về việc thành lập Chi nhánh cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở.
4. Chi nhánh của Trung tâm trọng tài được sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh
1. Khi có nhu cầu thay đổi về tên gọi, lĩnh vực hoạt động, Trung tâm trọng tài gửi hồ sơ đề nghị thay đổi tên gọi, lĩnh vực hoạt động đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ đề nghị thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin thay đổi nội dung Giấy phép thành lập;
b) Bản chính Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài và giấy tờ liên quan đến việc thay đổi (nếu có).
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của Trung tâm trọng tài, Bộ Tư pháp có văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận nội dung đề nghị thay đổi; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép có hiệu lực, Trung tâm trọng tài phải đăng ký việc thay đổi tại Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp nơi đăng ký làm việc thay đổi thực hiện ghi nội dung thay đổi vào Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm. Hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động;
b) Bản chính Giấy đăng ký hoạt động;
c) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
4. Trung tâm trọng tài thay đổi người đại diện theo pháp luật, địa điểm đặt trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và gửi hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động. Hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp thay đổi địa điểm trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Trung tâm trọng tài gửi thông báo chuyển địa điểm trụ sở cho Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động và gửi hồ sơ đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở mới. Hồ sơ đăng ký gồm những giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định này.
5. Trường hợp thay đổi Trưởng Chi nhánh, địa điểm đặt trụ sở của Chi nhánh trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Chi nhánh phải gửi hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung đăng ký cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động của Chi nhánh trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi. Hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Chi nhánh của Trung tâm trọng tài thay đổi địa điểm đặt trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác gửi thông báo chuyển địa điểm trụ sở cho Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động và gửi hồ sơ đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở mới. Hồ sơ đăng ký thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Điều 12. Cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động
1. Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam mà Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động bị mất, rách, nát, cháy hoặc bị tiêu hủy có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp lại đến cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động để được cấp lại. Hồ sơ đề nghị cấp lại gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động;
b) Giấy xác nhận về việc bị mất Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của công an cấp xã nơi mất giấy tờ.
2. Bộ Tư pháp xem xét cấp lại Giấy phép thành lập trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập. Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động xem xét cấp lại trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại.
Điều 13. Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài
1. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trọng tài, được thành lập nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động trọng tài, đại diện cho Trung tâm trọng tài trong các giao dịch của Trung tâm. Văn phòng đại diện có Trưởng Văn phòng đại diện.
2. Trung tâm trọng tài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng đại diện.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập Văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm, thay đổi Trưởng Văn phòng đại diện, Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản về việc lập Văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm, thay đổi Trưởng Văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở và Sở Tư pháp, nơi đặt Văn phòng đại diện.
Trong trường hợp lập Văn phòng đại diện ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hồ sơ thông báo gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Thông báo về việc lập Văn phòng đại diện;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
Điều 14. Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài được thành lập ở nước ngoài
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở nước ngoài hoặc kể từ ngày chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài, thì Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
Điều 15. Thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Trung tâm trọng tài
1. Trung tâm trọng tài bị thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Trung tâm trọng tài có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm;
b) Trung tâm trọng tài không tiến hành bất kỳ hoạt động nào ghi trong Điều lệ, Giấy phép thành lập trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động;
c) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài không tiến hành đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở.
d) Trung tâm trọng tài không sửa đổi, bổ sung điều lệ, quy tắc tố tụng trọng tài cho phù hợp với Luật Trọng tài thương mại trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện Trung tâm trọng tài thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập thì thông báo cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở của Trung tâm trọng tài. Sở Tư pháp có trách nhiệm tiến hành xem xét, xác minh.
Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tư pháp phát hiện Trung tâm trọng tài thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập thì Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Giấy phép thành lập, trong đó nêu rõ lý do kèm theo các giấy tờ chứng minh (nếu có).
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài phải nộp lại Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài có hiệu lực, thì Trung tâm trọng tài phải nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động.
4. Chi nhánh của Trung tâm trọng tài vi phạm điểm a khoản 1 Điều này thì bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Chi nhánh của Trung tâm trọng tài bị thu hồi Giấy phép thành lập phải nộp lại Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh cho Sở Tư pháp nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động.
5. Trong trường hợp phát hiện Trung tâm trọng tài, Chi nhánh thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, Sở Tư pháp nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh thực hiện việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động có hiệu lực hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thì Trung tâm trọng tài, Chi nhánh phải nộp lại Giấy đăng ký hoạt động của mình cho Sở Tư pháp nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Điều 16. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài theo Điều lệ của Trung tâm trọng tài
1. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo Điều lệ của Trung tâm trọng tài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Luật Trọng tài thương mại, thì chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Trung tâm trọng tài phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động; đăng báo hàng ngày của Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động.
Trung tâm trọng tài phải thanh toán xong các khoản nợ và hoàn tất các vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này, Trung tâm trọng tài báo cáo bằng văn bản về việc hoàn tất các thủ tục đó cho Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Trung tâm trọng tài, Bộ Tư pháp ra Quyết định về việc chấm dứt hoạt động của Trung tâm. Trung tâm trọng tài nộp lại Giấy phép thành lập cho Bộ Tư pháp, Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động và nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền.
Điều 17. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài trong trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập
1. Trong trường hợp Trung tâm trọng tài bị thu hồi Giấy phép thành lập quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Trọng tài thương mại và Điều 15 Nghị định này, thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có Quyết định về việc thu hồi Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài phải thanh toán xong các khoản nợ và hoàn tất các vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài phải đăng báo hàng ngày của Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Trung tâm trọng tài báo cáo bằng văn bản về việc hoàn tất các thủ tục nói trên cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động; nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền.
Điều 18. Chấm dứt hoạt động của Chi nhánh. Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài
1. Chi nhánh của Trung tâm trọng tài chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Theo quyết định của Trung tâm trọng tài về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh;
b) Trung tâm trọng tài tự chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi Giấy phép thành lập;
c) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật.
2. Chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Trung tâm trọng tài thành lập Chi nhánh phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở của Trung tâm trọng tài và Sở Tư pháp nơi đặt Chi nhánh về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh.
Trung tâm trọng tài phải thanh toán xong các khoản nợ và hoàn tất các vụ việc Chi nhánh đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Trung tâm trọng tài phải nộp lại Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh cho Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động của Chi nhánh; nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền.
3. Văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động theo quyết định của Trung tâm trọng tài. Chậm nhất 10 ngày làm việc trước thời điểm chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Trung tâm trọng tài phải thông báo về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở và Sở Tư pháp, nơi đặt Văn phòng đại diện.
Điều 19. Trình tự, thủ tục công bố, thay đổi danh sách trọng tài viên, thông tin về tổ chức, hoạt động trọng tài thương mại
1. Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam gửi danh sách trọng tài viên cho Bộ Tư pháp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập hoặc kể từ khi có sự thay đổi về danh sách trọng tài viên.
Định kỳ hàng tháng, Bộ Tư pháp cập nhật và công bố danh sách trọng tài viên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Việc công bố danh sách trọng tài viên nhằm cung cấp thông tin, không ảnh hưởng đến tư cách trọng tài viên.
2. Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài thay đổi danh sách Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp, nơi Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài đăng ký hoạt động.
3. Bộ Tư pháp thực hiện công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp về việc thành lập tổ chức trọng tài, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động và các thông tin cần thiết về tổ chức, hoạt động trọng tài thương mại.
Chương 3.
THÀNH LẬP, ĐĂNG KÝ, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG, THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP, GIẤY ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Điều 20. Tên Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài
1. Tên Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải bao gồm cụm từ “Chi nhánh” và tên của Tổ chức trọng tài nước ngoài.
2. Tên của Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải bao gồm cụm từ “Văn phòng đại diện” và tên của Tổ chức trọng tài nước ngoài.
3. Tên Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải đảm bảo phù hợp với quy định về cách đặt tên nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định này.
Điều 21. Cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
1. Tổ chức trọng tài nước ngoài muốn thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải có hồ sơ đề nghị thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.
Giấy phép thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Hồ sơ thành lập Chi nhánh gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị thành lập Chi nhánh;
b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của Tổ chức trọng tài nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
c) Bản giới thiệu về hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài;
d) Bản sao có chứng thực Điều lệ của Tổ chức trọng tài nước ngoài;
đ) Bản sao có chứng thực Quyết định cử trọng tài viên làm Trưởng Chi nhánh; Trưởng Chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam;
e) Danh sách trọng tài viên, nhân viên dự kiến làm việc tại Chi nhánh.
3. Hồ sơ thành lập Văn phòng đại diện gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng đại diện;
b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của Tổ chức trọng tài nước ngoài;
c) Bản giới thiệu về hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài;
d) Bản sao có chứng thực Quyết định cử Trưởng Văn phòng đại diện;
đ) Danh sách người nước ngoài, nhân viên Việt Nam dự kiến làm việc tại Văn phòng đại diện.
4. Đơn đề nghị thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được làm bằng tiếng Việt. Các giấy tờ kèm theo đơn đề nghị nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 22. Đăng ký hoạt động Chi nhánh, thông báo việc thành lập Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở Chi nhánh.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đăng ký hoạt động;
b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Chi nhánh;
c) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Chi nhánh; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
d) Bản sao có chứng thực quyết định về việc cử Trưởng Chi nhánh.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh. Chi nhánh được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Chi nhánh, Sở Tư pháp gửi 01 bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Bộ Tư pháp.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải thông báo bằng văn bản về việc thành lập Văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Văn phòng đại diện. Hồ sơ thông báo gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Thông báo về việc lập Văn phòng đại diện;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài; trong trường hợp nộp bản sao phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chi nhánh được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải đăng báo hàng ngày của Trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động của Chi nhánh trong ba số liên tiếp về việc lập Chi nhánh.
Điều 23. Thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
1. Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thay đổi về tên gọi, lĩnh vực hoạt động, gửi hồ sơ đề nghị thay đổi về tên gọi, lĩnh vực hoạt động đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ đề nghị thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy phép thành lập;
b) Bản chính Giấy phép thành lập của Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và giấy tờ liên quan đến việc thay đổi (nếu có);
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thay đổi, Bộ Tư pháp xem xét và ra văn bản chấp thuận; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận thay đổi nội dung Giấy phép thành lập Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài thì Chi nhánh phải đăng ký việc thay đổi tại Sở Tư pháp nơi đặt Chi nhánh. Hồ sơ đăng ký nội dung thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động;
b) Bản chính Giấy đăng ký hoạt động;
c) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập của Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
Sở Tư pháp nơi đăng ký việc thay đổi thực hiện ghi nội dung thay đổi vào Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh.
3. Trường hợp thay đổi Trưởng Chi nhánh, địa điểm đặt trụ sở của Chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và gửi hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ đề nghị đăng ký nội dung thay đổi gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động;
b) Bản chính Giấy đăng ký hoạt động;
c) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
Trong trường hợp chuyển địa điểm trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài gửi Thông báo cho Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động và gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp nơi đặt địa điểm trụ sở mới. Hồ sơ đề nghị đăng ký theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
4. Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thay đổi Trưởng Văn phòng đại diện, địa điểm đặt trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Trong trường hợp thay đổi địa điểm trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Văn phòng đại diện gửi thông báo chuyển địa điểm trụ sở cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở cũ và Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở mới. Hồ sơ thông báo gửi Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở mới gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Thông báo về việc thay đổi địa điểm Văn phòng đại diện;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu.
Điều 24. Thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
1. Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp sau đây:
a) Có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm;
b) Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài không tiến hành bất kỳ hoạt động nào ghi trong Giấy phép thành lập trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện Chi nhánh, Văn phòng đại diện thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động thì thông báo cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở của Chi nhánh, Văn phòng đại diện. Sở Tư pháp có trách nhiệm tiến hành xem xét, xác minh.
Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tư pháp phát hiện Chi nhánh, Văn phòng đại diện thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập thì Sở Tư pháp phải có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Giấy phép thành lập trong đó nêu rõ lý do và kèm theo các giấy tờ chứng minh (nếu có).
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Chi nhánh, Văn phòng đại diện.
4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Bộ Tư pháp có quyết định thu hồi Giấy phép thành lập, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải nộp lại Giấy phép cho Bộ Tư pháp.
5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi Sở Tư pháp nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài phải nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp.
Điều 25. Chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
1. Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài bị chấm dứt hoạt động theo quyết định của Tổ chức trọng tài nước ngoài;
b) Tổ chức trọng tài nước ngoài thành lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại Việt Nam đã chấm dứt hoạt động ở nước ngoài;
c) Bị thu hồi Giấy phép thành lập theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
2. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp của địa phương nơi đặt trụ sở; đăng báo về việc chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp ra quyết định chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện.
Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải thanh toán xong các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng lao động; hoàn tất các vụ việc đã nhận (đối với Chi nhánh), trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nộp lại Giấy phép cho Bộ Tư pháp; nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp; nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp và đăng ký việc sử dụng con dấu.
3. Trong trường hợp Chi nhánh, Văn phòng đại diện bị thu hồi Giấy phép thành lập thì Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải đăng báo về việc chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này; thanh toán xong các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng lao động, hoàn tất các vụ việc đã nhận (đối với Chi nhánh), trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày quyết định của Bộ Tư pháp về việc chấm dứt hoạt động có hiệu lực hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi Giấy phép có hiệu lực, Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải hoàn tất các thủ tục nêu trên và gửi báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về việc chấm dứt hoạt động; nộp lại con dấu cho cơ quan có thẩm quyền cấp.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Điều 27. Quy định chuyển tiếp
1. Trước ngày 31 tháng 12 năm 2011, các Trung tâm trọng tài được thành lập trước ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ và Quy tắc tố tụng trọng tài cho phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại. Điều lệ sửa đổi, bổ sung phải được Bộ Tư pháp phê chuẩn.
Hồ sơ xin phê chuẩn Điều lệ sửa đổi, bổ sung gồm 01 bộ giấy tờ sau đây:
a) Đơn đề nghị phê chuẩn Điều lệ sửa đổi, bổ sung;
b) Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài hoặc Quyết định phê chuẩn Điều lệ Trung tâm trọng tài; trong trường hợp nộp bản sao thì phải kèm theo bản chính để đối chiếu;
c) Dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp phê chuẩn Điều lệ sửa đổi, bổ sung của Trung tâm trọng tài.
Điều 28. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2011.
Nghị định số 25/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Văn phòng luật sư uy tín Hà Nội cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài luật sư chuyên giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam – 1900 599 979 hoặc Hotline 098 301 9109.
Trân trọng!