Nhiều luật sư ở địa phương khẳng định hoạt động hành nghề của họ vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì sự vận dụng pháp luật thiếu thống nhất của các cơ quan tố tụng…
Theo luật sư Nguyễn Kỳ Việt qua kinh nghiệm 22 năm hành nghề luật sư, ông thấy rằng việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa đang trở thành một trong những rào cản lớn cho hoạt động hành nghề của giới luật sư. Các cơ quan tố tụng không thống nhất với nhau trong quá trình áp dụng pháp luật.
Cản trở tham gia tố tụng
Luật sư Việt lấy ngay một vụ ông vừa gặp phải ra dẫn chứng: Có một bị cáo chưa thành niên, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm thì vẫn đang bị tạm giam trong trại. Cha của bị cáo là người giám hộ đã nhờ ông tham gia bào chữa cho bị cáo. Khi ông tiếp nhận đề nghị đó và lên tòa phúc thẩm làm thủ tục thì tòa từ chối với lý do chỉ còn hai ngày nữa là tòa mở phiên xử, lẽ ra luật sư cần phải làm thủ tục trước ba ngày. Tòa còn bảo dù là người giám hộ thì cha của bị cáo cũng không có quyền ký hợp đồng nhờ luật sư…
Luật sư Việt rất bức xúc: “Tôi không hiểu quy định luật sư phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa trước khi tòa mở phiên xử tối thiểu ba ngày này là ở văn bản nào, do ai đưa ra? Mặt khác, bị cáo đang ở trong trại tạm giam, làm sao ký được hợp đồng dịch vụ pháp lý? Tại sao tòa lại không tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào vụ án?”.
Nhiều đại diện cho Công ty luật và Văn phòng luật sư, Các luật sư nhất trí cần bỏ hẳn thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong tố tụng hình sự. Ảnh: HTD
Bổ sung về các khó khăn mà luật sư ở địa phương gặp phải khi làm thủ tục tham gia tố tụng, bảo vệ bị can đang bị tạm giam, luật sư Nguyễn Trường Thành cho biết rất nhiều vụ cơ quan điều tra không cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư với lý do bị can không đồng ý nhờ luật sư. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không nói rõ vì sao bị can không đồng ý, đồng thời cũng không có văn bản nào thể hiện việc từ chối của bị can.
Luật sư Thành kể: Trước đây ông nhận bào chữa cho một bị can ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Cơ quan điều tra từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa với lý do bị can từ chối mời luật sư. Vì vậy, ông yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp bằng chứng thể hiện việc này. Cuối cùng, cơ quan này không đưa ra được văn bản từ chối của bị can nên sau đó phải cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Bỏ thủ tục này là hợp lý?
Từ thực trạng trên, các luật sư Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đều thống nhất cao là cần phải bỏ hẳn thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong tố tụng hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Viết Bình, quy định về giấy chứng nhận người bào chữa hiện nay rất nhiêu khê và phiền phức. Khi tham gia vụ án, luật sư đến cơ quan tố tụng nào thì lại phải xin giấy chứng nhận của cơ quan đó, mỗi lần như vậy rất mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc của luật sư cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo. Do đó, chỉ cần luật sư có thẻ luật sư kèm giấy tờ thể hiện việc bị can, bị cáo yêu cầu luật sư tham gia vào vụ án là đủ.
Luật sư Nguyễn Trường Thành đề nghị lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự này cần làm rõ các vấn đề sau: Thứ nhất, trường hợp người thân nhờ bào chữa cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam thì người thân cụ thể ở đây là những ai, thủ tục như thế nào… Thứ hai, trong trường hợp chưa bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì luật cần quy định rõ giấy chứng nhận có giá trị xuyên suốt quá trình tố tụng hay chỉ ở từng giai đoạn nhất định. Bởi lẽ hiện nay có những nơi tòa án, VKS cho phép luật sư sử dụng giấy chứng nhận người bào chữa do cơ quan điều tra cấp nhưng có những nơi lại không chấp nhận, bắt luật sư làm lại thủ tục. Nếu luật sư chỉ cần phải xin cấp giấy chứng nhận bào chữa một lần thì sẽ giảm bớt phiền hà cho luật sư, cơ quan tố tụng, đồng thời quyền lợi của bị can, bị cáo sẽ được đảm bảo hơn.
Bị can có quyền im lặng?
Theo luật sư Nguyễn Xuân Mai, hiện nay chúng ta đã hội nhập với thế giới nên luật pháp cũng cần phải có những quy định tiến bộ hơn để hội nhập một cách toàn diện so với các lĩnh vực khác. Chẳng hạn Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi cần quy định rõ bị can, bị cáo có quyền từ chối trả lời khi chưa có luật sư. Khi đó, danh sách luật sư của địa phương phải được dán ở cơ quan điều tra để bị can có thể biết mà mời luật sư. Bên cạnh đó, trước khi lấy lời khai, điều tra viên phải giải thích cho bị can, bị cáo biết về quyền im lặng của mình trước khi mời luật sư. Những vụ án có luật sư bào chữa mà khi lấy cung không có luật sư tham gia thì phải quy định là bản cung đó không có giá trị.
Chỉ Việt Nam mới còn quy định
Trên thế giới, chỉ nước ta còn giữ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Ngay cả Trung Quốc vừa qua cũng đã bãi bỏ thủ tục này. Ở nước ta hiện nay, điều đáng nói là dù pháp luật được quy định ngày càng nhiều, ngày càng hoàn thiện hơn nhưng vướng mắc trong quá trình hoạt động của giới luật sư vẫn không hề giảm. Hiện nay vai trò của luật sư luôn ở trong thế bị động so với các cơ quan tố tụng.
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Có cơ quan giam giữ còn tùy tiện
Các cơ quan giam giữ phạm nhân cũng cần phải thực hiện đúng quy định. Lẽ ra luật sư chỉ cần có giấy chứng nhận người bào chữa là có quyền được tiếp xúc với bị can, bị cáo nhưng thực tế mỗi trại tạm giam, nhà tạm giữ lại tự đặt ra các quy tắc khác. Có nơi yêu cầu phải có ý kiến của cán bộ tố tụng giải quyết án, thậm chí có nơi còn yêu cầu lãnh đạo cơ quan tố tụng cấp giấy xác nhận, giấy giới thiệu trong khi cơ quan tố tụng không hề có chức năng này.
Luật sư THIỆU NGỌC TUYẾT, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ
Cán bộ thiếu hợp tác
Nguyên nhân dẫn đến thái độ thiếu hợp tác với luật sư xuất phát từ quy định pháp luật chưa đầy đủ. Ngoài ra, một số cán bộ tố tụng nhận thức về nghề nghiệp của luật sư chưa chuẩn, họ cho rằng khi tham gia bào chữa, luật sư nhận được khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với đồng lương của họ…
Luật sư NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ