Sự cố 03 học sinh thương vong khi chơi tàu lượn ở khu du lịch Đảo ngọc xanh tỉnh Phú Thọ tiếp tục là lời cảnh báo cho công tác quản lý đảm bảo an toàn trong các khu vui chơi trẻ em. Những sự cố tương tự cũng đã từng xảy ra ở một số địa phương. Rõ ràng đang có những bất cập, những hiểm họa mà chúng ta phải nhận diện và có biện pháp chấn chỉnh, nhằm đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi nói chung và khu vui chơi dành cho trẻ em nói riêng.
Cùng bàn luận vấn đề này, ANTV mời tới trường quay hôm nay Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Cụ thể sự việc: Ngày 14/1 Hệ thống trò chơi tàu lượn ở khu du lịch Đảo ngọc xanh huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đang trong quá trình vận hành thì bất ngờ một khoang chở khách bất ngờ văng ra khỏi đường ray. Hậu quả làm 1 em học sinh tử vong, 2 em bị thương nặng.
Trước đó vào năm 2014 cũng tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cũng xảy ra sự cố làm 6 em phải nhập viện do gặp sự cố vỡ Tuy ô thủy lực của trò chơi đu quay.
Như vậy đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố liên quan đến trò chơi tại khu du lịch này, sự việc này có hậu quả lớn hơn rất nhiều là có 1 học sinh tử vong.
- Vậy Thưa Luật sư Nguyễn Minh Long ông có những đánh giá về sự cố tại khu vui chơi Đảo ngọc xanh?
Trước hết, Luật sư Nguyễn Minh Long gửi lời chia buồn tới gia đình các em học sinh bị nạn. Các em bị nạn là các học sinh lớp 11; lứa tuổi mà ước mơ, hoài bão của các em chưa thực hiện được. Sự cố xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây chấn động tới tâm lý các em học sinh cũng như tâm lý các bậc phụ huynh rất lo lắng vấn đề này. Mặc dù việc nhà trường quan tâm cho các con tổ chức dã ngoại nhưng cũng phải lựa chọn cho phù hợp, để dễ quản lý, kiểm soát an toàn cho các cháu. Đây cũng là hồi chuông đối với các khu vui chơi trò chơi nguy hiểm về sự quản lý, giám sát hệ thống khu vui chơi; là sự cảnh giác với những người đang có dự định hoặc sẽ tham gia các trò chơi này trong việc lựa chọn khu vui chơi an toàn; là bài học cho nhà trường; các cấp quản lý trong việc quản lý các hoạt động dã ngoài nhà trường cũng như các cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm phải xem xét nghiêm túc.
- Luật sư cho biết nguyên nhân dẫn tới việc tai nạn liên quan tới khu vui chơi mạo hiểm ngày càng tăng.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc các tai nạn tại khu vui chơi trò chơi mạo hiểm ngày càng xảy ra nhiều hơn. Theo tôi, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan: Bản chất thực tế các trò chơi này là trò chơi mạo hiểm. Tên gọi đã nói nên tính chất của trò chơi mang tính nguy hiểm ; cảm giác mạnh hơn các trò chơi khác. Trẻ em thường tò mò, hấp dẫn bởi những trò chơi này.
Hơn nữa, hệ thống vận hành các trò chơi này là các trang thiết bị cơ khí do đó việc lỗi; hỏng hóc là không tránh khỏi.
Về nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, về chính phía người chơi khi không tuân thủ quy định an toàn của khu vui chơi: như thắt dây an toàn; chủ quan liều lĩnh khi thực hiện trò chơi
Thứ hai, về phía quản lý vui chơi có sơ xuất trong việc quản lý; không kiểm tra an toàn cả hành khách trước khi vận hành; không kiểm tra thường xuyên hệ thông các trò chơi vui chơi khiến cho không kiểm soát được lỗi khi vận hành.
Thứ ba, cơ chế quản lý, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với các trò chơi này còn nhiều kẽ hở; khiến cho các doanh nghiệp/ khu vui chơi lách luật không thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của mình.
- Đối với những bất cập về cơ chế quản lý, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với các trò chơi này là Luật sư ông đánh giá như thế nào?
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long giám đốc Công ty Luật Dragon cho rằng:
Thứ nhất; Theo quy định, việc cấp phép cho các khu vui chơi do các Sở Văn hóa thể thao và Du lịch cấp tỉnh / thành phố cấp phép. Tuy nhiên, Sở Văn hóa thể thao và du lịch chỉ quản lý về chất lượng, giá cả dịch vụ, cơ sở lưu trú, còn chất lượng và độ an toàn của các trò chơi trong khu vui chơi thì gần như không có chuyên môn để kiểm tra về tính an toàn của các trang thiết bị này.
Các trang thiết bị này do một đơn vị kiểm định đạt chất lượng và được đưa vào hoạt động. Cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và ít khi thẩm định lại, chỉ kiểm tra bằng cảm quan. Do dó, việc này rất dễ nảy sinh lỗ hổng khi các trang thiết bị không đủ tiêu chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Thứ hai, trong quá trình hoạt động; chính vì các Sở ban ngành không có chuyên môn trong việc kiểm định nên thiết bị trò chơi đó được giao cho doanh nghiệp tự kiểm tra, bảo dưỡng, chịu trách nhiệm về chất lượng của thiết bị trò chơi đó. Chất lượng, sự an toàn của các trò chơi trong khi phục vụ du khách hầu như do khu du lịch tự đảm bảo. Đây cũng là lỗ hỏng lớn.
- Trách nhiệm của các bên trong sự cố tại Phú Thọ.
Để xem xét trách nhiệm của các bên thì theo đánh giá của Luật sư cần chờ kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn của cơ quan chức năng.
Nếu tai nạn xảy ra do sự bất cẩn của nhân viên khu du lịch thì phía khu du lịch hoặc cá nhân nhân viên đó sẽ chịu trách nhiệm và bồi thường do sơ suất, hoặc do du khách tham gia trò chơi không tuân thủ đúng quy định của khu vui chơi..
Về các lỗi trong cấu trúc hay thiết kế dẫn đến tai nạn, nhà sản xuất thiết bị hoặc riêng đơn vị thi công bộ phận gặp lỗi và khu du lịch sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.
Nếu trò chơi đã được thông báo nguy hiểm, hoàn toàn có khả năng xảy ra tai nạn và được sự đồng ý tham gia của người chơi thì họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hoặc trường hợp người tham gia không tuân thủ quy định của trò chơi thì trách nhiệm là của người chơi.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Minh Long cũng xin nhấn mạnh rằng, trong vụ việc này, trách nhiệm quản lý học sinh của nhà trường và trách nhiệm quản lý; giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không tránh khỏi.
- Quy định của pháp luật liên quan tới cấp phép các trò chơi nguy hiểm, Luật sư có thể nêu một số quy định cụ thể?
Luật sư Long cho rằng: Nghị định 168/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 khá cụ thể về các loại hình du lịch mạo hiểm.
Điều 12, 13 Của Nghị định này quy định chi tiết các điều kiện công nhận Khu du lịch cấp tỉnh; khu du lịch cấp quốc gia. Bao gồm: điều kiện về cơ sở vật chất, giao thông, viễn thông; an ninh trật tự; điều kiện về mặt bằng..
Đới với các trò chơi nguy hiểm thì điều 8 Nghị định 168/2017 thì các trò chơi mạo hiểm bao gồm:
“1. Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao.
- Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.
- Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay.
- Thám hiểm hang động, rừng, núi.”
Bên cạnh đó, nghị định này còn quy định các biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch mạo hiểm như: có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch mạo hiểm; có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm; bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp…
Nếu theo quy định trên thì các trò chơi tại khu du lịch Đảo ngọc xanh không thuộc các trường hợp thể thao mạo hiểm; do đó việc đăng ký quản lý được thực hiện như các trò chơi bình thường.
Luật sư Nguyễn Minh Long
Giám đốc Công ty Luật DRAGON – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội