Luật sư Hà Nội với bài phát biểu toàn văn Luật sư Nguyễn Văn Chiến

Kính gửi: Đồng chí Tổng thư ký Quốc Hội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Kính thưa Đống chí chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của UBTV và UBTP Quốc hội đã có sự làm việc nỗ lực trong thời gian qua về việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong kỳ hợp trước và ý kiến của các cơ quan ban ngành có liên quan gửi ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc chuẩn bị bản hợp nhất giữa hai dự luật sửa đổi và BLHS 2015 để tạo điều kiện cho các đại biểu dễ nghiên cứu, đối chiếu. Tôi xin có một số ý kiến liên quan một số vấn đề còn có những thiếu sót, xung đột và không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội cụ thể như sau:

1. Về Điều 9 dự luật (phân loại tội phạm):
Hình phạt Cảnh cáo là một trong các hình phạt chính được quy định tại Điều 32 và Điều 34 dự thảo luật. Chúng tôi xin được biết, Hình phạt cảnh cáo thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng và được phân loại ở đâu?

2. Về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại
Xin Ban soạn thảo giải thích về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại trong dự thảo luật vì: Chủ thể và loại hình phạt giữa cá nhân người phạm tội (Điều 32) và pháp nhân thương mại (Điều 33) rất khác nhau về bản chất, một đằng hình phạt chính là phạt tù, một đằng hình phạt chính là phạt tiền; nhưng khoản 2, Điều 9 dự thảo luật phân loại tội phạm pháp nhân TM lại dẫn chiếu về khoản 1 là phân loại tội phạm đối với cá nhân phạm tội theo hình phạt tù. Tôi cho rằng, về khoa học hình sự và kỹ thuật lập pháp, không thể lấy phân loại hình phạt tù của cá nhân áp cho hình phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động đối với pháp nhân thương mại.

3 . Về Điều 19 dự luật
Khoản 3 quy định: “…Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”Tôi đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi điều luật vì nhiều các lẽ sau:

Thứ nhất: Luật sư bào chữa theo chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật Luật sư quy định, khác với bào chữa viên. người khác không chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức Luật sư Việt Nam. Không thể đánh đồng Luật sư với chủ thể là bố mẹ, anh, chị, em người phạm tội như dự thảo.

Thứ hai: Đưa chủ thể luật sư vào xử lý Hình sự không khảo sát, đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự? Hành vi này có mức độ nguy hại thế nào,có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp Hình sự?

Thứ ba: Quy định này đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với luật sư của Bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm Luật Luật sư mà còn vì phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ, không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa.

Thứ tư: Quy định này vi hiến, và xung đột với BLTTHS 2015, cụ thể điểm g khoản 2 Điều 73 quy định người bào chữa “không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa” nhưng Điều 19 BLHS quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa. Quy định này hoặc là đẩy luật sư vi phạm Điều 73, hoặc là Điều 19 BLHS chỉ là “quy định luật trên giấy”, vì luật sư khi tham gia tố tụng bắt buộc phải thực hiện Điều 73 BLTTHS 2015 vừa được QH khóa 13 thông qua, pháp luật chưa giải quyết được quy định xung đột thì không thể áp dụng chế tài hình sự với Luật sư khi họ tuân thủ đúng BLTTHS 2015.

Điều 19 chỉ có tính khả thi với chủ thể luật sư khi BLHS sửa đổi có hiệu lực cần tiếp tục sửa Điều 73 BLTTHS 2015 và Luật luật sư. Do BLHS và BLTTHS là hai luật nội dung và hình thức song hành, không tách rời nhau.Việc sửa luật này kéo theo sửa nhiều luật khác sẽ tiêu tốn tiền ngân sách, tiền thuế của dân, làm giảm uy tín của Quốc hội. Chúng tôi muốn Cơ quan trình cho biết, nếu Bộ luật hình sự này muốn có tính khả thi có phải sửa Bộ luật tố tụng hình sự hay không, nếu không thì tại sao?

Kỹ thuật làm luật đòi hỏi “Luật không xung đột Luật”, dễ hiểu và dễ áp dụng. Chúng ta phải rút kinh nghiệm để chất lượng làm luật được nâng lên, tránh tình trạng luật chưa ráo mực đã phải sửa gây lãng phí. Những vấn đề tối thiểu này chúng ta đã nhìn thấy vì đã được chỉ ra, thì chúng ta nên có trách nhiệm tiếp thu đầy đủ và tìm cách khắc phục.

Thứ năm, Điều 19 dự thảo Bộ luật hình sự năm 2015 còn làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề Luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào “Cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội”. Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ, xã hội còn niềm tin để nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hay không? Trên thế giới có bao nhiêu nước coi hành vi không tố giác thân chủ của luật sư là tội phạm hay chỉ bằng quy phạm đạo đức điều chỉnh? Cái này chúng ta đã có tổng kết. Đề nghị Cơ quan trình nêu con số thống kê, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội tham khảo, giới luật sư và cử tri cả nước được biết?

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi Luật này được thông qua, luật sư tranh tụng sẽ đứng giữa dòng: Nếu luật sư không thực hiện Điều 19 BLHS thì luật sư có thể phạm tội hình sự. Nếu thực hiện Điều 19 đi tố giác thân chủ thì luật sư có thể bị thân chủ tố ngược là vu khống. Chớ trêu thay, quy định này còn đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ đúng luật, bỗng dưng trở thành người bị tình nghi phạm tội sang chung vị trí cùng thân chủ vì bị xác minh xem xét trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm.

Năm nay, tròn 30 năm Pháp lệnh Luật sư 1987 ra đời, giá trị nghề luật sư được khẳng định, gần chục ngàn Tổ chức hành nghề luật sư như những doanh nghiệp hàng năm đóng góp nhiều 100 tỷ đồng vào Ngân sách Nhà nước góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước, thúc đẩy đầu tư, phát triển lành mạnh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật sư đã tích cực góp phần bảo vệ công lý; chống oan, giảm sai; gúp cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, quyền con người trong hiến pháp được bảo đảm. Nhiều vụ án oan, nhiều mạng người được luật sư cứu sống góp phần xây dựng xã hội nhân quyền, dân chủ, văn minh.

Xin đơn cử cảm xúc của nguyên KSV VKSND tỉnh Sóc Trăng – Phạm Văn Núi trong vụ án “dùng nhục hình” xét xử sơ thẩm tháng 10/2015, khi ngồi ghế bị cáo đã phải thốt lên với luật sư bào chữa cho mình: “Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của Luật sư trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Hồi trước, khi ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu nên không nhận ra hết vai trò của các vị”.

Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 33 của Ban Bí thư và chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam đến năm 2020 đều khẳng định tinh thần cải cách tư pháp tư pháp, bảo đảm quyền bào chữa. Chúng ta đều thấy rằng quy định luật sư không tố giác thân chủ phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ tác động không nhỏ đến kết quả cải cách tư pháp, kìm hãm sự phát triển nghề luật sư. Sau 30 năm cải cách, tỷ lệ vụ án có luật sư tham gia mới xấp xỷ 20%, yêu cầu tăng vụ án hình sự có luật sư bào chữa sẽ khó đáp ứng nếu giữ quy định Điều 19. Quy định mới của BLTTHS bảo đảm chỉ định bào chữa cho người phạm tội có khung hình phạt từ 20 năm tù trở lên sẽ là phi thực tế, mục đích người dân được cung cấp dịch vụ bào chữa tốt nhất, các án chỉ định 100% có luật sư sẽ không đáp ứng nếu Điều 19 dự luật được thông qua.

4. Về Điều 382 dự luật

Quy định này rất bất cập vì chức năng của luật sư bào chữa là gỡ tội. Điều 73 BLTTHS 2015 quy định người bào chữa có quyền đưa ra tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp hoặc tự mình thu thập để cung cấpcho cơ quan THTT mà họ cho là có thể gỡ tội cho thân chủ.

Vào thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ, luật sư không thể xác định được tài liệu đó là sai sự thật hay không và sai đến đâu. Quá trình xác định sự thật khách quan còn phụ thuộc vào việc xem xét, đánh giá chứng cứ của Tòa án. Toàn bộ chứng cứ do ĐTV, KSV và LS thu thập, cung cấp đều được đánh giá bình đẳng như nhau nhưng trách nhiệm hình sự lại không bình đẳng, chỉ luật sư chịu TNHS. Hơn nữa, để xác định chứng cứ là thật, giả, ở mức độ nào phải căn cứ kết quả giám định sao buộc luật sư phải biết để chịu TNHS nếu chứng cứ được kết luận là không thật. Các chứng cứ còn phải thẩm tra công khai tại phiên tòa và phải được HĐXX đánh giá, quyết định theo Luật TTHS.

Mặt khác, nếu một người cố ý cung cấp chứng cứ sai sự thật cũng cần phải xem tính liên quan, giá trị chứng minh và hậu quả của chứng cứ đó có gây hậu quả hay không, ở mức độ nào để xác định mức nguy hại cho xã hội của hành vi đến mức phải xử lý hình sự hay hành chính. Không thể quy định chung chung như dự thảo luật. Đây là tội cấu thành vật chất nên hậu quả là yếu tố bắt buộc nhưng điều luật chỉ mô tả hành vi khách quan để buộc trách nhiệm hình sự là không bảo đảm về khoa học pháp lý.
Kính thưa Quốc hội,

Những điều luật tôi nêu trên đây đều có tác động đến sự phát triển của giới trí thức là luật sư trong xã hội. Theo tôi, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và báo cáo khảo sát đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng đến chính sách, chiến lược phát triển của đội ngũ này ở chính những người đang đau đáu với nghề, những đối tượng người dân, doanh nghiệp đang đòi hỏi được thụ hưởng dịch vụ pháp lý chất lượng cao. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp, chống oan, giảm sai và phục vụ hội nhập quốc tế thì việc xây dựng luật trước tiên phải tuân thủ Hiến pháp, mang tính khoa học và lý luận cao, phù hợp với thực tiễn cuộc sống trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của kỹ thuật lập pháp “Luật không đựợc xung đột Luật”. Khi phát hiện có vấn đề này, chúng ta phải cùng có trách nhiệm giải quyết./.

Trân trọng cảm ơn Quốc Hội.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV

Luật sư Nguyễn Văn Chiến
Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam
Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội

luật sư giỏi tại hà nộiluật sư hà nộiluat su nguyen minh long
Comments (0)
Add Comment