Thủ tướng vừa phê duyệt đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế từ 2010 đến năm 2020, theo đó, phấn đấu sẽ có 150 luật sư đạt trình độ quốc tế.
Mục tiêu đặt ra là xây dựng đội ngũ luật sư giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thành thạo tiếng Anh, đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến 2015, sẽ có 400 luật sư được đào tạo chuyên sâu về thương mại đầu tư. Số lượng này đến 2020 sẽ là 1.500 người, trong đó 150 người đạt trình độ quốc tế và 30 tổ chức hành nghề chuyên sâu.
Để nhanh chóng đạt mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu ngay năm nay, phải xây dựng đề án thí điểm Trung tâm đào tạo liên kết (thuộc Bộ Tư pháp). Liên đoàn luật sư hoặc các tổ chức hành nghề luật sư cũng được khuyến khích lập trung tâm đào tạo liên kết nếu đủ năng lực.
Học viên phải đạt một số tiêu chuẩn nhất định (như kinh nghiệm, điểm IELTS 5,0) mới được tuyển học tập tại các trung tâm này và sẽ được cấp chứng chỉ sau khóa học.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyển chọn luật sư đi đào tạo nước ngoài (theo đề án Chính phủ phê duyệt hai năm trước).
Những luật sư (làm việc cho các bộ ngành, tập đoàn kinh tế) tự thân vận động đi học nước ngoài cũng sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí.
Về việc phát triển các tổ chức hành nghề hiện tại, Thủ tướng cho biết, sẽ mạnh dạn giao các tổ chức này thực hiện các giao dịch lớn của nhà nước hoặc huy động luật sư quốc tế cùng tham gia.
Đề án cũng đưa ra một số giải pháp khác như đào tạo cử nhân tài năng trong lĩnh vực pháp lý ở trường đại học, các khóa bồi dưỡng tiếng Anh cho luật sư tập sự, thu hút luật sư Việt kiều giỏi về nước làm việc, thành lập Câu lạc bộ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế…
Tại cuộc đối thoại với giới luật sư thuộc các công ty luật và văn phòng luật sư gần đây, Thủ tướng khẳng định, từ 2001 đến nay, số lượng luật sư tăng 250%, hiện Việt Nam có gần 5.800 luật sư, đạt tỷ lệ 15.000 dân/luật sư. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu các luật sư đủ năng lực chuyên môn và ngoại ngữ để tranh tụng quốc tế.
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Luật sư Nguyễn Minh Long