Luật sư Hà Nội – Mới đây, cộng đồng xôn xao, truyền nhau clip vụ đánh ghen lột quần áo, quay phim, chụp ảnh giữa mẹ con bà Tuyết và một phụ nữ khác. Đây là một trong những vụ đánh ghen được phát tán rất rộng trên cộng đồng mạng. Báo điện tử Infonet đã mời luật sư Nguyễn Minh Long Văn phòng luật sư tại Hà Nội giải đáp về vụ việc này.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, hành vi trong clip “đánh ghen lột quần áo” là dấu hiệu của tội Làm nhục người khác và có thể còn là tội Cố ý gây thương tích cho người khác nếu tỷ lệ thương tích sau khi giám định đạt đủ 11%.
Lý giải về việc bà Tuyết và con có hành vi chụp ảnh nạn nhân, sau khi đã lột hết quần áo, Luật sư Long cho biết, dù những hình ảnh đó có được phát tán hay không thì hành vi này kết hợp với hành vi lột quần áo cũng đã có thể có dấu hiệu vi phạm hình sự tội làm nhục người khác. Điều 121 – BLHS Khoản 1 khởi điểm của Tội làm nhục người khác quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Riêng với hành vi đánh vào đầu bà B của Quý nếu dẫn đến thương tích cho bà B đến mức như trong Bộ Luật hình sự quy định thì ngoài hành vi làm nhục người khác thì còn có dấu hiệu vi phạm hình sự tội cố ý gây thương tích’
Hình ảnh cá nhân thuộc về quyền về nhân thân của mỗi cá nhân, quyền này được pháp luật bảo vệ và được quy định cụ thể trong các điều 31, 33, 34 Bộ luật Dân sự. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân, thậm chí chỉ công bố thông tin về bí mật đời tư cũng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Không ai có quyền phát tán hình ảnh, thông tin bí mật đời tư nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Hành vi phát tán ảnh khỏa thân, ảnh sinh hoạt đặc biệt, phim quay lén của người khác nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác quy định ở điều 121 BLHS.
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi phát tán hình ảnh đã gây hậu quả nghiêm trọng đến hình ảnh, đời tư xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm nạn nhân trong clip. Nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo điều 611, Bộ Luật Dân sự 2005
Luật sư Nguyễn Minh Long lý giải: Mỗi người đều có quyền tự do quay phim, chụp ảnh. Nhưng việc công bố những hình ảnh riêng tư là việc làm vi phạm pháp luật rõ ràng và chắc chắn sẽ bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm. Một người phát tán những hình ảnh “nhạy cảm” của người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tội danh với người có hành vi này được xác định như sau:
– Nếu việc phát tán những hình ảnh “nhạy cảm” của người khác nhằm mục đích truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thì người có hành vi này có thể bị kết án về tội tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy theo Điều 253 Bộ Luật Hình sự;
– Phát tán những hình ảnh “nhạy cảm” của người khác nhằm mục đích làm nhục họ thì người có hành vi này có thể phạm vào tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ Luật Hình sự;
– Nếu việc phát tán những hình ảnh “nhạy cảm” của người khác nhằm mục đích đe doạ chiếm đoạt tài sản của họ thì người có hành vi này có thể bị kết án về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 Bộ luật hình sự;
Đưa ra bình luận về việc vì sao hiện tượng đánh ghen, lột quần áo nạn nhân rồi quay phim chụp ảnh khá phổ biến hiện nay, Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty luật cho rằng: “Không phải người dân kém hiểu biết về pháp luật mà ở đây là vấn đề coi thường pháp luật, thờ ơ trước pháp luật; ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người dân còn chưa cao dẫn đến xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Những cá nhân này cần phải bị áp dụng các chế tài tương ứng với hành vi của mình”.
Hồng Chuyên (infonet)
Công ty luật tại Hà Nội, luật sư tại hà nội, văn phòng luật sư tại hà nội