Luật sư tập sự nên cho tham gia phiên tòa

Ngày 10-10, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Chương trình đối tác tư pháp tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2006.

Những người trong cuộc đều thừa nhận số lượng luật sư tăng nhưng trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp còn nhiều hạn chế…

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, kể vài câu chuyện bi hài mà ông chứng kiến: Tại tòa, một luật sư cương quyết khẳng định VKS đã… bỏ lọt tội đối với thân chủ, cần phải truy tố thêm tội khác. Vụ khác, luật sư (từng là thẩm phán) khi bào chữa đứng đọc liền ba trang nhắc lại cáo trạng rồi khẳng định: “Việc truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

“Lỗ hổng” về chính sách ưu đãi

Theo các luật sư, nguyên nhân của thực tế này có phần do Luật Luật sư đã mở rộng phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghiệp vụ luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự luật sư. Cụ thể, Điều 13 quy định đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư (sáu tháng – PV) gồm những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; thẩm tra viên chính, kiểm sát viên chính… Những người này cũng đồng thời được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư (18 tháng – PV) theo quy định tại Điều 16.

Luật sư Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An, cho rằng để bảo đảm chất lượng thì cần phải quy định về việc miễn đào tạo nghề luật sư, miễn hoặc giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư như Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Theo đó, các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cần phải trải qua thâm niên năm năm mới được miễn đào tạo nghề luật sư và giảm một nửa thời gian tập sự; phải qua thâm niên 10 năm mới được miễn toàn bộ thời gian tập sự.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp thì đề xuất: Mỗi vị trí đòi hỏi một kỹ năng khác nhau, do vậy cần quy định theo hướng nếu được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư thì phải qua đào tạo để trang bị kỹ năng hoặc ngược lại.

Các luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Cho luật sư tập sự tham gia phiên tòa cấp huyện?

Tại hội thảo, nhiều luật sư kiến nghị cần khôi phục lại tên gọi luật sư tập sự thay cho cách gọi người tập sự hành nghề luật sư, đồng thời cho phép họ có cơ hội trực tiếp hành nghề luật sư.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga ví von: Người tập sự hiện giống một người xuống nước nhưng không được bơi, chỉ được đứng nhìn. Là giảng viên thỉnh giảng của Học viện Tư pháp, bà cho biết hiện có tới 90% luật sư tập sự chuẩn bị bài thực hành liên quan đến việc thành lập công ty luật… là những chuyện rất đơn giản mà không cần là luật sư cũng làm được.

Luật sư Nguyễn Thế Phong kiến nghị: Để người tập sự có cơ hội thực hành nghề nghiệp thì cần quy định về tập sự giống như Pháp lệnh Luật sư năm 2001 là cho họ tham gia tố tụng tại tòa án cấp huyện. Trước đây, các luật sư tập sự vẫn tham gia cung ứng dịch vụ pháp lý và chưa có trường hợp nào gây thiệt hại cho khách hàng cả bởi bên cạnh họ còn có sự giám sát của luật sư hướng dẫn.

Thuộc về “phe thiểu số”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp lại ủng hộ quy định hiện hành để bảo đảm quyền lợi của khách hàng: “Khi kỹ năng của chúng ta chưa đâu vào đâu, chúng ta đã cung cấp dịch vụ thì khách hàng sẽ phải tiếp nhận dịch vụ không hoàn hảo. Một luật sư đã qua quá trình đào tạo sáu tháng, tập sự 18 tháng, được chính thức rồi mà sản phẩm còn chưa hoàn chỉnh thì nói gì đến việc mới qua đào tạo đã thực hiện dịch vụ”.

Ra tòa dưới danh nghĩa người hướng dẫn?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, luật sư Nguyễn Minh Tâm, cho hay pháp luật chế độ Sài Gòn trước 1975 cho người tập sự được ra tòa bào chữa nhân danh luật sư hướng dẫn.

Ông Tâm nghiêng về hướng này: “Không nên tách luật sư tập sự ra khỏi người hướng dẫn khi giữa họ có mối liên hệ đặc biệt. Cá nhân luật sư tập sự không có tư cách gì nên không được ra tòa nhưng nếu họ ra tòa nhân danh người hướng dẫn và quy trách nhiệm cho người hướng dẫn thì hoàn toàn hợp lý. Quy định như vậy vừa nhằm nâng cao trách nhiệm của luật sư hướng dẫn, vừa tạo môi trường cho luật sư tập sự trưởng thành, bởi họ thực sự được làm nghề chứ không phải làm những việc vặt”.

Nếu yêu nghề thì hẵng làm luật sư

Tôi nghĩ rằng phải thực sự yêu nghề, muốn sống chết với nghề, phải cảm thấy vinh dự, tự hào về nghề thì mới bước vào nghề luật sư, dừng chân ở đây.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp NGUYỄN ĐÌNH LỘC

Còn “chạy án”

Trong thực tế, cá biệt còn tồn tại hiện tượng “chạy án” giữa luật sư với người tiến hành tố tụng làm ảnh hưởng tới bản chất cao quý của nghề nghiệp, làm xói mòn danh dự, uy tín của người luật sư chân chính. Một vài trường hợp đã bị phát hiện và bị xử lý. Tuy nhiên, các trường hợp xử lý chỉ chiếm một phần nhỏ trong thực trạng nói trên.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Xử lý vi phạm chưa nghiêm

Hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư trong thời gian qua đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, thậm chí còn làm cho một bộ phận luật sư có phần chủ quan, thiếu nghiêm túc trong hành nghề và trong việc tuân thủ pháp luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư

CÔNG TY LUẬT DRAGON

công ty luật hà nộiluật sư hà nộiluat su nguyen minh longvăn phòng luật sư hà nội
Comments (0)
Add Comment