Hoạt động từ thiện, chung tay cùng Nhà nước cứu trợ người dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh, … là hoạt động đáng quý và cần khuyến khích, phát huy. Tuy nhiên, việc cá nhân, tập thể tự tổ chức các hoạt động từ thiện cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch, có các chứng cứ về việc đã vận động,tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp như thế nào để Nhà nước, người dân có thể giám sát, quản lý minh bạch.
Dưới góc độ pháp lý Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon tư vấn các tổ chức, cá nhân khi làm từ thiện cần hiểu rõ quy định của pháp luật để làm đúng, làm đủ, và lan tỏa tấm lòng thiện nguyện đến toàn dân.
1. Pháp luật qui định sử dụng tiền ủng hộ từ thiện như thế nào?
Theo Nghị định Số: 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo; Thông tư 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện NĐ 64/2008/NĐ-CP đang điều chỉnh thực hiện việc từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 các hành vi bị nghiêm cấm của NĐ 64/2008 quy định hành vi Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp và hành vi Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi bị nghiêm cấm.
Việc sử dụng tiền ủng hộ từ thiện được quy định bởi Điều 10 NĐ 64/2008/NĐ-CP về “tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ cho các địa phương” và Điều 11 NĐ 64/2008 về “sử dụng nguồn đóng góp tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng”(được hướng dẫn bởi Điểm 6.3 Thông tư 72/2008/TT-BTC). Quá trình sử dụng tiền ủng hộ phải được công khai theo Điều 14 NĐ 64/2008/NĐ-CP (Điều 9 Thông tư 72/2008/TT-BTC hướng dẫn).
Điều 7 NĐ 64/2008/NĐ-CP quy định về thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ như sau “Thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, tiền quyên góp từ thiện phải được phân phối cho người dân cần giúp đỡ theo luật định.
2. Sử dụng tiền hỗ trợ từ thiện không đúng mục đích sẽ bị xử lý ra sao?
Điều 21 NĐ 64/2008 quy định “các tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nếu kêu gọi , vận động, tiếp nhận từ thiện sau đó không phân phối đúng thời gian và mục tiêu vận động ban đầu. Giữ tiền, hàng cứu trợ vì mục đích tư lợi cá nhân để chiếm đoạt thì thậm chí còn có dấu hiệu hình sự của hành vi lạm dụng tin nhiệm đoạt tài sản.
Với trường hợp làm từ thiện của Nghệ sĩ Hoài Linh thì Cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, hành vi để có câu trả lời chính xác cho những người đã đóng góp từ thiện thông qua Hoài Linh cũng như có căn cứ xử lý theo quy định khi có dấu hiệu sai phạm.
Trên đây là một số ý kiến pháp lý của Công ty Luật Dragon về chuyện làm từ thiện mà độc giả quan tâm.
CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON
Đại diện: Luật sư Nguyễn Minh Long
Chức vụ: Giám đốc
Điện thoại: 1900.599.979 Hotline: 0983019109.
Trụ sở chính: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Chi nhánh: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng.