Luật sư tư vấn về Luật thừa kế tài sản

Công ty luật Dragon Sài Gòn – Luật sư tư vấn về Luật thừa kế tài sản


Chào luật sư

Luật sư cho tôi hỏi một vấn đề có được không. Rất mong luật sư giúp tôi. Cha mẹ tôi mất nhưng không để lại di chúc cho tôi và anh trai tôi, anh trai tôi đã mất nên con trai anh tôi định tranh giành ngôi nhà tôi đang ở vì nó cho rằng nhà đó là của ông nội nó. Anh trai tôi tập kết ra Bắc, sau định cư ở ngoài đó và đã mất ở ngoài đó lâu rồi. Vậy cho tôi hỏi con của anh trai tôi có thể tranh giành nhà đó với tôi không. Tôi chân thành cảm ơn !

Thay mặt Công ty Luật Dragon, Ban tư vấn xin trả lời Qúy Khách như sau:

1. Cơ sở pháp lý

  • Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

« 1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế”.

  • Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

  • Điều 677. Thừa kế thế vị

« Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống ».

2. Ý kiến tư vấn:

Trong trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ là cha mẹ của bạn mất mất khi nào? Khi cha mẹ bạn mất thì những người như cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi (nếu có) của cha mẹ bạn còn sống hay không? Ngôi nhà mà cha mẹ bạn để lại là tài sản chung của cha mẹ bạn hay là tài sản riêng của một trong hai người?  Do vậy, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Do cha mẹ bạn chết không để lại di chúc nên theo quy định tại điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 thì tài sản của cha mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật. Theo điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ bạn sẽ bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, cha mẹ và con nuôi (nếu có) của cha mẹ bạn. Theo khoản 2 điều 676 BLDS 2005 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do vậy, nếu những người này còn sống vào thời điểm cha mẹ bạn chết thì di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ được chia đều cho những người này.

Ngoài ra, bạn cũng không nói anh trai bạn mất khi nào? Mất trước, sau hay cùng thời điểm mất với cha mẹ bạn? Nên chúng tôi chia làm 2 trường hợp

– Nếu anh trai bạn mất trước hoặc cùng thời điểm mất với cha mẹ bạn thì theo điều 677 Bô luật dân sự năm 2005 về thừa kế thế vị quy định con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Tức là con trai của anh trai bạn sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà đáng lẽ nếu còn sống thì anh trai bạn được hưởng, chứ cháu trai bạn không phải được hưởng toàn bộ ngôi nhà của cha mẹ bạn với lý do đó là nhà của ông nội nó.

– Nếu anh trai bạn mất sau khi cha mẹ bạn chết thì anh trai bạn sẽ được nhận phần di sản theo hàng thừa kế thứ nhất bằng với phần di sản của bạn.

Do vậy, cháu của bạn không thể tranh giành ngôi nhà đó với bạn được.

Để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn mời anh/chị trực tiếp liên hệ với Công ty Luật Dragon theo địa chỉ bên dưới.

Trân trọng!

Luật sư  Nguyễn Minh Long

CÔNG TY LUẬT DRAGON

công ty luậtDịch vụ luật sư Dragongiá dịch vụ luật sưhành nghề luật sưluat luat suLuật sưluật sư tư vấnluật sư việt nammua dịch vụ luật sưNghề luật sưthừa kế tài sảntu van luattu van luat truc tuyenvăn phòng luật sư
Comments (0)
Add Comment