Góp ý cho đề cương chiến lược đến năm 2020, một số luật sư nói cần tạo môi trường để luật sư phát huy vai trò của mình, vì một nhà nước pháp quyền.
Đề cương chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 do Bộ Tư pháp khởi động lấy ý kiến đóng góp đưa ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu có 17.000 luật sư, bằng ba lần hiện nay.
Hiện cả nước có hơn 5.500 luật sư, tức là cứ trên 16.000 dân mới có 1 luật sư. Nếu số lượng luật sư tăng gấp 3, tỉ lệ luật sư sẽ ở mức 1/12.000 dân.
Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm sáng 5/11, các đại biểu cho rằng điều quan trọng mà chiến lược cần nêu không nằm ở số lượng, mà là môi trường để luật sư phát huy vị trí, vai trò của mình, vì một nhà nước pháp quyền.
Thế nào là đạt chuẩn quốc tế?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phải “coi luật sư là đối tượng để phục vụ, không phải để quản lý”.
Trong khi đó, ở thời hội nhập, môi trường kinh doanh của DN đã thay đổi từ hệ thống pháp luật thương mại nội địa đơn giản sang hệ thống pháp luật thương mại quốc tế phức tạp. “Rủi ro các vụ kiện quốc tế tăng cao, nguy cơ tranh chấp thương mại lớn, trong 4 năm có hơn 40 vụ kiện chống bán phá giá từ hàng chục quốc gia, từ chuyện con cá cho đến đôi giày”.
Song, nhận định về mục tiêu “hình thành ít nhất 150 luật sư, 30 tổ chức hành nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế” vào năm 2020, ông Huỳnh thắc mắc: “Như thế nào là quốc tế? Có phải cứ làm ở văn phòng nước ngoài là thành luật sư quốc tế không?” và cho rằng “không nên can thiệp vào thị trường”.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng góp ý: ” Số lượng luật sư bao nhiêu, vùng nào, miền nào có bao nhiêu luật sư không quan trọng. Vấn đề là bảo đảm cho tất cả người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng luật sư thì có luật sư”.
Quá ít luật sư ở Quốc hội
Cũng như ông Huỳnh, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhắc đến một trong những nhiệm vụ của luật sư – góp ý xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh – thương mại nói riêng.
“Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn dưới luật ban hành rất nhiều, nhưng có bao nhiêu luật sư tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo? Tỷ lệ bao nhiêu đại biểu Quốc hội là luật sư?”, ông Thiệp nêu câu hỏi.
Chánh văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho hay, chỉ có duy nhất một luật sư là đại biểu Quốc hội. “Tôi cho rằng điều này không phù hợp với thông thường. Ở các nước, tỷ lệ luật sư tham gia Quốc hội rất cao”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.
Cũng theo ông Thiệp, việc luật sư chỉ được tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, văn bản dưới luật như người dân bình thường không có nhiều ý nghĩa. “Nói riêng ở Hà Nội, thành phố sử dụng bao nhiêu luật sư cho việc xây dựng soạn thảo văn bản? Chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia, nhưng vấn đề là người ta không có nhu cầu. Chả nhẽ mình lại đến xin việc?”.
Tự nhận “tâm niệm theo đuổi suốt đời nghề này”, ông Thiệp cũng đồng tình với ý kiến của Trưởng ban Pháp chế VCCI rằng điều phải làm là “đảm bảo môi trường lành mạnh” cho luật sư. Cụ thể, ông Huỳnh nói không những chỉ phải sửa Luật Luật sư có hiệu lực từ tháng 1/2007, mà còn phải rà lại những văn bản “đang làm vướng hoạt động của luật sư”, như với quy định phải xin giấy chứng nhận bào chữa trong bộ luật tố tụng hình sự, “chi phí càng lớn thì người dân càng không cần đến luật sư”.
Ông Nguyễn Huy Thiệp nêu ví dụ khác: Với cơ chế như hiện nay, thẩm phán vẫn được bổ nhiệm có định kỳ, ý kiến của chính quyền địa phương lại cực kỳ quan trọng, gần như tiên quyết, nếu chính quyền địa phương không có ý kiến ủng hộ thì đương nhiên sẽ không nằm trong danh sách tái nhiệm.
“Chính điều này đã tạo tư tưởng cho người thẩm phán có những “du di” để làm sao bảo đảm quyền lợi của mình. Với cơ chế như thế, các vụ án hành chính sẽ là vô nghĩa, không đúng tinh thần thượng tôn pháp luật”, ông Thiệp nói.
Văn phòng Luật sư Dragon (Theo Vietnamnet)