Luật sư văn phòng luật Dragon tư vấn khách hàng về thủ tục hành chính về quyền thừa kế
Khách hàng hỏi:
Mẹ là người đứng tên chủ quyền. Mẹ muốn sang tên chủ quyền cho cháu và tất cả mọi người trong nhà đều đồng ý (trong đó có 1 em trai 16 tuổi). Nếu muốn sang tên thì có cần chữ ký của tất cả mọi người hay không có tên trong hộ khẩu không? Tại trong hộ khẩu còn có tên của bác cháu, bác đã bỏ nhà đi 21 năm nay.
Nếu bác ấy bỏ đi như vậy thì địa phương sẽ gạch tên bác cháu ra khỏi hộ khẩu tại bác ấy không đăng ký tạm vắng, nhưng đằng này thì không. Nhà em đã đưa hộ khẩu ra phường để gạch tên và đã mất phí nhưng cuối cùng họ vẫn không gạch tên bác ấy. Giờ gia đình em phải làm thế nào?
Luật sư trả lời:
1. Cơ sở pháp lý:
– Khoản 3 Điều 21 Luật nhà ở 2005 quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở: Bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.
– Khoản 3 Điều 22 Luật nhà ở 2005 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở: Thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật khi bán, cho thuê, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý, thế chấp nhà ở.
– Điều 93 Luật nhà ở 2005 quy định về trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở:
1. Các bên trực tiếp hoặc thông qua người đại diện thoả thuận về mua bán, thuê, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở (sau đây gọi chung là hợp đồng về nhà ở). Trường hợp pháp nhân tặng cho nhà ở thì phải có văn bản tặng cho.
2. Hợp đồng về nhà ở, văn bản tặng cho nhà ở phải thể hiện các nội dung sau đây:
a) Tên và địa chỉ của các bên;
b) Mô tả đặc điểm của nhà ở;
c) Giá và phương thức thanh toán nếu trong hợp đồng có thoả thuận về giá;
d) Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành (nếu có); thời hạn cho thuê; cho mượn, cho ở nhờ; uỷ quyền quản lý;
đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
e) Cam kết của các bên;
g) Các thỏa thuận khác;
h) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng hoặc ký văn bản;
i) Chữ ký của các bên (nếu là tổ chức thì phải đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký).
3. Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn, trừ các trường hợp sau đây:
a) Cá nhân cho thuê nhà ở dưới sáu tháng;
b) Bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở;
c) Thuê mua nhà ở xã hội;
d) Bên tặng cho nhà ở là tổ chức.
4. Một trong các bên theo thoả thuận thực hiện nộp thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật.
5. Bên mua, bên nhận tặng cho, bên đổi, bên được thừa kế nhà ở có trách nhiệm nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo trình tự quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp bên bán nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở hoặc các bên có thỏa thuận khác. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân hoặc đã giao nhận nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng đối với giao dịch về nhà ở mà một bên là tổ chức kinh doanh nhà ở hoặc từ thời điểm mở thừa kế trong trường hợp nhận thừa kế nhà ở.
2. Ý kiến tư vấn:
Trong trường hợp của bạn, nếu căn nhà thuộc sở hữu của một mình mẹ bạn, thì mẹ bạn có toàn quyền định đoạt căn nhà này. Mẹ bạn có thể làm văn bản tặng cho bạn và sang tên quyền sở hữu nhà ở cho bạn theo trình tự quy định của pháp luật như đã nêu ở trên mà không cần sự đồng ý của ai.
Trường hợp nhà đó không thuộc sở hữu của một mình mẹ bạn mà là sở hữu chung với ai khác thì phải được sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu chứ không căn cứ vào những ai có cùng hộ khẩu ở căn nhà đó.
Trên đây là một số gợi ý mang tính tham khảo để Qúy khách có phương hướng giải quyết vấn đề đang gặp phải.
CÔNG TY LUẬT DRAGON