Luật sư Dragon Tư vấn luật Hôn nhân và thừa kế
Kh hỏi: Tư vấn về Thừa kế tài sản
Chào Luật sư. Tôi có một số vấn đề muốn hỏi luật sư tư vấn giúp tôi.
Ông bà nội tôi mất năm 1975 không để lại di chúc. Ông bà tôi sinh được 4 người con trai. Từ năm 1993 đến năm 2004, con trai cả , con trai thứ hai và thứ ba của ông bà nội tôi lần lượt qua đời, chỉ còn lại người con thứ tư – tức là bố tôi còn sống. Năm 2006 bố tôi tổ chức cuộc họp gia đình gồm bố tôi và 3 chị dâu ( vợ của 3 anh trai của bố tôi). Tự tay bố tôi có viết một biên bản họp gia đình về việc phân chia tài sản nhà đất thừa kế, nội dung biên bản có đoạn: Giao toàn bộ tài sản gồm : thửa đất 996 m2 và một căn nhà 3 gian diện tịch 56 m2 nằm trên diện tích đất cho bác dâu trưởng (vợ của anh trai cả của bố tôi) được toàn quyền sử dụng và sử dung lâu dài vào mục đích:
– Để ở
– Tăng gia, trồng trọt duy trì cuộc sống
Nghiêm cấm bác dâu trưởng không được
– Chia cắt đất đai
– Không được cho, mua bán, đổi trác, sang nhượng, thế chấp hoặc bất kỳ hình thức nào khác
– Khi cần thiết có điều gì cần phải thay đỏi, chỉnh sửa trong nội dung văn bản thì người sử dụng phần tài sản này phải triệu tập cuộc họp Đại gia đình để bàn bạc quyết định, nhất trí mới được thực hiện.
Vậy tôi xin hỏi Luật sư như thế chị dâu trưởng của bố tôi có được phép làm sổ đỏ hay không? Nếu chị dâu trưởng của bố tôi đã làm sổ đỏ thì bố tôi có quyền làm đơn để thu hồi lại sổ đỏ không?
Thay mặt Ban tư vấn Công ty Luật Dragon xin trả lời Quý khách như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Điều 638 BLDS 2005 quy định về Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
- Điều 639 BLDS 2005 quy định về Nghĩa vụ của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
- Điều 643 BLDS 2005 quy định về Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
- Điều 675 BLDS 2005 quy định về Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
« 1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.”
- Điều 676BLDS 2005 quy định về Người thừa kế theo pháp luật
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
- Điều 681 BLDS 2005 quy định về Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.
- Điều 682 BLDS 2005 quy định về Người phân chia di sản
1. Người phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng di chúc hoặc đúng thoả thuận của những người thừa kế theo pháp luật.
3. Người phân chia di sản được hưởng thù lao, nếu người để lại di sản cho phép trong di chúc hoặc những người thừa kế có thoả thuận.
- Điều 685 BLDS năm 2005 quy định về Phân chia di sản theo pháp luật
1. Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia”/
2. Ý kiến tư vấn
Trong trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Do ông bà nội bạn chết không để lại di chúc nên về nguyên tắc tài sản của ông bà bạn để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Theo đó, sau khi ông bà bạn mất năm 1975 thì hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bạn sẽ gồm: bác thứ nhất, bác thứ hai, bác thứ 3 (3 người anh trai của bố bạn) và bố bạn. Theo quy định tại khoản 2 điều 676 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó bố bạn và 3 người bác đã mất có quyền hưởng di sản bằng nhau và tài sản ông bà bạn để lại sẽ được chia đều cho 4 người.
Hiện nay, dù 3 người bác của bạn đã mất nhưng về nguyên tắc là sau thời điểm ông bà bạn chết, tài sản của ông bà bạn phải được chia đều cho bố bạn và các bác. Vấn đề thừa kế thế vị theo điều 677 BLDS 2005 không được đặt ra ở đây do các con của ông bà bạn chết sau khi ông bà bạn mất, nên các con của các bác bạn không được hưởng thừa kế theo hình thức này.
Nên nếu như năm 2006 , bố bạn có tổ chức cuộc họp gia đình để phân chia di sản thừa kế có nội dung là Giao toàn bộ tài sản gồm : thửa đất 996 m2 và một căn nhà 3 gian diện tịch 56 m2 nằm trên diện tích đất cho bác dâu trưởng (vợ của anh trai cả của bố tôi) được toàn quyền sử dụng và sử dung lâu dài vào mục đích:
– Để ở
– Tăng gia, trồng trọt duy trì cuộc sống
Nghiêm cấm bác dâu trưởng không được
– Chia cắt đất đai
– Không được cho, mua bán, đổi trác, sang nhượng, thế chấp hoặc bất kỳ hình thức nào khác
– Khi cần thiết có điều gì cần phải thay đổi, chỉnh sửa trong nội dung văn bản thì người sử dụng phần tài sản này phải triệu tập cuộc họp Đại gia đình để bàn bạc quyết định, nhất trí mới được thực hiện.
Như vậy là chưa phù hợp và đúng quy định của pháp luật. Vì theo đúng quy định, bác cả của bạn khi còn sống sẽ được hưởng ¼ tài sản của ông bà bạn và có toàn quyền sở hữu với tài sản đó. Và ¾ số tài sản còn lại của ông bà sẽ được chia đều cho 2 bác thứ 3, thứ 4 và bố bạn. 2 bác thứ 3, bác thứ 4 và bố bạn có thể làm thủ tục để có quyền sở hữu hợp pháp với tài sản đó, hoặc giao cho bác dâu trưởng của bố bạn quản lý tài sản. Theo điều 638 BLDS 2005 thì người quản lý di sản là người do những người thừa kế thoả thuận cử ra. Theo điều 639 BLDS 2005 Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:
“a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế”
– Như vậy, bác dâu bạn có quyền quyết định với phần tài sản thừa kế của bác cả của bạn, tuy nhiên không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế khác (chứ không phải chỉ để ở hoặc tăng gia trồng trọt, có thể mua bán, chuyển nhượng). Còn đối với phần tài sản thừa kế của bác 2, bác 3 và bố bạn thì nếu được 3 người đó đồng ý giao lại cho bác dâu trưởng quản lý thì bác dâu trưởng của bạn mới không được phép chia cắt đất, cho, mua bán, đổi trác, sang nhượng, thế chấp hoặc bất kỳ hình thức nào khác.
– Nếu bác dâu bạn làm sổ đỏ cho diện tích đất là phần tài sản thừa kế của bác thứ nhất thì bố bạn không có quyền thu hồi sổ đỏ. Còn nếu bác dâu trưởng làm sổ đỏ cho cả diện tích đất của ông bà bạn để lại cho 4 người con thì như thế là không đúng và bố bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho bố bạn và 2 người bác còn lại.
Cần được tư vấn cụ thể mời anh chị trực tiếp liên hệ với Công ty Luật Dragon.
Trân trọng!