Công ty luật Dragon – Mới đây, 18 tổ chức hành nghề luật sư (LS) hàng đầu Việt Nam đã gửi bản kiến nghị tới Quốc hội, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, với mong muốn hoàn thiện dự thảo Luật Luật sư sửa đổi theo hướng tạo sân chơi bình đẳng giữa LS, tổ chức hành nghề LS Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Quy định còn bị “trống” và “mở” quá
Theo bản kiến nghị của các Công ty Luật TNHH Vilaf Hồng Đức, Cty Luật TNHH IP MAX , Cty Luật hợp danh Bizlaw, Cty Luật hợp danh Luật Việt và Văn phòng luật sư Leadco, Công ty luật Dragon …, hiện nay, Việt Nam còn thiếu cơ chế cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tuân thủ pháp luật giữa tổ chức LS nước ngoài và LS Việt Nam theo các nguyên tắc và cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam khi mở cửa thị trường pháp lý. Luật Luật sư hiện hành của Việt Nam còn có độ mở cửa thị trường pháp lý cao nhất so với các nước khác trong khu vực Châu Á nhưng lại chưa có cơ chế cấp phép chặt chẽ và hữu hiệu.
Trong khi Nghị quyết 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội quy định rõ tổ chức luật sư nước ngoài “không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam”. Nhưng tại Điều 70 Luật Luật sư lại cho phép “Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác”. Vì thế, trên thực tế, có nhiều tổ chức LS nước ngoài đã tham gia tư vấn luật Việt Nam, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, đàm phán, đòi nợ và chỉ thuê LS Việt Nam làm nhà thầu phụ trong giai đoạn tố tụng trước tòa.
Bên cạnh đó, Luật Luật sư hiện hành chưa tạo điều kiện để tổ chức luật sư Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với tổ chức luật sư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và liên quan đến việc tư vấn pháp luật Việt Nam. Luật không đưa ra cơ chế để khuyến khích các công ty và dự án trong nước sử dụng luật sư Việt Nam. Mặc khác không có sự phân định rõ phạm vi giấy phép hành nghề của tổ chức LS nước ngoài, cũng như vai trò, chức năng và điều kiện hành nghề của LS Việt Nam trong tổ chức LS nước ngoài. Do đó, các tổ chức LS nuớc ngoài bao cả phần tư vấn luật nước ngoài và luật Việt Nam. Nhiều dự án, không có sự tham gia của tổ chức LS Việt Nam…
Theo nguyên tắc và cam kết WTO, việc cấp phép đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải theo một trong hai thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư, song hiện nay việc cấp phép cho tổ chức LS nước ngoài không rõ theo thủ tục nào, trong khi lĩnh vực dịch pháp lý là lĩnh vực đầu tư có điều kiện tại Việt Nam.
Mặt khác, Luật Luật sư hiện hành chưa tạo ra cơ chế đối xử công bằng giữa LS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam và LS Việt Nam. Lâu nay, Luật Luật sư hiện hành còn có những “khoảng trống” để cho LS nước ngoài hành nghề tự do sau khi cấp phép. Bản chất của hoạt động quản lý luật sư đòi hỏi có sự tham gia giám sát của các Đoàn Luật sư địa phương như hầu hết các nước trên thế giới. Nếu LS Việt Nam vi phạm thì có cơ chế kỷ luật được thực hiện bởi Đoàn Luật sư, còn LS nước ngoài thì chẳng có cơ chế giám sát và chế tài kỷ luật nào như đang áp dụng với luật sư Việt Nam, trừ việc rút giấy phép nhưng cơ chế rút giấy phép tương đối mơ hồ và theo thủ tục hành chính nhà nước.
Luật sư nước ngoài phải chịu sự giám sát của Liên đoàn luật sư Việt Nam
Chính vì những hạn chế và bất cập trên, 18 tổ chức hành nghề LS đã kiến nghị nếu các vụ việc thuần túy điều chỉnh bởi luật Việt Nam và không có yếu tố nước ngoài thì LS nước ngoài tuyệt đối không được tham gia, chỉ có các LS Việt Nam hoặc LS nước ngoài đáp ứng các yêu cầu giống như LS Việt Nam thì mới được phép tham gia.
Nếu các vụ, việc được điều chỉnh bởi cả luật Việt Nam và luật nước ngoài hoặc chỉ được điều chỉnh bởi luật Việt Nam nhưng có yếu tố nước ngoài, thì LS nước ngoài không đáp ứng các yêu cầu giống như LS Việt Nam như không được tư vấn về luật Việt Nam, không được tính phí khách hàng về luật Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào…
Các LS nước ngoài phải chịu sự kiểm tra, giám sát hành nghề của Liên đoàn LS Việt Nam và các Đoàn LS địa phương (bên cạnh sự giám sát của Bộ Tư Pháp và Sở Tư Pháp). Liên đoàn LS và các Đoàn LS được phép quản lý các LS, tổ chức LS nước ngoài có hoạt động trên địa bàn (các LS, tổ chức LS Việt Nam hiện nay đang được quản lý theo mô hình này).
Để hành nghề của LS nước ngoài tại Việt Nam ngoài các điều kiện cần, còn phải cam kết tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS Việt Nam. Nếu vi phạm sẽ bị kỉ luật với hình thức thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức hoặc giấy phép hành nghề đối với cá nhân là LS nước ngoài.
Đoàn LS có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quản lý các tổ chức hành nghề LS trong nước và nước ngoài, quản lý LS và hoạt động hành nghề của các LS đó ở địa phương. Việc gia hạn giấy phép hành nghề của LS nước ngoài phải có ý kiến xác nhận của Đoàn LS địa phương.
Hiện nay tại Việt Nam đã có 57 tổ chức hành nghề LS nước ngoài được cấp giấy phép thành lập, trong đó có hai Cty Luật TNHH dưới hình thức liên doanh, 33 Cty Luật nước ngoài 100% vốn nước ngoài, 22 tổ chức hành nghề LS nước ngoài thành lập Chi nhánh tại Việt Nam.
Có năm công ty Luật Baker Mackenzie, Mayerbrown, JSM, Allen, A&O, Freshfielf Brukhaus Deringer nằm trong top những công ty luật lớn trên thế giới. Có 262 LS nước ngoài được cấp phép hành nghề tại Việt Nam, số LS đăng ký hành nghề tại các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam là 151 (59 tại Hà Nội và 92 tại TP.HCM).
HƯƠNG NGUYÊN (ND)
Văn phòng luật sư Dragon Hà Nội