Tăng số lượng luật sư là cần thiết nhưng nâng tầm và nâng chất còn quan trọng hơn. Đó là những ý kiến chủ yếu tại hội thảo về chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20-8 tại TP Vũng Tàu.
Theo chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, để đạt được số lượng 18.000-20.000 luật sư, bình quân mỗi năm phải phát triển được khoảng 1.000 luật sư. Đến năm 2020, ở các tỉnh khó khăn nhất cũng phải có 30-50 luật sư. Dự kiến sẽ có khoảng 30 tổ chức luật sư trong đó có văn phòng luật sư và công ty luật có quy mô từ 50 luật sư trở lên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài (trong đó 10 tổ chức luật sư có thương hiệu, uy tín trong khu vực và thế giới). Số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.
Đội ngũ còn luật sư nhiều hạn chế
Một lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận xét: Đội ngũ luật sư hiện nay còn nhiều hạn chế như thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, thiếu chuyên nghiệp và chưa có tác phong tốt tại phiên tòa. Cạnh đó, chưa có nhiều luật sư rành rẽ về chuyên môn khó như sở hữu trí tuệ, tranh chấp thương mại quốc tế… Theo thống kê, chỉ có khoảng 20 luật sư (trên tổng số hơn 6.000) đủ trình độ ngang tầm với luật sư trong khu vực – một tỉ lệ rất thấp.
Bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) thẳng thắn: Nghề luật sư đang bị mất niềm tin ở xã hội! Theo bà Hương, ngay cả ở nơi có đoàn luật sư đông nhất, thị trường dịch vụ pháp lý sôi động nhất trong cả nước là TP.HCM thì số luật sư thực sự giỏi cũng đếm chưa hết một bàn tay. Đã vậy, số lượng luật sư chỉ đơn thuần sống bằng việc hành nghề luật sư không nhiều, phần lớn là kiêm nhiệm các dịch vụ khác.a Vì thế trong mắt của người dân và cơ quan quản lý nhà nước, hình ảnh nghề luật sư chưa được quý trọng.
Bà Hương kể đã có nhiều người dân phải đích thân đến Sở Tư pháp đặt vấn đề nhờ giới thiệu cho họ một luật sư tốt để cậy nhờ. Họ nói rằng tìm được một luật sư tận tụy với nghề rất khó, đi đâu họ cũng chỉ bị luật sư… làm tiền. Chuyện khác, có lần một sở ở TP.HCM dính vào kiện tụng tranh chấp một mảnh đất. Có thuê luật sư riêng nhưng cơ quan này vẫn liên tục đến Sở Tư pháp nhờ tham vấn vì họ không thể tin tưởng hoàn toàn vào luật sư. Thậm chí khi tòa sơ thẩm xử xong, họ còn cầm bản án sang nhờ Sở Tư pháp nghiên cứu xem có nên kháng cáo hay không.
Dưới con mắt của người trong nghề, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận: Có một bộ phận không nhỏ luật sư hiện nay đang khủng hoảng trong ý thức về lý tưởng nghề nghiệp. Nhiều luật sư chỉ xem nghề là phương tiện kiếm sống đơn thuần, dùng các tiểu xảo nghề nghiệp để trục lợi. Họ làm việc như một anh… “thợ luật”, dễ dàng chà đạp lên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật.
Chất lượng mới quan trọng!
Theo bà Hương, chiến lược phát triển nghề luật sư vạch ra việc tăng số lượng là thiết yếu nhưng quan trọng nhất vẫn là nâng tầm và nâng chất luật sư. Để làm được điều ấy, chúng ta phải tạo ra một môi trường pháp lý thông thoáng, lành mạnh; hoàn thiện cơ chế quản lý phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, Liên đoàn Luật sư và các sở, ban ngành liên quan. Chẳng hạn ở TP.HCM, nghề luật sư luôn nhận được sự quan tâm của Thành ủy trong việc định hướng phát triển. Sở Tư pháp làm đầu mối giao cho Phòng Tư pháp các quận, huyện quản lý nhà nước nghề luật sư ngay ở cơ sở. Hằng năm, Sở đều cử chuyên viên phối hợp giám sát và yêu cầu các quận, huyện báo cáo.
Ông Trần Xuân Hiệp, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai, góp ý thêm: Việc tăng số lượng phải đi đôi với sàng lọc chất lượng và tạo môi trường pháp lý thì nghề luật sư mới phát triển được. Trước hết bắt đầu ngay từ việc đào tạo con người: Chú trọng nơi đào tạo chất lượng để có đầu ra tốt. Theo ông Hiệp, thực tế người dân thà tốn nhiều tiền hơn để gặp được một luật sư giỏi, có lương tâm còn hơn là tốn ít mà gặp phải luật sư cơ hội, không giúp được nhiều cho họ. Hiện nay, rất nhiều người dân thiếu thông tin, không biết luật sư nào giỏi hay dở, tốt hay xấu để nhờ cậy khi vướng vào vòng tố tụng.
Luật sư chỉ tập trung ở đô thị lớn
Hiện nay, cả nước đã thành lập 62 đoàn luật sư/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương với hơn 6.250 luật sư và hơn 3.000 người tập sự, hoạt động trong gần 2.750 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về kinh doanh, thương mại đầu tư có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, luật sư chủ yếu tập trung ở các TP lớn, đặc biệt là TP.HCM (2.880) và Hà Nội (1.630). Trong khi đó, một số tỉnh lại có rất ít luật sư như Hà Giang, Bắc Kạn, Kon Tum (năm), Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị (sáu), Hậu Giang (bảy), Cao Bằng (chín)…
Nhiều luật sư đang… thất nghiệp
Tôi đặt ngược lại vấn đề: Chúng ta phấn đấu 20.000 luật sư để làm gì khi hiện nay đang tồn tại nghịch lý là số lượng tổng thể ít nhưng nhiều luật sư đang không có việc làm. Chẳng hạn ở đoàn chúng tôi chỉ có vài chục luật sư nhưng nhiều văn phòng mở ra không có khách, họ phải chuyển sang làm các dịch vụ khác như dịch thuật, sao chụp tài liệu… Vì sao người dân chưa có niềm tin vào luật sư, theo tôi vì chúng ta chưa tạo ra vị trí xứng đáng cho luật sư trong xã hội. Vì vậy, môi trường pháp lý là quan trọng nhất, những quy định pháp luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho nghề phát triển.
Luật sư LÊ QUANG Y,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai
Đừng quên kinh phí
Nghề luật sư có đặc thù là góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ việc tuân theo pháp luật. Muốn chiến lược phát triển nghề luật sư thành công thì cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về kinh phí thực hiện. Chỉ hô hào phát triển số lượng, nâng tầm, nâng chất nhưng lại quên mất chính sách hỗ trợ về kinh phí là không ổn.
Luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Công ty Luật Dragon