Hành nghề Luật sư trên thế giới.
Trên thế giới, nghề Luật sư là nghề có từ rất sớm, nó được hình thành từ nhu cầu bào chữa và trợ giúp pháp lý. Theo nhà cổ học Đa-ghét-xô thì quyền bào chữa xuất hiện sớm nhất Châu Âu cùng với cơ quan xét xử Toà án: “Người biện hộ ra đời cùng với Thẩm phán”. Khi chế độ tư bản ra đời, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh thì nghề luật sư cũng phát triển nhảy vọt.
Nhìn chung, việc bào chữa đầu tiên xuất hiện từ sự minh oan cho bạn bè người thân thuộc bị nhà cầm quyền trừng phạt giam giữ một cách vô cớ. Về sau đó dần dần phát triển thành một nghề tự do có điều lệ. có qui chế do Nhà nước qui định. Trãi qua các chế độ khác nhau, lịch sử nghề biện hộ trong mỗi nước phát triển phù hợp với chế độ chính trị của nước ấy. Dưới chế độ tư bản, nghề luật sư phát triển rất mạnh nhưng trong khuôn khổ pháp luật tư sản.
Ở các nước xã hội chủ nghĩa nghề luật sư tồn tại và phát triển như một trong những điều kiện quan trọng góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.
Hoạt động Luật sư trong cơ chế thị trường được coi là một loại hình dịch vụ nghề nghiệp, được điều chỉnh bằng các đạo luật hành nghề luật sư và các luật lệ về kinh doanh. Các nước theo luật tập quán coi nghề luật sư là một nghề kinh doanh, nhưng thuộc loại hình kinh doanh đặc biệt. Các nước theo luật thành văn coi hoạt động luật sư là một trong những nghề tự do. Được điều chỉnh chặt chẽ bằng những quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn phổ biến để được công nhận luật sư và được cấp chứng chỉ hành nghề bao gồm: Là công dân nước sở tại và có phẩm chất đạo đức tốt. Các quốc gia như Hy Lạp, Bỉ, Italia, Singapore, Anh, Thái Lan, Pháp… đều có thêm những tiêu chuẩn khác.
Tập sự hành nghề luật sư: Thời gian tập sự của các nước quy định khác nhau. Một số quốc gia đòi hỏi thời gian tập sự là 2 năm (như Hy Lạp, Bỉ, Italia, Anh…) một số quốc gia khác lại chỉ quy định thời gian tập sự là 12 tháng như Thái Lan, có nước như Singapore thì chỉ đòi hỏi thời gian tập sự là 6 tháng. Về nơi tập sự, hầu hết các nước quy định luật sư phải tập sự tại văn phòng, công ty luật (như Hy Lạp, Bỉ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp…) , một số còn quy định Luật sư có thể tập sự tại Toà án, Viện công tố (như Đức, Thuỵ Sĩ,…)
Khoá đào tạo Luật sư: Ngoài tiêu chuẩn chung là phải có bằng cử nhân Luật còn phải qua một khoá đào tạo nghề (Anh, Pháp, Nhật Bản…), Pháp quy định thời gian đào tạo là 12 tháng (3 tháng lý thuyết, 9 tháng thực hành), trong khi Đức, Nhật quy định là 2 năm. Thực tập tại Toà án, viện công tố, văn phòng luật sư.
Kỳ thi công nhận luật sư: Nội dung chủ yếu của kỳ thi tập trung vào kiểm tra kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Có thể nói đây là điều kiện bắt buộc đánh giá khả năng hành nghề Luật sư.
Về điều kiện hành nghề Luật sư, điều kiện cần là phải được công nhận là Luật sư và điều kiện đủ là gia nhập một Đoàn Luật Sư và được cấp Giấy chứng nhận hành nghề Luật sư.
Các hình thức hành nghề Luật sư chủ yếu vẫn là Văn phòng luật sư và công ty luật hợp danh, Ở Mỹ, Pháp, Đức còn có thể hành nghề Luật sư dưới tất cả các hình thức kinh doanh thông thường như: Công ty Luật TNHH, Công ty CP, Công ty Liên doanh. Một số nước như Mỹ, Anh, Luật sư có thể làm thuê cho Chính phủ với tư các độc lập cá nhân, tuy nhiên chủ thuê luật sư đồng thời là khách hàng duy nhất của luật sư đó. Ở Italia, Thái Lan thì trong Chính Phủ và các tổ chức doanh nghiệp tồn tại một đội ngũ tư vấn pháp luật, những người này không cần đủ tiêu chuẩn, điều kiện như Luật sư.
Hành nghề của Luật sư nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về luật sư của nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, Luật về luật sư của một số nước thường dành một chương riêng quy định những vấn đề liên quan đến Luật sư nước ngoài ở nước sở tại. Một số nước khác lại quy định về việc hành nghề của Luật sư nước ngoài trong một văn bản pháp luật riêng. Bộ luật về hành nghề luật sư của Đoàn Luật sư England và xứ Wales có quy định về Luật sư nước ngoài tại Phần 704.1 và 704.2. Theo đó, một luật sư tranh tụng nước ngoài có thể gia nhập Đoàn luật sư với mục đích tạm thời theo quy chế hợp nhất số 40, có quyền tham gia tranh tụng trong giới hạn đã được quy định trong chứng chỉ hành nghề.
Về tổ chức xã hội của nghề luật sư là tổ chức tự quản trong hoạt động nghề nghiệp thông thường ở 2 cấp ở địa phương và ở trung ương. Về quản lý đối với hành nghề luật sư nguyên tắc hành nghề luật sư là tuân thủ pháp luật, độc lập, trôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ tốt nhất lợi ích khách hàng, chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động nghề nghiệp. Nghề luật sư rất chú ý đến năng lực cá nhân, uy tín nghề nghiệp của luật sư. Nhưng nghề luật sư là một nghề dựa trên sự hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật, mà chức năng cơ bản là phụng sự công lý và mục đích cao cả của hoạt động tư pháp. Ở hầu hết các nước theo hệ thống thông luật (common law), việc công nhận luật sư là do Toà án tối cao, còn việc cấp chứng chỉ hành nghề là do Hiệp hội luật sư (Anh, Mỹ, Singapore), một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc quy định Bộ Tư Pháp là cơ quan cấp Giấy chứng nhận tư cách luật sư và cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý danh sách luật sư. Nhà nước vẫn quản lý những khâu quan trọng như ban hành những văn bản pháp luật về hành nghề luật sư, quy định chương trình đào tạo và công nhận luật sư, cho phép thành lập hiệp hội luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư và xử lý vi phạm
Như vậy, việc quản lý nghề Luật sư không hoàn toàn giao phó cho các tổ chức nghề nghiệp, mà trong một phạm vi nhất định cũng có sự can thiệp của quyền lực Nhà nước đó là quyền hành pháp hay tư pháp. Bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thì các nước đều rất chú trọng đến vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp Luật sư.
Luật sư Hà Nội