– Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 60/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là 1 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Có 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra còn có những hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng những biện pháp khắc phục hậu quả.
Không xử phạt theo quy định của Nghị định này đối với những vi phạm mà cán bộ, công chức thi hành công vụ được giao về lĩnh vực tư pháp gây ra. Những đối tượng này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức.
Nghị định quy định người phải thi hành án có hành vi cố tình không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay; có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng- 500.000 đồng ( tăng hơn so với mức phạt cũ từ 50.000 đến 200.000 đồng).
Nếu người phải thi hành án có các hành vi như: Tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc diện kê biên; chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên; phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên thì có thể bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng (cao hơn nhiều so với mức cũ là từ 500.000 đến 1 triệu đồng).
Đối với vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực, mức phạt vẫn giữ nguyên như quy định trước đây là phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung của bản chính để làm thủ tục yêu cầu công chứng, chứng thực. Nếu làm giả, sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc dùng các thủ đoạn gian dối để làm thủ tục công chứng, chứng thực sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng…
Nghị định quy định rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định, phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi gian dối khi đăng ký kết hôn.
Mức phạt từ 10-20 triệu đồng áp dụng cho hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp và lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động. Đây là quy định mới, phù hợp với thực tiễn đời sống.
Đối với vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư. Nghị định quy định rõ: Phạt tiền từ 2 -3 triệu đồng đối với hành vi đồng thời thành lập hoặc tham gia thành lập 2 hay nhiều tổ chứcc hành nghề luật sư; cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc Giấy phép hành nghề tại Việt Nam để hành nghề luật sư (Mức phạt tối thiểu cho vi phạm này theo quy định cũ là 1 triệu đồng).
Mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng được áp dụng đối với các vi phạm: Cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào; lợi dụng việc hành nghề luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội, lợi ích công cộng…
Đối với văn phòng con nuôi nước ngoài khi làm giả Giấy phép hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động giả; trực tiếp giới thiệu con nuôi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Mức phạt cao nhất trong lĩnh vực này là 30 triệu đồng áp dụng đối với hành vi lợi dụng hoạt động xin nhận con nuôi nhằm bóc lột sức lao động đối với trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
K.T
Công ty luật Dragon (Tin 247)