Theo đó, đến năm 2015, số lượng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư là 400 người; năm 2020 số lượng này là 1.000 người; số luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế là 150 người, bao gồm cả những người được đào tạo hoặc tự đào tạo nhưng được thu hút theo chính sách của Đề án. Đến năm 2020, bảo đảm mỗi tập đoàn kinh tế của Nhà nước có ít nhất từ 2 đến 3 cán bộ pháp chế được đào tạo theo Đề án này.
Đề án cũng nêu rõ việc phát triển các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng hình thành các công ty luật chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực đào tạo trong nước đối với luật sư theo các chương trình chuẩn quốc tế và khu vực; phấn đấu đến năm 2011 đưa vào hoạt động Trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế liên kết với nước ngoài; đến năm 2020 các Trung tâm này đủ khả năng để mở rộng đào tạo luật sư đạt chuẩn quốc tế cho một số nước trong khu vực. Kinh phí thực hiện Đề án ước tính khoảng 168 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ học phí cho học viên tham gia đào tạo theo mục tiêu Đề án khoảng 108 tỷ đồng…
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tại Việt Nam, số lượng luật sư so với số dân đạt tỷ lệ một luật sư/17 ngàn dân (so sánh với Thái Lan là 1/1.526, Singapore: 1/1.000, Nhật Bản: 1/4.546, Pháp: 1/1.000, Mỹ: 1/250).
– Số lượng luật sư có đủ kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ 1,2% trong tổng số luật sư, trong đó chỉ khoảng 20 luật sư có trình độ ngang tầm với luật sư khu vực.
– Mới có khoảng 10/1.500 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Minh Hải