Bạn có biết người thuyền trưởng của con tàu cách mạng chủ nghĩa xã hội Xô Viết Lênin, chủ tịch Cuba Phiden Caxtro, Putin – cựu Tổng thống và đương kim Thủ tướng Liên bang Nga, Tony Blair (nguyên Thủ tướng Anh), Bill Clinton (nguyên Tổng thống Mĩ) và nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam đều đã từng học luật và tham gia trong ngành luật?
Và bạn cũng rất yêu thích các nhân vật tài trí, dám lên tiếng đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ điều thiện và lẽ công bằng trong các phim Bao Thanh Thiên, Nữ luật sư xinh đẹp, Bạch tuộc… Họ đều làm nghề luật đấy.
Tiềm năng của nghề luật trong thời buổi kinh tế thị trường
Khác với những năm trước kia khi nhu cầu về luật trong xã hội chưa cao, trong nền kinh tế thị trường sôi động và sự hợp tác quốc tế ngày càng rộng mở như ngày nay, nghề luật đang ngày càng chiếm được nhiều cảm tình của các bạn trẻ. Cơ hội việc làm của ngành luật ngày càng rộng mở bởi có rất nhiều nghề cần đến kiến thức pháp luật và rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đến những người có kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, tham gia nhiều hiệp hội quốc tế nên càng cần nhiều nhân lực cho việc giao lưu, mở rộng quan hệ kinh tế với toàn cầu này.
Những người theo nghề luật là những người có địa vị cao, được xã hội rất coi trọng. Đây cũng là nghề có thu nhập tốt. Luật sư là một trong 10 nghề trên thế giới có thu nhập cao nhất dù không được Nhà nước trả lương. Tại Việt Nam, lương Nhà nước trả cho thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công an… thường cao hơn các nghề khác. Tất nhiên, càng giỏi thì thu nhập chính đáng càng cao.
Nhiều “vai diễn” trong nghề luật
Bất kì Nhà nước nào muốn tồn tại, thì một trong những công việc phải làm là quản lý được xã hội. Vậy, làm thế nào để có thể quản lý được? Câu trả lời là mỗi Nhà nước phải thiết lập nên cho mình một hệ thống Pháp luật làm chuẩn mực cho tất cả công dân của mình. Và để cho Pháp luật được thực thi trong cuộc sống, cần phải có những người làm công tác trị an (công an, cảnh sát) và những người làm nghề luật. Vậy, trong ngành luật có những nghề nào?
Thẩm phán là những người làm việc tại Toà án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án. Đây là một vị trí rất cao trong ngành luật, đòi hỏi bạn phải có tài năng thực sự và kinh nghiệm lâu năm.
Kiểm sát viên (hay công tố viên) là người buộc tội tại phiên toà. Họ được quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm.
Luật sư là những người hành nghề trong Văn phòng hoặc Công ty luật (không trong biên chế của cơ quan nhà nước). Công việc của luật sư là tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, thực hiện tư vấn và các dịch vụ pháp lý. Thu nhập của luật sư là từ các khoản thù lao do khách hàng trả.
Công chứng viên là người làm việc tại các Phòng công chứng, có quyền xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, hợp đồng…
Ngoài các nghề như đã nêu, các bạn còn có thể làm rất nhiều công việc khác như: Chấp hành viên, điều tra viên, giám định viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giáo viên dạy luật, cán bộ nghiên cứu pháp luật… trong các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu…
Những tố chất cho nghề luật
Để có thể thành công trong ngành luật, bạn cần phải có những tố chất sau:
– Trước tiên, bạn phải là người có đạo đức tốt. Bạn phải là người công bằng, khách quan và trung thực thì mới có thể bảo vệ được công lý. Bạn phải là người trung thành với Tổ quốc và tôn trọng Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
– Phải có bản lĩnh vững vàng: Nghề luật thường phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội, những đút lót, hối lộ và thậm chí là đe dọa hòng “đổi trắng thay đen”. Nếu không có bản lĩnh và dũng cảm thì các bạn dễ chán nản và đi đến thất bại.
– Phải có sự mẫn cảm nghề nghiệp, khả năng phân tích, tổng hợp cao: Khi tham gia một vụ việc liên quan đến luật pháp, trước hết cần linh cảm được sự thật nằm ở đâu, ai đúng, ai sai? Sau đó, phải tìm các chứng cứ, phân tích, đánh giá sự liên hệ giữa các tình tiết để có quyết định đúng đắn.
– Phải có khả năng diễn đạt tốt: Tất nhiên, bởi nghề luật là nghề thuyết phục người khác nghe theo mình mà.
Học nghề luật ở đâu?
Ở nước ta có 2 trường chuyên đào tại về luật là Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM. Ở hai trường này có rất nhiều chuyên ngành để bạn có thể lựa chọn theo học như: Luật Quốc tế, Luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Chủ nghĩa Mác – Lenin – Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở đây, bạn cũng có thể học lấy bằng cử nhân và các bằng sau đại học. Hai trường này cũng có nhiều chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo luật.
– ĐH Luật Hà Nội:
Địa chỉ: 87 Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa – Hà Nội; Tel: 04. 8352630; Fax: 04. 8343226; Email: info@hlu.edu.vn; Website: www.hlu.edu.vn
– ĐH Luật TP.HCM:
Địa chỉ: CS 1: 2 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4, TP.HCM; CS 2 : 123 QL. 13, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP. HCM; Tel: 08. 8262208 – 08. 7266311; Fax: 08. 8265291 Email: quantrimang@hcmulaw.edu.vn; Website: www.hcmulaw.edu.vn
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể theo học luật tại các trường sau:
– Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội với các chuyên ngành: Lý luận Hiến pháp Nhà nước, Tư pháp Dân sự, Tư pháp Hình sự, Kinh doanh, Luật Quốc tế.
Địa chỉ: 144 đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Tel: (04) 7549042; Fax: (04) 7547724; Email: webmaster@vnu.edu.vn, Website: www.vnu.edu.vn/law/
– Khoa Luật – ĐH Cần Thơ có các chuyên ngành: Hành chính, Thương mại, tư pháp, Luật So sánh.
Địa chỉ: Khu II, Ðường 3/2, TP. Cần Thơ; Tel: 071.832.596 hoặc 071.831.530 (xin số 8234 hoặc 8240); Fax: 071.838.474; Email: Trưởng khoa TS. Nguyễn Ngọc Điện: nndien@ctu.edu.vn; Website: www.ctu.edu.vn
– Học viện Tư pháp đào tạo Thẩm phán, Luật sư, Chấp hành viên.
Địa chỉ: 10 – Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội; Tel: 04.7566129; Website: www.judaca.edu.vn
– Trung tâm đào tạo Luật Kinh tế (LETC)
Địa chỉ: 299 – Điện Biên Phủ – Q.3 – TP.HCM; Tel : 08.9302407; Email : daotaolkt@yahoo.com
Trần Bình
Theo Hieu Hoc
Công ty luật Dragon