Luật sư “trong nhà”
Thật ra, khái niệm luật sư nội bộ không phải là mới mẻ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Trước đây và kể cả bây giờ, tại các doanh nghiệp nhà nước đều tồn tại một bộ phận có tên gọi là phòng pháp chế. Luật sư công ty được gọi là cán bộ pháp chế.
Về thực chất, trong thời bao cấp, phòng pháp chế và cán bộ pháp chế chỉ thực hiện các quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp chứ không được tham gia vào quá trình ra quyết định của doanh nghiệp thông qua các hoạt động nghề nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp nước ngoài thì gọi bộ phận pháp lý của họ là phòng luật và nhân viên làm việc ở đó là luật sư công ty (in-house lawyer). Người đứng đầu phòng luật thường gọi là luật sư trưởng hay trưởng phòng luật (General In-house Lawyer hoặc đơn giản là Legal Manager).
Luật sư công ty dĩ nhiên phải là luật sư, nghĩa là thành viên của một đoàn luật sư nào đó và có thẻ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp. Nếu các đồng nghiệp khác làm việc cho hãng luật hay cho văn phòng luật sư thì họ lại làm việc cho doanh nghiệp với tư cách là người làm thuê hưởng lương nên gọi là luật sư công ty. Chính nơi hành nghề luật sư đã định danh cho họ.
Nghề luật sư hiện nay đang “nóng” trên thị trường tuyển dụng và là mục tiêu của không chỉ các doanh nghiệp mà còn của các hãng luật, nơi đang nỗ lực giải quyết hàng núi công việc dường như đang quá tải đối với họ. Về mặt truyền thống, các hãng luật đương nhiên có sức hút hơn so với các doanh nghiệp khi tuyển dụng luật sư. Tại hãng luật, các công việc của luật sư đa dạng hơn và được đào tạo huấn luyện một cách chuyên nghiệp về các kỹ năng hành nghề và chuyên môn pháp lý. Công ty không có thời gian hoặc nguồn lực để làm chuyện này.
Thêm nữa, tại phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, công việc cho luật sư nội bộ chưa nhiều và có phần đơn điệu nên không hấp dẫn các ứng cử viên. Nhiều luật sư nội bộ đang quay trở về hãng luật làm việc như một nhu cầu khách quan; nhưng bên cạnh đó cũng có một số luật sư ở các hãng luật tìm đường gia nhập các công ty như là một sự giải thoát khỏi sức ép cũng như áp lực quá nặng nề khi làm việc cho các hãng luật.
Khi nào cần luật sư nội bộ?
Mới đây, một tổng công ty đóng trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng gấp một luật sư nội bộ để giải quyết các vấn đề pháp lý. Tiêu chuẩn mà họ đưa ra rất đơn giản và có vẻ hợp lý, đó là đảng viên, có bằng hai là cử nhân một trường kinh tế nào đó và luật sư.
Tuy nhiên, sau rất nhiều tháng tìm kiếm, chẳng có ứng cử viên nào đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn đó. Thậm chí, khi các tiêu chuẩn được giảm đến mức tối thiểu là cử nhân luật và có chút ít hiểu biết về môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nói trên vẫn không tìm được người phù hợp.
Ở đây, dường như có sự nhầm lẫn giữa việc tuyển dụng chuyên gia pháp lý với việc tuyển dụng công chức, dẫn đến việc không hiểu đúng vai trò của luật sư công ty. Rõ ràng, vị trí của họ không nằm trong bộ máy chính trị (Đảng, Đoàn) của doanh nghiệp và công việc của họ không phải là ra các quyết định kinh doanh nên tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học kinh tế là không thích đáng. Cũng cần phải nói rõ, tiêu chuẩn cử nhân kinh tế nếu có thì thật tốt nhưng thực tế cho thấy đây là “của” hiếm. Trong trường hợp này doanh nghiệp đang tự làm khó cho mình.
Thuê hãng luật bên ngoài thường mất nhiều thời gian để nhận được câu trả lời. Nhưng nếu có luật sư nội bộ thì sẽ khác, họ phản ứng tức thì với những câu hỏi xuất phát từ bộ phận quản lý doanh nghiệp. Bởi họ chính là người sống trong doanh nghiệp để giải quyết các công việc pháp lý hàng ngày của công ty. Các công việc đó có thể là soạn thảo hợp đồng hay cho ý kiến trước một vấn đề cụ thể nào đó (ví dụ như quảng cáo như vậy có vi phạm pháp luật hay không?).
Họ hiểu rõ nội bộ cũng như tiến trình ra quyết định của doanh nghiệp nên các giải pháp hoặc ý kiến tư vấn của họ thường phản ánh đúng những gì mà bộ phận quản lý yêu cầu. Lĩnh vực mà luật sư công ty thường làm trải dài từ đất đai, lao động, hợp đồng, sở hữu trí tuệ và kể cả giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, chính điều này làm cho họ biết nhiều mà không có chuyên sâu một lĩnh vực nên các ý kiến tư vấn cho một lĩnh vực cụ thể nào đó có thể không sâu sắc như luật sư bên ngoài. Nếu công ty có nhiều luật sư, các luật sư thường được phân công theo từng nhóm công việc để chuyên môn hóa lĩnh vực hành nghề của mình.
Có cả “trong” lẫn “ngoài” tốt hơn
Đôi khi cần phải thuê hãng luật, nơi có thể thực hiện các công việc pháp lý có độ phức tạp cao cũng như đòi hỏi chuyên môn sâu mà luật sư nội bộ không giải quyết được. Nhiều trường hợp các công việc pháp lý ở doanh nghiệp quá nhiều mà luật sư công ty không đủ thời gian giải quyết hết nên lựa chọn luật sư bên ngoài là một giải pháp bắt buộc.
Ngoài ra, các dự án hay các giao dịch có giá trị lớn, doanh nghiệp buộc phải thuê hãng luật giải quyết bởi ngoài yếu tố chuyên môn (như không đủ nhân lực, trình độ hay kinh nghiệm) đấy còn là một quyết định thuần túy về mặt quản trị khi thông qua đó chuyển giao rủi ro sang cho người khác.
Mục tiêu của việc thuê hãng luật bên ngoài là sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp và có chất lượng cao chứ không phải để giảm chi phí. Để dịch vụ của mình đáp ứng yêu cầu chính đáng này, đòi hỏi hãng luật không những phải hiểu biết hoạt động của doanh nghiệp (một điểm mạnh của hầu hết các luật sư nội bộ) mà còn phải có kinh nghiệm và kiến thức pháp lý phù hợp.
Tuy nhiên trên thực tế, tìm được một hãng luật hiểu công việc kinh doanh của doanh nghiệp không phải là dễ. Do thói quen và bản năng nghề nghiệp, nhiều luật sư cho rằng giao dịch nào cũng đầy rủi ro và cạm bẫy nên thường đưa giải pháp “chắc ăn”, lắm khi bóp nghẹt hoặc dập tắt các ý tưởng hoặc quyết định kinh doanh của doanh nghiệp từ trong trứng nước.
Do đó, sự cộng tác mang tính gắn bó mật thiết giữa luật sư nội bộ và luật sư bên ngoài là điều hết sức quan trọng.
Đặc thù của hình thức hành nghề luật sư nội bộ
Thứ nhất, xét về phạm vi hành nghề:
Luật sư nội bộ làm việc theo Hợp đồng lao động cho một tổ chức, phần lớn là Doanh nghiệp nên phạm vi hành nghề của Luật sư nội bộ chủ yếu tập trung trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, thương mại và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp nơi Luật sư làm việc. Hiện nay, Luật sư nội bộ đang theo xu thế dần được mở rộng chức năng, có thể kiêm nhiệm cả công việc kiểm soát tuân thủ trong Doanh nghiệp. Luật sư nội bộ không chỉ phụ trách tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh hàng ngày, đảm bảo Doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật mà còn thực hiện nhiệm vụ giám sát quá trình thực thi pháp luật và quy chế, nội quy của các phòng, ban trong nội bộ Doanh nghiệp. Nếu như trước đây, Luật sư nội bộ gắn với cụm từ “pháp chế” thì nay “pháp chế – tuân thủ” đã trở thành một khối, tỏ ra là môi trường thích hợp hơn để Doanh nghiệp sử dụng chất xám của Luật sư. Vì vậy, phạm vi hành nghề của Luật sư nội bộ trở nên rộng hơn, tạo ra nhiều thử thách hơn và đòi hỏi người Luật sư nắm vững không chỉ các kiến thức chuyên môn để tư vấn, định hướng pháp lý cho Doanh nghiệp mà còn cả kiến thức về tổ chức, giám sát để hoàn thành tốt công việc của mình.
Thứ hai, xét về phạm vi trách nhiệm:
Một Luật sư hành nghề trong một Công ty Luật, Văn phòng luật sư thường chịu trách nhiệm thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo sự phân công của tổ chức hành nghề. Trước một vấn đề pháp lý, Luật sư có thể đưa ra các ý kiến tư vấn bao gồm nhiều phương án kèm theo hệ quả pháp lý để Khách hàng tự quyết định lựa chọn giải pháp cuối cùng. Mục tiêu được ưu tiên trong các phương án của Luật sư là tính hợp pháp, đặt cao hơn sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và ý muốn của khách hàng. Tuy nhiên, mục tiêu này đôi khi lại không dễ đạt được đối với Luật sư nội bộ làm việc trong Doanh nghiệp. Tương tự trường hợp của một Luật sư thuộc tổ chức hành nghề, Luật sư nội bộ vẫn thực hiện vai trò tư vấn, đưa ra ý kiến pháp lý cho Khách hàng – cũng chính là Doanh nghiệp của nơi mình đang làm việc; nhưng Khách hàng “đặc biệt” của Luật sư trong trường hợp này không mong muốn Luật sư nội bộ chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản đó. Với tư cách là một người thực sự “nội bộ”, Luật sư phải đưa ra một hoặc một số phương án vừa đảm bảo phù hợp pháp luật lại vừa đáp ứng được lợi ích của Doanh nghiệp dựa trên tất cả những dữ kiện mà Luật sư nắm bắt được, những bài toán mà Doanh nghiệp đặt ra, cộng với những điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Doanh nghiệp mà một Luật sư nội bộ có trách nhiệm “cần phải biết”. Rõ ràng, đối với một Luật sư nội bộ thì những “thông tin riêng tư” nhất cũng sẽ được Doanh nghiệp chia sẻ “cởi mở” hơn nhiều so với một Luật sư tư vấn theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Việc nắm được nhiều dữ kiện của Doanh nghiệp vừa là thế mạnh những cũng là áp lực của một Luật sư nội bộ. Bởi lẽ, vô hình chung người Luật sư nội bộ bị đặt vào tình huống phải điều chỉnh, cân nhắc kỹ càng hơn gấp nhiều lần, nhằm giảm thiểu hoặc loại trừ những hệ quả pháp lý bất lợi cho Doanh nghiệp khi đưa ra phương án. Trách nhiệm của Luật sư nội bộ trong sẽ nặng nề hơn do phải can thiệp sâu vào quyết định cuối cùng của Doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến Luật sư nội bộ đôi khi còn được Doanh nghiệp giao nhiệm vụ lựa chọn phương án và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án đó. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tiêu chí mà một Luật sư nội bộ không còn cách nào khác phải ưu tiên đảm bảo trong phương án tư vấn sẽ là “sự phù hợp” đối với thực trạng của Doanh nghiệp. Với một Luật sư tư vấn đến từ ngoài Doanh nghiệp thì trách nhiệm tư vấn của Luật sư hoàn thành khi đã thực hiện tư vấn xong và thanh lý Hợp đồng. Trái lại, một Luật sư nội bộ vẫn phải tiếp tục chịu trách nhiệm tư vấn chừng nào giải pháp đã lựa chọn chưa được thực hiện xong, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh từ phương án do Doanh nghiệp tự lựa chọn, ngay cả khi phương án đó không nằm trong ý kiến tư vấn của Luật sư.
Thứ ba, xét về vị thế và tính độc lập của Luật sư:
Bên cạnh quyền và nghĩa vụ của một Luật sư đối với Khách hàng theo pháp luật Luật sư, một Luật sư nội bộ còn thực hiện quyền và nghĩa vụ của Người lao động đối với Người sử dụng lao động. Giữa Luật sư nội bộ và Doanh nghiệp tồn tại hai mối quan hệ: (i) Người lao động với Người sử dụng lao động và (ii) Cấp trên – Cấp dưới. Hai mối quan hệ này đều là yếu tố gây trở ngại không nhỏ đến tính độc lập của Luật sư trong quá trình làm việc. Nếu như một Luật sư hành nghề theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý có thể đưa ra ý kiến tư vấn cho Khách hàng và kiên định với quan điểm tư vấn của mình miễn là Luật sư đã viện dẫn đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan; thì người Luật sư nội bộ hiểu rõ hơn ai hết rằng việc tìm ra cách thuyết phục cho Doanh nghiệp chấp nhận những ý kiến tư vấn và những dự liệu pháp lý của mình quả là một việc không hề đơn giản. Từ thực tế đó, phương châm làm việc của một Luật sư nội bộ có kinh nghiệm là văn bản hóa tất cả các ý kiến tư vấn và phải rèn luyện bản lĩnh kiên định, kỹ năng thuyết phục để giảm thiểu sự ảnh hưởng của quan hệ chấp hành – điều hành trong công việc. Mọi ý kiến tư vấn cần được cung cấp song song trực tiếp bằng lời nói và khẳng định lại bằng văn bản (phố biến nhất là email) để tạo điều kiện cho những Khách hàng “đặc biệt” của chúng ta nghiên cứu, hiểu thực sự sâu sắc ý kiến tư vấn của chúng ta. Đồng thời, các ý kiến tư vấn bằng văn bản cũng sẽ là căn cứ pháp lý để đánh dấu sự hoàn thành trách nhiệm của một Luật sư nội bộ ở cả góc độ chuyên môn nghề nghiệp lẫn ý thức tổ chức, kỷ luật lao động.
Quả là không quá lời khi nói rằng Luật sư nội bộ trong xã hội hiện đại là người có vai trò đặc biệt quan trọng: Quản trị Rủi ro Pháp lý (Legal Risk Management) cho Doanh nghiệp. Nhưng thiết nghĩ, muốn làm tốt vai trò đó thì trước hết người Luật sư cần xác định rõ vị thế và phạm vi trách nhiệm của bản thân Luật sư trong Doanh nghiệp để tự mình “quản trị” một cách độc lập, cẩn trọng quá trình hành nghề ở lĩnh vực vốn có nhiều thử thách và rủi ro này.
Văn phòng luật sư Dragon – Công ty luật Dragon Hà Nội – Dịch vụ luật sư riêng