Công ty Luật TNHH Dragon xin gửi lời chào trân trọng tới Quý khách hàng!
Chúng tôi nhận được câu hỏi pháp luật của Quý khách hàng về hoạt động của công ty như sau: ‘’Công ty có nhà máy hệ thống cấp đông và kho bảo quản đông lạnh, công ty có khoảng 20 công nhân bao gồm cả giám đốc và nhân viên văn phòng. Công ty chuyên thu mua hàng nông sản trực tiếp của người nông dân, hàng nông sản sau khi mua về nhà máy phần lớn sẽ được “sơ chế” và đưa vào cấp đông, sau khi cấp đông xong hàng sẽ đóng gói và đưa vào kho để bảo quản đông lạnh để chờ đến ngày xuất kho đóng container (công ten nơ) xuất khẩu sang nước Hàn Quốc, và một phần sẽ chỉ “sơ chế” xong là xuất kho bán phân phối trong nước tại các chợ đầu mối hay các công ty mua nguyên liệu để sản xuất.
Để áp dụng quy định điểu chỉnh loại hình kinh doanh trên, hiện nay nhà nước đang áp dụng những quy định pháp luật/Công văn/Chỉ thị nào điều chỉnh các hoạt động trên kinh doanh, xuất khẩu nêu trên của doanh nghiệp trong tình tình dịch Covid 19 hiện nay?
Luật sư Công ty Luật TNHH Dragon tư vấn cho Quý khách hàng như sau:
Ngoài những Chỉ thị dãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ ban hành, liên quan đến hoạt động vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa thì Bộ Công thương là đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm cho các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trong và ngoài nước cũng ban hành các Công văn điều chỉnh hoạt động này, có tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang là vùng dịch nguy hiểm với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng có những chỉ đạo trực tiếp trong thẩm quyền phạm vi của mình, tổ chức thực hiện các chỉ thị của Chính phủ, Bộ ban ngành liên quan đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
Các văn bản đã được ban hành và đang triển khai áp dụng có ý nghĩa tác động trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp như sau:
- Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ ban hành
- Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid 19, ban hành ngày 31/3/2020;
- Công văn số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn Chỉ thị 16/CT-TTg, ban hành ngày 03/4/2020;
- Công văn số 1015/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch, ban hành ngày 25/7/2021;
- Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19, ban hành ngày 31/7/2021;
- Công điện 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép, ban hành ngày 06/7/2021.
- Bộ Công thương đã ban hành
- Công văn số 4349/BCT-TTTN về việc hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, ban hành ngày 21/7/2021;
- Công văn 4482/BCT- TTTN về việc lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; ban hành ngày 27/7/2021;
- Công văn 4481/BCT-TTTN về việc hàng hóa, danh mục thiết yếu, ban hành ngày 27/7/2021;
- Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh diễn biên phức tạp như hiện nay, Bộ Công thương còn chủ trì tổ chức các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật báo đài tin tức từ Bộ Công thương vì đang có những chương trình hỗ trợ các địa phương, các nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài nước kết nối giao thông nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ mặt hàng nông sản trong đại dịch, hỗ trợ người nông dân các tỉnh thành tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả tốt nhất, hạn chế tình trạng khâu lưu thông, vận chuyển do ảnh hưởng dịch bệnh. Do đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật tin tức, đồng thời bên cạnh kênh phân phối hàng hóa truyền thống nên triển khai thêm các gian hàng online trên các sàn thương mại điện tử theo xu hướng hiện nay (Shopee, Sen đỏ,…) để vừa chủ động trong hoạt dộng kinh doanh của doanh nghiệp lại vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.
- Bộ Y tế ban hành:
- Công văn số 5753/BYT-MT về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa, ban hành ngày 19/7/2021;
- Công văn số 5886/ BYT-MT về việc vận chuyển hàng hóa, ban hành ngày 22/7/2021.
- Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam ban hành:
- Công văn số 5017/TCĐBVN-VT về việc tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hành hóa phục vụ sản xuất tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, ban hành ngày 19/7/2021;
- Công văn số 5223/ TCĐBVN-VT về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode, ban hành ngày 25/7/2021;
- Công văn số 7630/BGTVT về việc tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ban hành ngày 27/7/2021.
- Công điện 08/CĐ-BGTVT năm 2021 về áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Giao thông vận tải, ban hành ngày 08/7/2021.
- UBND thành phố HCM ban hành:
- Văn bản hướng dẫn về kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
- Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021 về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; ban hành ngày 19/6/2021;
- Công văn 2279/UBND-VX năm 2021 về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg; ban hành ngày 08/7/2021.
- Công văn 2292/UBND-VX năm 2021 hướng dẫn triển khai Công văn 2279/UBND-VX, ban hành ngày 09/7/2021.
- Chỉ thị số 12-CT/TU của Thành ủy TPHCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, ban hành ngày 22/07/2021;
- Văn bản tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, thực hiện đến hết ngày 1-8, ban hành ngày 24/7/2021.
Theo văn bản này, các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm áp dụng giãn cách trong đó có:
Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm,…. các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”; ….vận chuyển hàng hóa thiết yếu….
Các doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”
Từ các quy định trên, để vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong mùa dich vừa đảm bảo được các quy định phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp cần nghiên cứu các công văn, chỉ thị nêu trên, đặc biệt quan tâm các công văn, chỉ thị của Bộ GTVT, UBND thành phố HCM trực tiếp ban hành.
Muốn vận chuyển lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan nhà nước xin cấp Giấy nhận diện phương tiện (tem QR Luồng Xanh) để vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Doanh nghiệp đăng ký tem QR ưu iên lưu thông trên Luồng Xanh quốc gia bằng cách đăng ký online qua website http://luongxanh.drvn.gov.vn/
Sau khi điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn (doanh nghiệp có thể tìm hiểu qua mạng), chọn Sở GTVT nơi phương tiện đăng ký hoạt động là nơi tiếp nhân đề nghị đăng ký của mình, sau đó theo dõi kết quả và nếu đề nghị được duyệt thì In tem ra theo khổ A5 để dán trên kính xe phía trước và in A4 để dán ở 2 bên thành xe.
Tài xế cần đi test Covid và có xác nhận kết quả âm tính làm giấy tờ lưu hành khi chuyên chở hàng từ vùng có dịch qua khu vực đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn vì đây là giấy tờ bắt buộc phải có để cơ quan chức năng kiểm tra đối với tài xế. Thời hạn của giấy xét nghiệm tùy yêu cầu của các tỉnh thành, ví dụ HCM và Bình Dương là 3 ngày, Long An 5 ngày, Đồng Nai 7 ngày,…Còn trường hợp tài xế điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông trong nội vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có bị kiểm tra giấy xét nghiệm Covid này hay không thì còn tùy thuộc vào quy định của địa phương đó thế nào.
Như vậy khi lưu thông hàng hóa trên đường trong quá trình vận chuyển nguyên liệu sản xuất, chế biến, phân phối hàng tới các địa phương khác hoặc ra cảng…., doanh nghiệp cần chuẩn bị tem nhận diện phương tiện được ưu tiên lưu thông trên Luồng Xanh Quốc gia (dán trên xe), xác nhận test covid kết quả âm tính và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa,….Nếu chưa có tem QR phân luồng xanh dù đã đăng ký thì xe hàng vẫn được tạo điều kiên lưu thông nếu đáp ứng đủ điều kiện khai báo y tế, Xác nhận âm tính Covid và hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, trên thực tế mỗi quận/huyện trên địa bàn thành phố có những cách áp dụng thực hiện chỉ thị của UBND thành phố và các Bộ ban ngành khác nhau. Do đó, Doanh nghiệp cần thiết chủ động liên hệ với UBND quận/huyện nơi công ty có trụ sở chính để được hướng dẫn thêm khi có vướng mắc cần tháo gỡ.
Riêng hoạt động sơ chế, chế biến nông sản tại xưởng sản xuất thì doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc “3 tại chỗ’ bố trí cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn vừa an toàn phòng chống dịch.
Công ty Luật Dragon trân trọng cảm ơn!