Luật sư tại Hà Nội – Từng có những khi ngày đến tòa bảo vệ cho các thân chủ không lấy một đồng chi phí, đêm về lại lụi cụi nhận đánh máy thuê kiếm thêm số tiền ít ỏi để một mình nuôi hai con nhỏ. Thấu hiểu tình cảm những người phụ nữ, Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Trưởng văn phòng Luật sư tại Hà Nội) kể lại từng bật khóc khi bảo vệ cho bị cáo Kim Anh trong phiên tòa “nữ sinh cắt cổ người tình trên xe Lexus”, chị nghe thấy có người nói: “ bóp ngực người tình cũ không phải là sàm sỡ”.
Đam mê nghề cháy bỏng
Năm 1972, khi mới vừa tròn 17 tuổi, chị xung phong đi bộ đội lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, làm công tác văn thư bảo mật ở trung đoàn xe 11, sư đoàn 571 thuộc Tổng cục Hậu Cần. Cô bộ đội Hằng Nga đã cùng đồng đội tham dự nhiều trận chiến đấu ác liệt ở chiến trường Nam Lào rồi chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. “Những năm tháng chiến đấu đối mặt với kẻ thù với cương vị bí thư đoàn thanh niên của trung đoàn đã giúp tôi rèn luyện tính tự lập, gương mẫu trong công việc, tích lũy nhiều kiến thức xã hội và đặc biệt là tự tin trước đám đông. Đó là một trong những điều kiện không thể thiếu đối với một Luật sư”, chị Nga kể.
Hòa bình lập lại, nữ chiến sĩ năm xưa lại tiếp tục dùi mài kinh sử để thực hiện ước mơ còn dang dở: Trở thành Luật sư bảo vệ công lý. Đến năm 1981, chị tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội.
Chị Nga nhớ lại, bấy giờ thu nhập của mỗi Luật sư lúc đó rất eo hẹp, chỉ trông vào đồng lương nhà nước cùng với số tem phiếu ít ỏi. Trong khi đó, hoàn cảnh của chị lại rất khó khăn. Chồng đi chiến đấu xa nhà nên không giúp được gì nhiều về kinh tế cho gia đình. Một mình chị vừa thay chồng chăm sóc hai đứa con nhỏ, vừa đạp xe rong ruổi đi khắp nơi để bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ. Mỗi khi đêm về, chị lại chong đèn kỳ cạch đánh máy thuê để tăng thêm thu nhập cho gia đình. “Cuộc sống khó khăn là như vậy nhưng khi các thân chủ mang bánh kẹo, quà cáp đến cảm ơn lại không giám nhận”, chị cười tâm sự.
Tận tâm với nghề
Trải qua 30 năm trong nghề, đã từng giữ cương vị Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, chị cho biết lúc nào cũng tâm niệm: Để trở thành một Luật sư giỏi trước hết phải là người có đạo đức, luôn hướng thiện để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Bảo chữa cho hàng nghìn vụ án lớn nhỏ, nhưng vụ án khiến chị trăn trở , suy nghĩ nhiều nhất là việc nhận bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Kim Anh trong vụ “ Nữ sinh viên cắt cổ người tình trên chiếc xe Lexus”. “Khi nhận vụ án này, tôi đã rất băn khoăn, vì nhiều luồng dư luận lên án, phản đối hành vi giết người và lối sống buông thả của nữ sinh viên này. Để gây áp lực, có những người còn căm phẫn lên tiếng đòi loại bỏ Kim Anh ra khỏi đời sống, xã hội”, chị nói. Thế nhưng bản thân chị cũng là một người mẹ có con gái nên thấu hiểu nỗi đau của gia đình bị cáo. Chị thấy tiếc cho tương lai tốt đẹp của Kim Anh đã bị tước bỏ vì một mối quan hệ bất chính nên quyết định nhận làm luật sư bào chữa cho vụ án này.
Tìm hiểu hồ sơ vụ án, chị phát hiện một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Kim Anh phạm tội là do bị người tình cũ xâm hại. Nhưng chị cũng công tâm nhận định, bị cáo tự vệ ở mức độ nào và gây ra hậu quả đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó. Chính vì thế, để bào chữa cho thân chủ chị đã tập trung đưa ra những chứng cứ nêu rõ nguyên nhân dẫn đến giết người của bị cáo là do một phần lỗi của bị hại và những tình tiết giảm nhẹ. Tại phiên tòa, những chứng cứ luận điểm trong bài bào chữa này đã được HĐXX chấp nhận và giảm nhẹ cho bị cáo dưới khung hình phạt mà vị công tố viên đã đề nghị.
Chị Nga nhớ lại, đây cũng chính là phiên tòa đầu tiên khiến chị đã không thể kìm nén được cảm xúc trong suốt 30 năm hành nghề. “ Tại phiên tòa, khi nghe có người nói: “Đàn ông bóp ngực người tình cũ không phải là hành vi phạm pháp”, tôi đã cảm thấy nghẹn ngào rớt nước mắt như chính bản thân mình cũng đang bị xúc phạm, chà đạp”, chị nhớ lại. Vì thế, chị kiên quyết lập luận: “Người phụ nữ ngày hôm qua có thể nhận lời đi chơi với người đàn ông mình yêu, nhưng nếu hôm nay không còn yêu nữa, thì đó là một cực hình. Những hành động trước đó được cho là âu yếm rất có thể sẽ trở thành những hành vi sàm sỡ sau này. Đó là diễn biến tâm lý bất thường của con người”.
“Truyền lửa” thế hệ trẻ
Ở độ tuổi đã có thể nghỉ ngơi, nhưng dường như sức lực, ngọn lửa đam mê công việc vẫn luôn cháy bỏng trong người phụ nữ này. Công việc vốn đã bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian đi giảng dạy cho các lớp Luật sư tại Học viện tư pháp. Chị tâm sự, hơn 10 năm nay kể từ khi trường thành lập, đã được mời làm giáo viên thịnh giảng truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm, được chia sẻ những niềm vui, thất bại trong quá trình hành nghề cho lớp trẻ là niềm hạnh phúc vô bờ bến. “Trong quá trình truyền đạt bài giảng cho các em tôi không hề giấu giếm. Vì tôi nghĩ nếu có giấu sau này về già tôi cũng chẳng mang theo được”, chị chia sẻ.
Giờ đây, mỗi khi đến tòa nhìn thấy các học trò năm xưa của mình vững vàng, tự tin đứng trước công đường để bảo vệ công lý là lòng chị lại ánh lên những niềm vui khôn tả. “Có khi thất bại khi phải “đối đầu” với các học trò cũ trong những phiên tòa nhưng tôi luôn thấy tự hào vì kiến thức mình từng giảng dạy nay lại được các em phát huy thành công”, chị tâm sự.
Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất trong 30 năm hành nghề của chị là đã truyền lửa nghề cho cô con gái đầu lòng cùng với người chồng, một Đại tá quân đội về hưu. Cả hai người nay đang cùng sát cánh với chị trong các phiên tòa.
Công ty luật Hà nội