Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư tại Sài Gòn – Trong một vụ án hình sự tại TP.HCM mới đây, khi Cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của một bị can thì có luật sư chứng kiến. Hình ảnh này được coi là rất mới trong quy trình tố tụng hình sự từ trước tới nay.
Luật sư (LS) Phan Trung Hoài, người đầu tiên tham gia tố tụng vụ án hình sự nói trên, cho biết quy trình tố tụng được áp dụng theo Thông tư 70/2011/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 25.12.2011, đảm bảo quyền bào chữa của LS ngay từ giai đoạn điều tra. Theo đó, ngay khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, điều tra viên (ĐTV) đã lập biên bản giao quyết định và ghi ý kiến của bị can về việc có nhờ LS hay không. Nhận được thông báo của thân chủ về việc khám xét, LS đã có mặt. “Cơ quan điều tra (CQĐT) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho LS chứng kiến việc khám xét”, ông Hoài nói.
Theo một lãnh đạo Bộ Công an, việc ban hành Thông tư 70 là nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, góp phần chống oan, sai trong giai đoạn điều tra, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can.
Ông Đỗ Ngọc Oánh, nguyên kiểm sát viên, cho rằng điểm nổi bật của thông tư này là ngay khi giao quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, ĐTV ghi vào biên bản ý kiến của đương sự có cần nhờ người bào chữa hay không. Ông Oánh chia sẻ: “Trước đây, khi còn làm kiểm sát viên, tôi không bao giờ thấy ĐTV hỏi bị can, người bị tạm giữ có cần LS không. Đặc biệt với người bị tạm giữ thì mấy ai biết mình được quyền có LS”.
Cũng theo Thông tư 70, nếu bị can, người bị tạm giữ nhờ đích danh LS thì trong vòng 24 giờ, CQĐT phải gửi giấy yêu cầu cho LS. Người bị tạm giữ, bị can cũng có thể viết thư nhờ người thân liên hệ LS, giấy này cũng được gửi bằng đường bưu điện trong vòng 24 giờ. Ngay trong lần lấy cung đầu tiên, ĐTV phải hỏi họ có nhờ LS không và ghi ý kiến vào biên bản. Thông tư còn quy định trong thời hạn 3 ngày hoặc 24 giờ (đối với người bị tạm giữ) từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, CQĐT phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS, nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản.
Ngoài ra, khi ĐTV lấy lời khai, phải thông báo thời gian, địa điểm lấy lời khai trước từ 24 đến 48 giờ cho LS; CQĐT, ĐTV phải tạo điều kiện cho người bào chữa được thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can…
Lê Nga (TNO)
Luật sư tư vấn – Dịch vụ luật sư