Văn phòng Chính phủ ngày 3-2 có công văn cho biết dự kiến trong tuần từ ngày 6 đến 10-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở trung ương và UBND TP Hải Phòng để giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Để chuẩn bị cho cuộc họp này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ và các bộ: Tài nguyên – môi trường, Công an, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tư pháp chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình và nội dung vụ việc để có ý kiến tham mưu, đề xuất với Thủ tướng. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phải chuẩn bị báo cáo cụ thể, đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ủy ban trung ương MTTQ VN, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Hội Nông dân VN chuẩn bị ý kiến tham dự cuộc họp.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 3-2 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư Nguyễn Minh Long, Đinh Thị Hòa, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Hồng Bách tham gia bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Báu (tức Phạm Thị Hiền) và Nguyễn Thị Thương (bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ). Đối với trường hợp các bị can Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ, cơ quan cảnh sát điều tra chưa có văn bản trả lời các luật sư.
Trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Long Công ty luật Dragon và Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho hay công ty ông cũng nhận lời tư vấn pháp lý cho gia đình bà Thương trong việc khiếu nại toàn bộ các vấn đề pháp lý liên quan tới vụ thu hồi đất và việc cưỡng chế đầm tôm theo trình tự giám đốc thẩm đối với quyết định của TAND TP Hải Phòng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-2, luật sư Hùng cho biết trước đây ông từng tiếp cận vụ thu hồi đất của ông Vươn và một số chủ đầm khác ở Tiên Lãng. Ông Hùng đã có thời gian tư vấn pháp luật cho các chủ đầm trong quá trình khiếu nại, khởi kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Tuy nhiên, cho đến trước khi các bên liên quan thỏa thuận tại TAND TP Hải Phòng thì ông Hùng không nhận được thông tin từ phía các chủ đầm nữa.
Luật sư Hùng khẳng định ông đã nhận được thư đề nghị của ông Vươn, sẵn sàng bào chữa cho ông Vươn và các bị can khác trong vụ án này. Ông sẽ sớm đến Hải Phòng làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bào chữa từ phía cơ quan điều tra.
* Cùng ngày, Đảng đoàn MTTQ VN đã nghe đoàn giám sát báo cáo về kết quả chuyến công tác thực tế trước tết ở Hải Phòng. Tuy nhiên, đây là cuộc họp nội bộ nên thông tin không được tiết lộ ra ngoài.
Lãnh đạo TP Hải Phòng gặp dân
Chiều tối 3-2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành và Phó chủ tịch UBND TP Đan Đức Hiệp đã lần lượt đến gặp và nghe ba hộ dân thay mặt cho Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng giải trình lại câu chuyện giao đất, thu hồi đất ở huyện này.
Chưa đưa ra kết luậnNgoài việc phân tích cho lãnh đạo TP Hải Phòng thấy những điểm sai của huyện Tiên Lãng, đại diện ba hộ dân là các ông Lương Văn Trong, Vũ Văn Luân, Hoàng Văn Tin cũng đề nghị TP chỉ đạo thực hiện việc giao đất đúng theo thời hạn của Luật đất đai.
Ông Vũ Văn Luân, thư ký liên chi hội, cho biết: “Điều đầu tiên tôi khẳng định với lãnh đạo TP Hải Phòng việc giao đất cho chúng tôi là đúng mục đích, đúng đối tượng… Nhưng khi Luật đất đai năm 1993 ra đời thì huyện không áp dụng đúng thời hạn giao đất 20 năm cho các hộ dân”.
Theo ông Luân, ngoài việc giao đất không đúng thời hạn, ban hành quyết định thu hồi đất không đề cập việc bồi thường, ông còn nói với lãnh đạo TP Hải Phòng về việc huyện Tiên Lãng làm trái và không giải quyết những khiếu nại của người dân.
“Bí thư Thành ủy có hỏi tôi là khi được giao đất không đúng thời hạn thì các hộ dân có khiếu nại gì không. Tôi nói thẳng là chúng tôi khiếu nại rất nhiều và đề nghị huyện giao đất cho chúng tôi đúng 20 năm theo Luật đất đai nhưng vẫn không được huyện giải quyết” – ông Luân nói. “Tôi dẫn chứng đầy đủ các quy định của Luật đất đai. Hiện việc thu hồi đất được lấy lý do là hết thời hạn giao, nhưng việc hết thời hạn giao là do khi Luật đất đai 1993 ra đời thì huyện không áp dụng theo luật này mà vẫn tính thời hạn giao đất từ trước đây. Nếu tính theo luật 1993, chúng tôi chưa đến hết hạn giao đất” – ông Luân nói tiếp.
Theo ông Luân, tại cuộc gặp này cả bí thư và những vị lãnh đạo khác đều chưa kết luận gì. “Bí thư có nói là chưa thể kết luận. Ông ấy chỉ nói đây là vấn đề phức tạp, cần thận trọng” – ông Luân thuật lại.
Đó là một thực tế đã xảy ra đối với trường hợp duy nhất ở huyện Tiên Lãng đã bị cưỡng chế thu hồi đất giữa năm 2008, đây cũng là trường hợp duy nhất huyện thu hồi được đất.Thu hồi đầm, bỏ hoang rồi… cho thuê
Trong ngôi nhà mái bằng cũ kỹ ở giữa thôn Mỹ Lộc, vợ con ông Lê Đình Thảo – người bị thu hồi đất, ở xã Tiên Thắng – sụt sùi thương nhớ người chồng, người cha đã quá cố. Mở tủ lôi ra một chồng giấy tờ cũ được bọc gói cẩn thận, bà Vũ Thị Tuy (50 tuổi, vợ ông Thảo) òa khóc: “Ông nhà tôi mất sau đúng một năm bị cưỡng chế đất. Sau khi bị cưỡng chế, ông ấy uất ức, lặn lội khắp nơi kêu cứu, khiếu kiện. Đau lắm chú ạ”.
Chuyển tờ quyết định giao đất từ tháng 6-1992 cùng các quyết định, nhiều đơn từ khác nhau, bà Tuy không cần nhìn nhưng vẫn nói rành rọt: “Tháng 3-1989, ông nhà tôi trúng thầu 70ha vùng đất bãi Gảnh Chè và UBND xã khi đó nhất trí cho chồng tôi thuê 5 năm, tính từ 1989-1994. Ngày 19-3-1992, UBND huyện Tiên Lãng có quyết định giao đất có thời hạn để khai thác và nuôi trồng thủy sản kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Diện tích giao là 70ha, thời hạn giao là 12 năm”.
Theo bà Tuy, sau khi nhận đất, cả đại gia đình nhà ông Thảo lao vào đầu tư, quai đất đắp gần 3km đê, xây nhiều cống lớn bé, khai hoang phục hóa đất để cấy lúa một vụ và nuôi trồng thủy sản. “Đầu tư hàng trăm triệu đồng, nguồn thu hằng năm mới tạm đủ chi phí, lãi lời chả đáng là bao. Đến khi ổn định một tí thì họ thu đất…” – bà Tuy ấm ức than.
Bà Tuy nhớ lại: “Tháng 12-2004, khi hết hạn thời gian giao đất thì UBND huyện ra quyết định thu hồi. Chồng tôi cũng hiểu rõ Luật đất đai rằng đất nông nghiệp phải được giao 20 năm, chứ không phải 12 năm. Tiếc bao công khai phá giờ bỗng dưng mất trắng nên ông làm đơn hết gửi xã, ra huyện, lên tận TP, về tận trung ương. Mấy năm trời đèo đẽo mà cuối cùng chẳng đi đến đâu”. Rồi việc gì đến cũng đến, giữa năm 2008 huyện tiến hành cưỡng chế thu hồi toàn bộ 70ha đầm của gia đình ông Thảo.
Là một trong những người sát cánh bên ông Thảo, ông Lương Văn Trong – phó chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng – ngán ngẩm nói: “Ông Thảo chết, đầm của ông cũng chết theo, bởi cưỡng chế thu hồi rồi giao cho xã thì cả 70ha đầm này bị bỏ hoang hóa suốt hơn ba năm trời”.
Đầu năm 2011, xã Tiên Thắng tổ chức đấu thầu cho thuê 70ha đất này, dù mang công khai phá, dù tâm nguyện muốn thuê lại nhưng cuối cùng anh Lê Văn Tân và các thành viên trong gia đình ông Thảo đều bị thua thầu, do đối tác là một người dân trong thôn bỏ thầu quá cao, với giá thuê 2,8 tỉ đồng/70ha/năm.
Một văn bản 6 điểm sai
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau hơn một năm huyện Tiên Lãng ban hành quyết định số 3756 (ngày 17-10-2008, quy định về việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển vào mục đích nuôi trồng thủy sản), tháng 12-2009 Sở Tư pháp TP Hải Phòng thành lập đoàn kiểm tra xem xét tính pháp lý của quyết định này. Kết luận việc kiểm tra do phó giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng Ngô Minh Tuấn ký khẳng định: “Văn bản này ban hành không đúng thẩm quyền, có nhiều nội dung không phù hợp với luật hiện hành”.
Cụ thể, kết luận của Sở Tư pháp chỉ rõ: Thứ nhất, văn bản trên quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng chưa rõ ràng và không phù hợp với điều 80 của Luật đất đai. Thứ hai, Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào giao thẩm quyền quản lý đất có mặt nước ven biển cho UBND cấp huyện. Do vậy, việc UBND huyện quy định trách nhiệm quản lý thuộc huyện, xã và thị trấn… là không phù hợp về thẩm quyền. Thứ ba, quy định mục đích sử dụng đối với diện tích đất, mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển để “trồng rừng phòng hộ” cũng không phù hợp với điều 80 của Luật đất đai, điều 74 nghị định 181/2004. Thứ tư, việc UBND huyện Tiên Lãng quy định UBND cấp xã có thẩm quyền ký hợp đồng cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển tại quyết định 3756 là chưa rõ ràng và không phù hợp với điều 37 Luật đất đai. Thứ năm, huyện Tiên Lãng quy định việc thu hồi đất khi hết thời hạn để chuyển sang hình thức cho thuê cũng không phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 67, khoản 10 điều 38 Luật đất đai. Thứ sáu, việc quy định về thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước tại điều 10 của quyết định 3756 cũng chưa phù hợp với nghị định 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Theo báo TT