Văn phòng luật sư được khách hàng thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp ở giai đoạn Thi hành án dân sự(THADS) là giai đoạn cuối cùng, đánh dấu kết thúc một vụ việc dân sự đã trải qua quá trình tố tụng dân sự kể từ khi toà án thụ lý đến khi được giải quyết bằng một quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật thì mới thấy nhiều bất cập.
Trong quá trình tổ chức thi hành quyết định, bản án đó, không ít trường hợp người phải thi hành án cố tình kéo dài việc thi hành án,gây khó khăn cho các cơ quan thi hành án dân sự(CQTHADS), ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của bên được thi hành án.
Hậu quả này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân khiến việc THADS không thể xác định được phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của các thành viên hộ gia đình nói riêng và tài sản chung khác nói chung.
Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều trường hợp khi đến giai đoạn thi hành án, quyền lợi của người được thi hành án bị “treo” lơ lửng vì gặp phải rắc rối, đó là người phải thi hành án có phát sinh tranh chấp trong công việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình trong khối tài sản chung nên bị kéo dài, quyền lợi của người được thi hành án chưa được bảo đảm.Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số vướng mắc xoay quanh việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng và các thành viên trong hộ gia đình là quyền sử dụng đất ở giai đoạn thi hành án.
Căn cứ pháp lý được áp dụng để thực hiện phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình ở giai đoạn THADS bao gồm:
Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự(Luật THADS) năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:
“1. Trường hợp chưa xác định được phân quyền sở hữu tài sản, phân quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thoả thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời han 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thoả thuận hoặc thoả thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thoả thuận không được và không yêu cầu toà án giải quyết thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu toà ác xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu toà án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu toà án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của toà án”.
Việc giải quyết tranh chấp, yêu cầu huỷ giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án, Điều 75 Luật THADS quy định:
“1.Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại toà án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.
Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền huỷ giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì chấp hành viên yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền huỷ giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
Trường hợp chấp hành viên yêu cầu toà án giải quyết các việc quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật này và khoản 1, khoản 2 Điều này để thi hành án thì không phải chịu án phí, lệ phí toà án”.
Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định 62/2015/NĐ-CP) quy định:
“1. Kể từ thời điểm bán án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS.Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm có cho người khác thì tài ản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án, chấp hành viên có văn bản yêu cầu toà án tuyên bố giao địch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền huỷ giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó…”.
Theo các quy định trên thì chấp hành viên không phải là người khởi kiện mà là đương sự hoặc người có tranh chấp vì bản chất của hai từ “tranh chấp” đã bao hàm sự mâu thuẫn về lợi ích, trong khi đó, lợi ích trực tiếp của các vụ án liên quan đến tài sản cưỡng chế thi hành án thuộc về người thi hành án, người được thi hành án và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chấp hành viên hay CQTHADS, trừ trường hợp cơ quan này là đương sự trong vụ án.Nếu họ không đứng ra khởi kiện thì chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật THADS.
Khoản 1 Điều 74 Luật THADS chỉ quy định chung về việc phân chia tài sản của người thi hành án trong khối tài sản chung với người khác chứ không quy định rõ về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng.Chính vì vậy, điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã hướng dẫn rõ hơn về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng, đó là:Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết; trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của chấp hành viên thì có quyền yêu cầu toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ.Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Như vậy, người có thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng là chấp hành viên và toà án nhưng trước hết và chủ yếu thuộc về chấp hành viên thực hiện thi hành án.Toà án chỉ thụ lý giải quyết trong trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc phân chia tài sản của chấp hành viên và khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết; nếu vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình tuy không đồng ý với việc phân chia tài sản của chấp hành viên nhưng không khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết thì không làm phát sinh thủ tục giải quyết tại toà án, nên cuối cùng cũng do chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, nếu hết thời hạn mà không có người khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.Trên thực tế, người phải thi hành án và các đồng sở hữu, sử dụng tài sản chung không bao giờ muốn khởi kiện, bởi vì họ không muốn tài sản của họ bị kê biên xử lý.Bên cạnh đó, việc kê biên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người không có nghĩa vụ phải thi hành án, chi phí cho việc kê biên, thẩm định giá, bán đầu giá…cùng phát sinh những tranh chấp khác, trong đó có sự rủi ro mà chấp hành viên là người phải gánh chịu hậu quả..
Chấp hành viên phải thông báo “cho người thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” biết để họ tự thoả thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó ấn định thời hạn để họ thực hiện là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ.Đồng thời chấp hành viên cũng phải cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc mình đã gửi thông báo hợp lệ cho “ người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” để làm căn cứ cho việc hết thời hạn quy định nhưng “người thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” không tự thoả thuận phân chia tài sản chung, không khởi kiện, không yêu cầu toà án giải quyết.Cần lưu ý trường hợp “nhiều người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất” thì việc thông báo phải hợp lệ cho tất cả những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất.
Vấn đề đặt ra, hiểu như thế nào cho đúng bản chất của quy định thông báo của chấp hành viên trong trường hợp này là hợp lệ?Chẳng hạn, tại Thông báo về viêc khởi kiện phân chia tài sản chung số 195/TB.CCTHA ngày 21/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, mà theo đó, ông Lê Văn H và bà Lê Thị Th phải trả cho ông Nguyễn Văn B số tiền 479.560.000 đồng và 50 chỉ vàng 24K…Trong khi đó, hộ gia đình ông H có 05 nhân khẩu, gồm: bà Nguyễn Thị D(SN 1945 đứng tên chủ hộ); ông Lê Văn H(SN 1977), Bà Lê Thị Th(SN 1979); ông Lê Văn Tr(SN 1995) và ông Lê Văn Ph(SN 1997).Qua xác minh tài sản của hộ gia đình bà D gồm có hai thửa đất: thửa đất số 1061, diện tích 45.700m2 và thửa đất số 435, diện tích 29.850m2. Tuy nhiên, thông báo của chấp hành viên chỉ được gửi đến những người phải thi hành án (ông H và bà Th), còn những người là thành viên của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất thì không được gửi.Điều đáng nói hơn, những người là thành viên của hộ gia đình (ông Tr và ông Ph) hiện không ở cùng một địa phương.Về vấn đề này, có hai loại ý kiến sau:
Loại ý kiến thứ nhất: Chấp hành viên chỉ cần gửi đến người phải thi hành án 01 bản thông báo về việc khởi kiện phân chia tài sản chung là đủ, bởi với tư cách người phải thi hành án, ông H và bà Th có nghĩa vụ thông báo cho các thành viên khác trong hộ gia đình biết.
Loại ý kiến thứ hai: Ngoài việc chấp hành viên giao trực tiếp cho cá nhân người phải thi hành án thông báo về việc khởi kiện phân chia tài sản chung, trường hợp trên, cần phải tiến hành thủ tục niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 Luật THADS.
Chúng tôi đồng tình với loại ý kiến thứ hai, vì thực tế bà D, các ông Tr và Ph không được toà án triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan vụ án; bản thân họ cũng không tham gia giao dịch mượn nợ, vì thế, nếu họ không được biết thông báo về việc khởi kiện phân chia tài sản chung là rõ ràng quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được bảo đảm.Từ thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật như đã trích dẫn ở phần trên cho thấy, việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình, nhất là quyền sử dụng đất ở giai đoạn THADS còn có những vướng mắc sau:
Thứ nhất: Trong thực tế, khi có phát sinh việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình thì hầu hết các vụ việc chấp hành viên không tự mình thực hiện việc xác định, phân chia tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung mà chấp hành viên hướng dẫn vợ hoặc chồng khởi kiệnn ra toà án để giải quyết, nếu không ai khởi kiện thì lúc này chấp hành viên đứng đơn kiện yêu cầu toà án phân chia tài sản chung của vợ, chồng.Có ý kiến cho rằng, tồn tại bất cập này là do đội ngũ chấp hành viên hiện nay còn thiếu nhiều so với lượng công việc phát sinh; một số chấp hành viên có trình độ chuyên môn còn hạn chế.Mặc khác, việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình đòi hỏi phải tuân thủ quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan.Đặc biệt, các quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng đối với bất động sản rất phức tạp, nên chấp hành viên sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh làm rõ về nguồn gốc tài sản, từ đó dễ mắc sai phạm trong việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình trong từng trường hợp cụ thể.Vì vậy, việc phân chia tài sản bằng một phán quyết của toà án sẽ bảo đảm được tính chính xác và khách quan hơn do pháp luật được áp dụng thống nhất và đồng bộ, nên chấp hành viên chọn cách khởi kiện ra toà là giải pháp hữu hiệu.
Thứ hai: Luật quy đinh trường hợp vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ, nhưng đa phần đương sự không thực hiện việc khởi kiện ra toà,bởi lẽ, người phải thi hành án luôn sợ tài sản của mình, nhất là quyền sử dụng đất bị “áp giá thấp” , không theo giá trị tường, đồng thời cũng “mất” luôn khoản tiền án phí, nên không muốn thi hành án.Tuy nhiên, do Luật quy định cho đương sự có quyền này nên chấp hành viên cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục và chờ đến khi hết thời hạn mà họ không khởi kiện thì chấp hành viên mới thực hiện việc khởi kiện ra toà.Từ đó đã làm cho vụ việc thi hành án kéo dài thêm.
Thứ ba: Khi có một bên vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình khởi kiện thì toà án thụ lý giải quyết vụ tranh chấp chia tài sản chung này theo trình tự tố tụng dân sự và lúc này toà ác xác định CQTHADS sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để trình bày những vấn đề có liên quan trong vụ kiện.Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại hiện này, vì nhiều lí do khác nhau, CQTHADS, chấp hành viên được phân công rất ít khi tham gia phiên toà mà thường “xin” vắng mặt, với quan niệm rằng sự có mặt của họ cũng không đóng góp được gì cho việc xét xử của toá án.Trong khi đó, toà án thì cho rằng việc xét xử luôn tuân theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự quy định, tôn trọng tuyệt đối quyền tự định đoạt, thoả thuận của đương sự dẫn đến toà án phán quyết trên cơ sở sự thoả thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình.Chính lý do này làm cho một bên vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình là người phải thi hành án được chia tài sản ít hơn nghĩa vụ phải thi hành án hoặc thoả thuận không chia một tài sản nào đó, để có cơ hội “tẩu tán” tài sản. “né tránh” nghĩa vụ thi hành án.Kết quả là quyết định, bản án chia tài sản chưa thật sự triệt để, dẫn đến tài sản không đủ để bảo đảm thi hành án.Và như vậy, đương sự lại phải thực hiện tiếp việc khởi kiện để chia tiếp phần tài sản mà vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình thoả thuận không chia làm cho vụ việc kéo dài và rơi vào vòng luẩn quẩn.
Thứ tư: Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, theo quy định của pháp luật về đất đai một thời gian dài trước đây, quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, nhưng căn cứ để xác định phần quyền sử dụng của từng cá nhân trong hộ gia đình chưa có quy định cụ thể theo hộ khẩu thường trú tại thời điểm khởi kiện hay là theo nhân khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay theo quan hệ huyết thống.Cho nên trong thực tế, toà án đã từ chối không thụ lý đối với yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài ản chung vì thiếu căn cứ pháp lý.
Theo khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Như vậy, khái niệm hộ gia đình sử dụng đất đã có giới hạn, xác định những cá nhân được coi là thành viên của hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân,quan hệ huyết thống hoặc quan hệ về nuôi dưỡng.Đặc biệt, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình còn phải tồn tại ở thời điểm được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất.Ngoài các trường hợp nêu trên thì không được coi là hộ gia đình sử dụng đất.
Tuy nhiên, hộ gia đình sử dụng đất theo quy định như trên thì cơ quan chức năng khi thực hiện chứng thực hay công chứng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất hộ gia đình sẽ căn cứ vào đâu để xác định vấn đề như đang sống chung, nhất thiết họ phải có tên trong sổ hộ khẩu chung không?Vì thực tế không ít trường hợp họ đang sống chung trong gia đình nhưng chưa nhập hộ khẩu hoặc họ đã từng là thành viên của hộ gia đình sử dụng đất nhưng hiện tại không sống chung vì đã lập gia đình riêng…Quy định có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhân chuyển quyền sử dụng đất là căn cứ vào thời điểm hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay quyết định giao đất, cho thuê đất…Đây là những vấn đề vướng mắc nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Theo nguồn tạp chí Luật sư
Tổng đài tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – 1900 599 979