Kính gửi văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội
Câu hỏi Luật sư: “ Cho em hỏi là trong một phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội mà có hai luật sư được mời tham gia bào chữa. Trong đó luật sư A bão chữa giảm nhẹ tội còn luật sư B bào chữa không phạm tội. Như vậy 2 luật sư không có sự thống nhất về hướng giải quyết thì mình phải làm theo hướng nào thì hợp lí ạ”.
Văn phòng luật sư tư vấn online:
Luật sư Trà My thuộc Công ty luật Dragon tham vấn – Trong bất kỳ một vụ án hình sự nào, trước tiên, cần phải xem hành vi của bị can/bị cáo có đủ căn cứ để xử lý theo pháp luật hình sự không? Nếu bị can/bị cáo hoàn toàn không có hành vi phạm tội; hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm; chủ thể của tội phạm là những người không có năng lực TNHS và chưa đạt độ tuổi theo luật định hoặc đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự thì luật sư sẽ bào chữa theo hướng không phạm tội. Nếu hành vi bị cáo đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì luật sư bào chữa sẽ bào chữa theo hướng giảm nhẹ bằng hai cách đó là: – Chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn. Luật sư cần bám chắc vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội nhẹ hơn, từ đó đối chiếu với các tình tiết của vụ án để phân tích, lập luận chỉ rõ tội danh bị truy tố là không đúng mà tội danh nhẹ hơn mới có cơ sở để thuyết phục HĐXX. – Hoặc xin giảm nhẹ hình phạt (vẫn giữ nguyên tội danh) cho bị cáo. Ngoài việc lập luận để đề xuất không áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng đối với bị cáo trong từng điều, khoản theo từng tội danh, Luật sư cần phân tích các yếu tố xin giảm nhẹ như: tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ TNHS. Trong tình huống này, hai luật sư bào chữa cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc thống nhất về định hướng bào chữa cho bị cáo (như đã nêu ở trên) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho bị cáo.
Là luật sư có kinh nghiệm chuyên tham gia nhiều vụ án hình sự, Thạc sỹ Luật sư Nguyễn Minh Long đồng quan điểm và bổ sung ý kiến liên quan đến câu hỏi tư vấn pháp luật hình sự cho rằng:
Việc đầu tiên phải xác định đơn kháng cáo của Bị cáo, đơn kháng cáo đó nếu là xin giảm nhẹ, nếu có hai luật sư bào chữa cùng tham gia, thì nên có thảo luận về vấn đề tính pháp lý như luật sư đồng nghiệp đã nêu để có tính thống nhất quan điểm của các luật sư tại phiên tòa, chỉ theo hướng giảm nhẹ, nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết, chứng cứ luật sư bào chữa cung cấp để giảm nhẹ cho Bị cáo ( người nhà của khách hàng).
Nếu Bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ, mà kêu oan tại phiên tòa mà không chỉ ra được tình tiết làm thay đổi bản chất vụ án, trong khi đó bản án sơ thẩm tuyên án còn nhiều thiếu sót trong việc giảm nhẹ, Như vậy, những cơ hội đề nghị Cấp Phúc Thẩm chỉ xem xét nội dung đơn kháng cáo, sẽ bác đơn kêu oan và y án. Như vậy sẽ rất bất lợi cho Bị Cáo.
Trong trường hợp Bị cáo làm đơn kháng cáo kêu oan, lúc này sẽ có 2 lựa chọn, 1. Thay đổi nội dung đơn kêu oan bằng xin giảm nhẹ, nếu căn cứ hồ sơ và những chứng cứ mới không đủ cơ sở để làm thay đổi bản chất của vụ án. Sẽ có lợi cho Bị cáo trong việc tòa án xem xét tình tiết căn cứ pháp lý để áp dụng giảm nhẹ cho Bị Cáo.
2. Kêu oan mà có căn cứ đủ chứng minh, các tình tiết giảm nhẹ không còn lúc này vai trò luật sư đưa ra quan điểm thống nhất rất quan trọng tôn trọng đơn kháng cáo để bào chữa theo hướng đề nghị hủy bản án Sơ thẩm.
Bản chất các luật sư bào chữa đều mong muốn thân chủ của mình giảm thiểu rủi ro và có lợi tốt nhất. ( Nếu là các luật sư giỏi về Hình sự tham gia nhiều vụ án và có kinh nghiệm sẽ nhìn thấy tổng thể và bản chất của vụ án để có quan điểm đúng đắn và có những giải pháp tốt nhất cho khách hàng).
Vì bạn là khách hàng nên bạn có thể dựa trên những ý kiến trên và chủ động chia sẻ ý kiến nên đồng nhất tại phiên tòa, sự nhất quán về quan điểm bào chữa rất quan trọng cho người thân của mình.
Trân trọng!
Văn phòng luật sư Dragon