Theo hồ sơ, năm 2009, cơ quan chức năng thu giữ tại hai công ty của Tô Tuấn Anh một lượng lớn mũ nhựa của lực lượng cảnh sát, áo chống đạn, dùi cui, mũ chống bạo động, quân phục dã chiến các loại giá trị gần 184 triệu đồng.
Nhái đồ của cảnh sát
Qua xác minh thấy rằng công ty của Tuấn không có chức năng sản xuất, buôn bán quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ. Các mặt hàng trên của Tuấn cũng có sự khác biệt so với sản phẩm của ngành cảnh sát… Khi bị điều tra Tuấn khai thêm, trước đó đã bán ra một lượng lớn hàng thu hơn 1,3 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra VKSND quận Tân Phú (TP.HCM), Tuấn đã sản xuất, buôn bán mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh nên cần khởi tố, truy tố Tuấn về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND quận đã yêu cầu điều tra bổ sung vì chứng cứ buộc tội chưa thật chặt. Điều tra lại, phía cơ quan điều tra và viện thống nhất chuyển tội danh của Tuấn sang tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo hai cơ quan này, hàng cấm không bao quát hết đặc điểm số hàng mà bị can sản xuất, buôn bán. Trong số hàng này có những mặt hàng giả, không đúng chất lượng, kiểu dáng như sản phẩm quy định của ngành cảnh sát.
Đột ngột đổi tội danh
Mới đây, TAND quận Tân Phú đã đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, công tố viên và luật sư đã tranh luận về tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả. Công tố viên bảo lưu quan điểm truy tố và đề nghị phạt bị cáo 7-8 năm tù.
Luật sư thì cho rằng bị cáo chỉ bị bắt quả tang với số hàng trị giá 184 triệu đồng. Còn số hàng bán được 1,3 tỉ đồng chỉ là qua lời khai của bị cáo, không có chứng cứ gì khác chứng minh nên đề nghị không xem xét, xử lý phần này…
Sau khi nghị án, HĐXX đã nhận định danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP) thì vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý là cấm kinh doanh. Bị cáo sản xuất, buôn bán các mặt hàng trong danh mục này thì đương nhiên phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Viện và luật sư xem các loại hàng này là hàng giả là không đúng. Do vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo tám năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Sau khi tòa tuyên án, vị luật sư khá bức xúc cho biết quá trình nghiên cứu hồ sơ nếu tòa thấy không ổn về mặt tội danh thì nên trả hồ sơ để điều tra lại. Đằng này tòa không ý kiến gì về tội danh VKS truy tố, đến khi tuyên án đột ngột thay đổi tội danh khiến công tố viên và luật sư bị động, khiến việc bào chữa và buộc tội không vào trọng tâm, làm ảnh hưởng đến bị cáo. Bởi khi tranh luận, cả hai cũng chỉ tập trung vào tội sản xuất, buôn bán hàng giả chứ không tranh luận về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Bị cáo sản xuất hàng giả
Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng bị cáo đã có hành vi làm giả mặt hàng cấm. Cụ thể như các mặt hàng đó không đúng chất lượng, kiểu dáng như sản phẩm quy định của ngành cảnh sát… Bị cáo không phải sản xuất, buôn bán hàng cấm (hàng đúng nguyên mẫu của ngành cảnh sát). Như vậy, việc truy cứu bị cáo về hành vi làm hàng giả chính xác hơn.
Mặt khác cũng thấy rằng tòa thay đổi tội danh như trên sẽ gây bất lợi cho bị cáo vì bị cáo không được luật sư bào chữa về tội danh này. Đây là làm mất quyền bào chữa của bị cáo. Theo tôi, trường hợp này, nếu tòa thấy không ổn về mặt tội danh thì nên trả hồ sơ để điều tra lại chứ không nên thay đổi tội danh ngay tại tòa.
Một thẩm phán TAND Tối cao