Tòa “ôm” xét hỏi, luật sư bị “cấm” nói

Văn phòng luật sư Dragon – Pháp luật Việt Nam cho phép luật sư tham gia xét hỏi tại phiên tòa hình sự nhưng các luật sư chưa tận dụng hiệu quả.

Hiện nay, ở rất nhiều phiên tòa có tình trạng tòa “ôm” hết phần xét hỏi, hỏi thay cả kiểm sát viên lẫn luật sư. Không ít phiên xử, để rút ngắn thời gian, chủ tọa còn cắt ngang câu hỏi của luật sư vì cho rằng trùng với ý mình đã hỏi trong khi trước đó bị cáo không trả lời hoặc trả lời chưa rõ. Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, nhiều nhà hoạt động thuộc lĩnh vực tố tụng cũng có những ý kiến không hoàn toàn thống nhất với nhau.

Luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) kể: Tháng 11/2011, ông bào chữa cho một bị cáo phạm tội giết người trong phiên xử của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM. Theo lịch xét xử, hôm đó tòa còn xử thêm hai vụ án hình sự khác. Vị chủ tọa phiên tòa nói với ông: “Tòa lưu ý luật sư việc thẩm vấn và bào chữa phải làm nhanh gọn chút nha”. Ông cự ngay: “Chủ tọa không được lợi dụng việc điều khiển phiên tòa để hạn chế quyền hợp pháp của tôi như thế”…

Thấy ông phản ứng mạnh, chủ tọa không nói gì thêm và mời ông tiếp tục phần hỏi. Theo luật sư Ly Tao, đây là một tình huống bất ngờ nhưng không hiếm gặp tại các phiên tòa hình sự hiện nay.

Tại phiên xử một vụ án về tội đua xe trái phép. Khi đến lượt hai luật sư tham gia xét hỏi thì vị chủ tọa nhăn: “Đề nghị luật sư hỏi vào trọng tâm, không dài dòng nữa”…

Các luật sư không phản ứng nhưng khi hỏi đến nhân chứng thứ bảy thì vị chủ tọa sốt ruột: “Đề nghị luật sư không được vung tay, chỉ tay khi hỏi. Những ý tòa hỏi rồi thì luật sư chớ hỏi lại, mất thì giờ lắm”… Đến đây, một luật sư đã nóng mặt cự lại: “Nhiều câu hỏi hôm qua tòa đặt ra nhưng nhân chứng chưa trả lời, chưa rõ thì tôi có quyền hỏi lại, sao cấm tôi? Tôi cũng chỉ mong muốn làm sáng tỏ vụ án thôi, thưa tòa”!

Theo một thẩm phán TAND tối cao, đúng là cũng có những trường hợp luật sư bị hạn chế bởi chủ tọa phiên tòa nhưng bản thân các luật sư cũng phải tự xem lại mình. Ông kể nhiều vụ mà ông làm chủ tọa, sau khi kiểm sát viên xét hỏi xong, ông quay sang hỏi luật sư có muốn hỏi gì bị cáo, nạn nhân… không thì luật sư lắc đầu hoặc cũng có trường hợp chỉ hỏi qua loa vài ba câu chiếu lệ.

Theo vị thẩm phán này, có thể nhiều luật sư tham gia tố tụng tại tòa do ngại đụng chạm trong mối quan hệ với thẩm phán, kiểm sát viên nên không thích hỏi, không thích tranh luận (?). Cạnh đó, nhiều luật sư nhận tiền của thân chủ nhưng non kiến thức hoặc nghiên cứu hồ sơ không kỹ nên sợ bị hớ khi hỏi. Nhất là không ít luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định rất thiếu trách nhiệm, ra tòa chỉ làm mỗi việc là đọc bài bào chữa rồi thôi.

Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thừa nhận một thực tế là nhiều luật sư không nắm vững kiến thức, quy trình tố tụng nên khi hỏi còn nhầm lẫn với tranh tụng hay chất vấn khiến người điều khiển phiên tòa bực mình.

Theo ông, nếu một luật sư giỏi tận tâm, có kiến thức nghiên cứu kỹ hồ sơ thì việc hỏi diễn ra hay hơn nhiều. Bởi lẽ dù tòa hay VKS có hỏi kỹ đến đâu thì luật sư vẫn có thể tìm những khoảng trống, những câu khác để hỏi vì không thiếu gì cách hỏi để làm sáng tỏ một chi tiết. Cho nên để tham gia tố tụng tốt, ngoài nắm vững kiến thức luật, nội dung vụ án luật sư còn phải soạn sẵn bảng câu hỏi, có phương pháp hỏi tốt và biết dùng kinh nghiệm để hỏi.

Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), tòa nên nhường phần lớn việc xét hỏi lại cho kiểm sát viên và luật sư để có thời gian, có điều kiện bình tĩnh quan sát, phân tích, đánh giá vấn đề. Nếu sau khi các bên buộc tội, gỡ tội xét hỏi xong mà vẫn còn những điểm chưa rõ thì tòa hoàn toàn có quyền quay trở lại phần xét hỏi để chủ động hỏi thêm. Bởi lẽ khi tòa xét hỏi chính với năm nội dung, trước sau bị cáo chỉ thừa nhận bốn, còn một thì chối. Khi ấy tòa dễ có tâm lý bực bội, cho rằng bị cáo ngoan cố chối tội, lúc nghị án sẽ đưa ra những phán quyết bất lợi cho bị cáo.

Theo luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM), để nâng cao chất lượng hỏi của luật sư tại tòa thì thái độ của thẩm phán chủ tọa trong việc tiếp nhận những câu hỏi ấy rất quan trọng. Thông thường khi nghiên cứu hồ sơ, tòa thường đã định hình về đường lối xét xử nên khi luật sư hỏi trật ra tình tiết mới thì tòa thường không ghi nhận, làm lơ. Điều đó khiến luật sư bức xúc và có tâm lý không nhiệt tình hỏi.

Tuy nhiên, bản thân luật sư cũng phải ý thức được tầm quan trọng của việc xét hỏi. Vì việc hỏi không chỉ làm sáng tỏ bản chất vụ án mà còn hỗ trợ cho tòa, VKS tìm ra những vấn đề mới và bênh vực thân chủ bằng pháp luật.

Tại phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giữa tháng 12/2011, có ý kiến đề nghị việc tranh tụng của luật sư phải được bắt đầu từ khi khai mạc cho đến lúc nghị án. Hiện nay phần xét hỏi để xác định bản chất vụ việc chiếm 70% thời gian một phiên tòa nhưng chủ yếu là HĐXX hỏi. Như vậy là không bình đẳng, chưa khách quan. Bên cạnh đó cần có cơ chế để luật sư có điều kiện thu thập chứng cứ gỡ tội cho thân chủ và chứng cứ đó phải được công nhận tại tòa…

CÔNG TY LUẬT DRAGON

(Theo Báo người đưa tin)

luật sư sài gònluật sư tphcmvăn phòng luật sư tphcm
Comments (0)
Add Comment