Ban tư vấn Công ty Luật Dragon – Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
1. Với sự việc kế toán trưởng lợi dụng danh tiếng của trung tâm y tế để mua thuốc của Công ty chúng tôi, giả dang chữ ký, lấy mộc đóng vào hợp đồng vậy số nợ trên Công ty tôi sẽ đòi trung tâm y tế hay là kế toán trưởng.
Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.”
Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
Với việc kế toán trưởng lợi dụng danh tiếng của trung tâm y tế, giả dạng chữ ký giám đốc, lấy mộc đóng vào hợp đồng mua bán thuốc của Trung tâm với Công ty bạn làm cho hợp đồng mua bán thuốc trên vô hiệu toàn bộ do bị lừa dối và hậu quả pháp lý là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của Trung tâm y tế với Công ty bạn. Điều đó đồng nghĩa với việc các khoản nợ liên quan đến các hợp đồng giả mạo chữ ký và con dấu của Trung tâm y tế thì Công ty của bạn không thể yêu cầu Trung tâm y tế thanh toán.
2. Hiện tại Công ty tôi cần làm gì để thu hồi số nợ này?
Do bạn không nêu cụ thể khoản nợ 2.123.000.000 đồng phát sinh từ những hợp đồng nào nên trước hết Công ty bạn cần xác định được khoản nợ trên phát sinh từ những hợp đồng nào, giá trị pháp lý của các hợp đồng ấy đến đâu để có thể xác định được nghĩa vụ thanh toán số nợ ấy thuộc về cá nhân, tổ chức, cơ quan nào.
Nếu khoản nợ liên quan đến Trung Tâm y tế: Công ty bạn có thể khởi kiện Trung tâm ra tòa án nhân dân cấp Quận (huyện) nơi Trung tâm đặt trụ sở chính để yêu cầu được thanh toán nợ.
Nếu khoản nợ liên quan đến kế toán trưởng Trung tâm y tế: Vì hành vi của kế toán trưởng Trung tâm y tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nên Cơ quan điều tra đang tiến hành thu thập hồ sơ, điều tra vụ án. Trong thời gian này bạn có thể hợp tác với Cơ quan điều tra để nhanh chóng làm sáng tỏ nội dung vụ việc cũng như bảo vệ quyền lợi của Công ty.
3. Trong trường hợp cơ quan điều tra đang tiến hành nghiệp vụ điều tra bà kế toán này, trong thời gian này mình có thể yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài sàn của bà Kế toán này được không, hay là mình chỉ ngồi đợi, đợi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, bên Công ty tôi mới có quyền kiện bà kế toán trưởng này ra tòa?
Biện pháp ngăn chặn “phong tỏa tài sản” chỉ áp dụng trong dân sự, tuy nhiên nếu vụ việc đang được Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết thì phải chờ có kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra thì Công ty bạn mới có quyền kiện bà kế toán trưởng ra tòa án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. (Khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự quy định tạm đình chỉ vụ án đối với trường hợp “4. Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước khi mới giải quyết được vụ án.”)
Hiện nay đang trong giai đoạn điều tra hình sự mà trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì không có biện pháp ngăn chặn nào là phong tỏa tài sản (Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự. Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.)
4. Mong với kinh nghiệm dày dạn của Luật sư sẽ chì giúp một phương hướng giải quyết sự việc trên.
Việc ký kết hợp đồng của Công ty bạn thiếu tính chặt chẽ về mặt pháp lý nên khi phát sinh vấn đề thì rất khó để giải quyết. Để giải quyết có hiệu quả nhất các khó khăn mà các bạn đang gặp phải thì Công ty bạn chỉ có thể thiện chí hợp tác cùng cơ quan điều tra nhanh chóng làm sáng tỏ vấn đề để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty bạn.
5. Với những hợp đồng có chữ ký của giám đốc vậy Luật sư cho tôi hỏi hợp đồng này có giá trị không? Nếu có giá trị thì cách hợp thức cho hợp đồng này có giá trị bằng cách nào?
Với những hợp đồng có chữ ký của Giám đốc, trong trường hợp này của bạn cần phân biệt hai loại:
Thứ nhất: hợp đồng có chữ ký thật của Giám đốc. Hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Các bên phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình tuân theo hợp đồng. Nếu phát sinh tranh chấp thì có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai: hợp đồng có chữ ký giả mạo chữ ký của Giám đốc. Hợp đồng này vô hiệu toàn bộ (như trên đã phân tích). Loại hợp đồng này không làm phát sinh trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên. Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty Luật Dragon để phục vụ Quý khách vào mục đích tham khảo.
Trân trọng!
CÔNG TY LUẬT DRAGON