Đánh giá chứng cứ là quá trình hoạt động phân tích của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm xác định giá trị chứng minh của chứng cứ đối với những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án hình sự”
– Thứ nhất, yêu cầu về tính hợp pháp của chứng cứ: Khi tiến hành đánh giá chứng cứ phải rà soát để xác định tính hợp pháp của chứng cứ, những chứng cứ đó được phát hiện, thu thập thế nào, có tuân thủ theo các quy định của pháp luật TTHS hay không. Ví dụ: Khi tiến hành thu thập lời khai của bị can bị cáo là người chưa thành niên, hay người có nhược điểm về mặt thể chất và tâm thần mà không có sự chứng kiến của người đại diện hợp pháp, hay trong quá trình lấy lời khai bị can bị cáo bị ép cung, bức cung… thì khi đánh giá chứng cứ những lời khai trên sẽ không được coi là chứng cứ.
– Thứ hai, yêu cầu về tính khách quan và tính liên quan của chứng cứ. Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ các tài liệu, vật chứng đã thu thập được phải phán ánh quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ, các chứng cứ đó có liên quan đến vụ án hình sự đang được giải quyết hay không; các chứng cứ đó có giá trị và ý nghĩa thế nào trong mối quan hệ với đối tượng chứng minh? Sau đó đánh giá toàn bộ chứng cứ để rút ra kết luận về vụ án.
– Thứ ba, người tiến hành tố tụng phải đánh giá tổng hợp chứng cứ, xác định xem xét toàn bộ chứng cứ thu thập được đã đầy đủ chưa, đã đủ cơ sở để chứng minh tội phạm hay chưa. Ngoài ra, khi đánh giá chứng cứ người tiến hành tố tụng cần phải có niềm tin nội tâm để có sự tin tưởng vào kết luận mà mình đưa ra là đúng. Niềm tin nội tâm được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, nó phụ thuộc vào trình độ hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp, sự từng trải cũng như trách nhiệm, lương tâm của người tiến hành tố tụng…Theo quy định pháp luật hiện hành, Luật sư có một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá chứng cứ. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, Luật sư sẽ cùng với thân chủ của mình trở thành một bên trong tố tụng; Luật sư phải sử dụng tổng hợp những kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức chuyên môn của mình trong đó có kiến thức về chứng cứ và đánh giá chứng cứ nhằm bác lại những quan điểm đối lập, bảo vệ quan điểm của mình. Chính vì vậy, có thể nói, luật sư có vai trò rất quan trọng cùng với những người tiến hành tố tụng khác trong việc đánh giá chứng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án hình sự.Trong toàn bộ quy trình tố tụng, giai đoạn xét xử đóng vai trò trung tâm trong việc đánh giá chứng cứ, đây là giai đoạn quyết định tính đúng đắn, khách quan của việc chứng minh sự thật của vụ án. Phiên toà là nơi toà án bằng thủ tục công khai, toàn diện thực hiện cuộc điều tra chính thức để xác định sự thật khách quan của vụ án. Toà án quyết định giải quyết vụ án dựa trên các chứng cứ được thu thập và việc đánh giá các chứng cứ công khai tại phiên toà. Phiên toà có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng với địa vị pháp lý được xác định. Thông qua phiên toà, Luật sư (bên gỡ tội) cũng như đại diện Viện kiểm sát (bên buộc tội) và các bị cáo, người bị hại… sẽ chứng minh sự thật vụ án (bao gồm cả quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ) theo quan điểm mỗi bên. Quá trình chứng minh này được thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ và công khai tại phiên toà. Hơn ở đâu hết, vai trò của Luật sư sẽ được phát huy và bảo đảm đầy đủ nhất bằng thủ tục tố tụng trực tiếp, công khai thông qua việc xét hỏi, tranh luận, phát biểu ý kiến đánh giá chứng cứ, đề xuất ý kiến.Vai trò của Luật sư đã được quy định rất rõ trong Bộ luật TTHS 2003, cụ thể tại Điều 19 ghi rõ “ Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án”13. Điều này lại được nhấn mạnh một lần nữa trong công cuộc cải cách tư pháp, tại Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính chị “về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới” đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của Luật sư và đặt nhiệm vụ cho cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo hoạt động của Luật sư trong tố tụng hình sự. Nghị quyết đã nêu rõ “ Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ , ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa….” “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tranh luận dân chủ tại phiên toà” Theo đó, Kiểm sát viên và Luật sư đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tranh tụng trước toà. Thông qua việc xét hỏi công khai tại phiên toà, luật sư sẽ công khai đưa ra ý kiến đánh giá của mình về chứng cứ và sự thật khách quan của vụ án để phản biện lại những quan điểm của đại diện Viện kiểm sát giúp cho Toà án cân nhắc trước khi đưa ra phán quyết. Ngoài ra, vai trò của Luật sư bảo vệ trong việc đánh giá chứng của vụ án còn được thể hiện ở việc trao đổi, đề xuất với Toà án và Viện kiểm sát những vấn đề về chứng cứ của vụ án. Trong quá trình tranh tụng tại phiên toà, luật sư phải xem xét đã đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo chưa, nếu còn thiếu thì đó là chứng cứ quan trọng hay không quan trọng đối với vụ án, có thể bổ sung tại phiên toà được hay không, có đúng bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội như đã truy tố, hoặc phạm một tội khác hoặc có người khác cùng phạm tội với bị cáo… Trường hợp Luật sư bào chữa phát hiện ra những dấu hiệu không đảm bảo về chứng cứ trong quá trình xét xử, như chưa đủ chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì hoàn toàn có thể đưa ra đề xuất trao đổi với Toà án hay Viện kiểm sát như: Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung (khi thấy hồ sơ còn thiếu những chứng cứ quan trọng hay thấy có vi phạm về thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ..); Đề nghị triệu tập người làm chứng đến phiên toà (trong trường hợp luật sư nghiên cứu thấy người làm chứng quan trọng có lời khai buộc tội bị cáo, nhưng lời khai này có nhiều điểm chưa rõ hoặc có mâu thuẫn với những chứng cứ khác trong vụ án, nếu người làm chứng không có mặt trong phiên toà thì sự công bố lời khai của họ có thể ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án…) Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng vai trò của Luật sư trong việc bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can bị cáo là rất quan trọng, đặc biệt là việc cùng những người tiến hành tố tụng trong việc đánh giá chứng cứ để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên trong thực tiễn, vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là trong phiên toà rất mờ nhạt, chưa được coi trọng đúng mức. Trong nhiều phiên toà sự có mặt của Luật sư chỉ mang tính hình thức, một thứ “trang điểm thêm đẹp” trong quá trình xét xử. Có thẩm phán coi thường và phủ nhận vai trò của Luật sư, gây khó khăn cho hoạt động bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Bài bào chữa cùng các đề nghị của Luật sư ít khi được Hội đồng xét xử xem xét, bị cáo trong phiên toà đã bị coi là có tội nên việc bào chữa mang tính hình thức vẫn tồn tại. Trong nhiều phiên toà xét xử hình sự, khi Luật sư đưa ra những yêu cầu tranh luận về việc đánh giá chứng cứ trong vụ án để bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của họ, nhưng phần lớn thường gặp phải phía bên đại diện Viện kiểm sát duy trì quyền công tố không tranh luận và “giữ nguyên quan điểm đã nêu”. Phải chăng đây là sự đầy vơi “tinh thần trách nhiệm” hay về mặt lý luận là đang thiếu đi một chế định pháp lý bắt buộc như tinh thần của khoản 2 Điều 61 Bộ luật TTHS quy định “ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án” Một ví dụ khác, trong quá trình thẩm vấn, xét hỏi tại phiên toà, quyền này của luật sư cũng bị hạn chế rất nhiều. Sau khi chủ toạ phiên toà, các hội thẩm nhân dân và đại diện Viện kiểm sát hỏi thì mới đến lượt luật sư. Do đó không tránh khỏi những câu hỏi lặp lại về mặt nội dung, bản chất, nhưng cách hỏi của luật sư với vai trò của người tham gia tố tụng là tìm ra bản chất vấn đề, đấu tranh đến cùng để làm rõ lời khai của bị cáo, những người có mặt tại phiên toà để làm rõ sự thật của vụ án. Tuy nhiên, những câu hỏi này thường bị chủ toạ phiên toà cắt ngang hoặc không cho hỏi tiếp vì cho rằng “đã hỏi rồi không hỏi lại”.Ngoài ra đã có trường hợp hạn chế thời gian trình bày quan điểm đánh giá chứng cứ củaluật sư, khi việc đối đáp giữa các bên có ý kiến trái ngược nhau, chưa có cơ sở tìm ra chân lý nhưng chủ toạ đã cắt, một phần do lịch thời gian diễn ra phiên toà đã được ấn định từ trước.. dẫn đến việc đánh giá chứng cứ đôi khi đã chưa được chính xác. Việc rất nhiều toà án không triệu tập Giám định viên đến phiên toà để trả lời các câu hỏi liên quan đến giám định cũng như một số văn bản liên quan đến quá trình giám định không được lưu trữ trong hồ sơ vụ án mà chỉ có kết luận giám định. Do đó, hầu như rất ít khi Luật sư làm rõ được kết luận giám định của vụ án có tuân thủ đúng các quy định về tư pháp hay không. Điều này cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật của vụ án…Thực trạng nêu trên đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự một cách toàn diện theo hướng dân chủ hoá hoạt động tố tụng, xem việc tham gia của luật sư vào quá trình tố tụng là sự giám sát tốt nhất đối với các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc sử dụng và đánh giá chứng cứ. Bên cạnh việc làm rõ chức năng buộc tội, chức năng xét xử thì cần phải chý ý đến chức năng bào chữa của Luật sư. Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, pháp luật cần phải có quy định để phát huy tối đa vai trò của Luật sư, tạo cơ hội cho Luật sư thể hiện rõ quan điểm của mình. Cụ thể: Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của Bộ luật TTHS thể hiện được tư tưởng tranh tụng với các quy định về vai trò của Luật sư phải được cụ thể hoá hơn nữa trong các quy định của pháp luật TTHS. Như vậy mới có thể tạo ra sự bình đẳng về địa vị pháp lý của người bào chữa trong tranh tụng với bên buộc tội; bình đẳng trong quá trình chứng minh sự thật vụ án, từ quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; bình đẳng trong bày tỏ quan điểm đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu và tranh luận trước toà; Theo chúng tôi nên sửa đổi theo hướng đại diện Viện Kiểm sát, Luật sư hỏi là chính và Hội đồng xét xử cần đóng vai trò trọng tài phân xử sau khi đã nghe hai bên Viện kiểm sát và Luật sư tranh tụng với nhau. Quy định rõ quyền của Luật sư trong việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu vụ án, cụ thể là được đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu… Bởi vì, chỉ khi Luật sư có đầy đủ tài liệu chứng cứ thì mới có thể có cơ hội để đánh giá chứng cứ một cách chính xác và toàn diện.Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giới Luật sư. Nghị quyết 49- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” nêu rõ: “ Đào tạo phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế để Luật sư thực hiện tốt tranh tụng tại phiên toà, đồng thời xác định rõ trách nhiệm đối với Luật sư… phát huy vai trò của Luật sư trong hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử”15. Việc nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiêp vụ của Luật sư làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với vai trò của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án. Tại một Hội thảo “Luật sư Việt Nam và hội nhập quốc tế” do Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tổ chức, giới Luật sư cũng thẳng thắn thừa nhận trình độ hiện nay của nhiều Luật sư còn hạn chế, thời gian qua cũng có nhiều Luật sư vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, có Luật sư thay vì nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị bài bào chữa cho bị cáo tại phiên toà lại đi gặp gỡ người này người khác… Số lượng Luật sư cũng như những luật sư có kinh nghiệm nghề nghiệp chưa nhiều. Thứ ba, nâng cao văn hoá pháp lý trong tranh tụng để tạo ra sự uy nghiêm của chốn pháp đình nói chung cũng như nâng cao vị thế của Luật sư nói riêng khi tham gia tranh tụng. Trong xu thế hội nhập hiện nay tất cả những người tiến hành tố tụng cũng như những người tham gia tố tụng cũng phải tự thể hiện ý thức văn hoá nơi pháp đình một cách nghiêm túc, phát huy tính nhân văn trong xét xử. Hiện nay, những hành vi không tôn trọng luật sư, không dân chủ và thiếu sự bình đẳng giữa cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xảy ra nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hoá pháp đình. Điều mà luật sư vẫn quan tâm và bức xúc đó là thái độ của Hội đồng xét xử khi luật sư trình bày luận cứ bào chữa hay tranh luận với đại diện Viện kiểm sát trong việc chứng minh và đánh giá chứng cứ. Ngay việc bố trí các vị trí các vị trí ngồi trong phiên toà cũng đã thể hiện được điều đó, Hội đồng xét xử ngồi giữa, bên trái Hội đồng xét xử là bàn thư ký, bên phải là bàn của Viện kiểm sát, còn bàn Luật sư được bố trí ngồi phía dưới, sơ sài, xộc xệch… Cách bố trí này phản ánh ngay rằng vị trí của Luật sư dường như không được bình đẳng so với Viện kiểm sát. Trong cách xưng hô của mình đại diện Viện kiểm sát khi đọc cáo trạng hay phát biểu quan điểm của mình khi tranh luận với luật sư chỉ kính thưa Hội đồng xét xử mà quên đi sự hiện diện của luật sư…
Hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự hiện nay đang còn nhiều điều phải bàn cả về lý luận và thực tiễn. Đây không chỉ là hoạt động tuân thủ pháp luật từ việc thu thập chứng cứ, sử dụng và đánh giá chứng cứ, mà còn là hoạt động thể hiện trí tuệ, khoa học, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, Luật sư bào chữa và của những người tham gia tiến hành tố tụng khác. Với tiến trình cải cách tư pháp cùng với việc pháp luật ngày càng được bổ sung và hoàn thiện hơn, đặc biệt là yếu tố con người, khi đánh giá chứng cứ cần phải khách quan hơn, thận trọng hơn khi thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi làm được như vậy, thì tính giáo dục, thuyết phục và đặc biệt là tính nhân văn trong pháp luật hình sự của nhà nước ta mới phát huy được tác dụng, công lý mới được đảm bảo, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mới được pháp luật bảo vệ, loại trừ hiện tượng oan, sai người vô tội cũng như tránh bỏ lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ pháp chế XHCN.
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Trích theo LS.Vũ Gia Trưởng thuộc Văn phòng lật sư tại Hà Nội