VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
I. LỜI MỞ ĐẦU
Ở nước ta hiện nay, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Bên cạnh sự phát triển tích cực còn có rất nhiều sự phát triển theo hướng tiêu cực. Chính từ đó mà các vụ án kinh tế, hình sự gia tăng. Chính vì vậy việc đòi hỏi sự công bằng xã hội trong mỗi vụ án ngày càng cao. Do đó pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng. Cũng phải tự điều chỉnh sao cho phù hợp.
Pháp luật nước ta quy định rõ ràng tại hiến pháp “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật “. Xuất phát từ lẽ đó mà phương để giải quyết 1 vụ án, hơn một lúc nào hết hiện tại và tương lai ngày càng đảm bảo sự thoả đáng “bình đẳng”, thoả đáng “công bằng”. Tuy vậy không phải ai cũng có điều kiện để hiểu sâu, hiểu rõ pháp luật. Chính vì vậy, luật sư là người góp phần tích cực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tăng cường quản lý kinh tế – xã hội theo pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng là không thể thiếu, không thể phủ nhận nhưng để làm tốt được vai trò của mình thì luật sư cần phải có sự hiểu biết sâu sắc pháp luật. Do vậy, ngoài việc học còn phải trải qua một thời gian thực tế, qua rất nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, trong hoạt động của luật sư thì hoạt động chuẩn bị luận cứ bào chữa là một trong những hoạt động cần thiết, thiết thực, không thể thiếu trong một vụ án hình sự nói riêng và trong hoạt động của luật sư trong các lĩnh vực nói chung. Đây chính là một trong những lý do để em chọn đề tài này.
B. CHUẨN BỊ LUẬN CỨ BÀO CHỮA
1.Vì sao phải chuẩn bị luận cứ bào chữa ?
Thông qua các hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Thông qua đó luật sư còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và công bằng cho xã hội. Để thực hiện được điều đó, luật sư phải có một thái độ nghiêm túc, tận tuỵ và trung thực, luôn đặt ra vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong suốt quá trình hành nghề. Đặc biệt tại các vụ án hình sự-nơi mà có các hành vi nguy hiểm cho xã hội, liên quan tới cả mạng sống của nhiều người thì luật sư lại càng phải thận trọng hơn, tỷ mỷ hơn.
Luật sư muốn thể hiện mình tại phiên toà thì không thể không có luận cứ bào chữa. Nó là cả một quá trình luật sư phải tìm tòi, suy nghĩ và áp dụng pháp luật một cách đúng đắn sao cho bảo về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của thân chủ.
2.Những yêu cầu trong công tác chuẩn bị luận cứ bào chữa:
Trong luận cứ bào chữa của mỗi luật sư thì họ phải cẩn trọng, cân nhắc một cách cẩn thận, thể hiện kỹ năng hành nghề của luật sư, kỹ năng phân tích các tình tiết của vụ án. Kỹ năng đó mà thuật ngữ chuyên môn người ta gọi là tính tác nghiệp“ mà luật sư thể hiện trong quá trình tham gia tố tụng. Đó chính là khả năng, năng lực, kinh nghiệm của luật sư để thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Như vậy trong mọi trường hợp luật sư luôn là người đại diện cho thân chủ của mình trước pháp luật. Giữa luật sư và các cơ quan xét xử đã tạo thành hai hệ thống độc lập, tạo ra sự khách quan trong hoạt động xét xử. Tại các phiên toa hình sự, sự lập luận, đối chứng của luật sư giúp cho cơ quan xét xử tìm ra sự thật một cách khách quan hơn, trên cơ sở bổ sung cần thiết đó sẽ bảo vệ và duy trì pháp luật, đồng thời sẽ hạn chế tối đa sự oan, sai cho thân chủ và thông qua đó sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về pháp luật. Đây là một trong những đòi hỏi cần thiết mà mỗi luật sư phải đạt được khi hành nghề trong xã hội. luật sư phải luôn thể hiện đúng vai trò, vị trí, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của mình đối với xã hội, với thân chủ, đặc biệt là trong giai đoạn xét xử.
Trong quá trình bào chữa tại phiên toà, luật sư phải dẫn ra được những chứng cứ chứng minh cho những lý lẽ, lập luận mà mình đã đưa tra trong luận cứ bào chữa.
Luật sư phải đọc, hiểu một cách tường tận những quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước để có căn cứ chính xác, từ đó tìm ra được những yếu tố chứng cứ có lợi nhất cho thân chủ của mình.
Tuy nhiên với mỗi nhóm tội khác nhau thì nội dung luận cứ cũng khác nhau. Do đó việc chuẩn bị luận cứ bào chữa của luật sư là cả một quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi luận cứ phải làm việc hết sức nghiêm túc để có được sự chắt lọc kỹ lưỡng các vấn đề được đưa ra nghiên cứu. Song, không phải vì thế mà luật sư đưa ra những tình tiết, chứng cứ không có thật hoặc thiếu căn cứ để bao che cho thân chủ của mình. Những chứng cứ này phải được đưa ra trên cơ sở có căn cứ pháp lý rõ ràng và không trai với quy định của pháp luật.
Để hoàn thành một bản luận cứ bào chữa xúc tích, chặt chẽ, có tính thuyết phục cao, luật sư phải bám vào những yếu tố cấu thành của từng loại tội phạm, nắm vững các đặc điểm về tình tiết định khung, định tội. Bên cạnh đó, các vấn đề được đưa ra trong bản luận cứ bào chữa cần phải được sắp xếp đảm bảo tính lôgíc, có bố cục chặt chẽ, thể hiện được trình tự, diễn biến của phiên toà, thể hiện bản chất của sự việc tạo cho người nghe một tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái.
Luận cứ bào chữa phải được trình bày một cách rõ ràng, khoa học. Đồng thời, các vấn đề được đưa ra chứng minh phải đảm bảo tính chính xác và thuyết phục cao. Luận cứ bào chữa cũng phải nhấn mạnh, tập trung vào những vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ thân chủ, tránh sa đà vào những vấn đề không liên quan làm cho luận cứ bào chữa trở nên lan man, gây mất thời gian của sự tập trung của người nghe tại phiên toà. Luận cứ bào chữa chỉ thực sự có giá trị khi tạo ra được sự chủ động, tự tin của luật sư trước Hội đồng xét xử.
Trong mọi trường hợp, luật sư không vì quyền lợi cho thân chủ của mình mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác trong vụ án. Đây chính là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của luật sư.
Thành công của luật sư tại phiên toà chính là ở sự thuyết phục của luận cứ bào chữa trước Hội đồng xét xử, thể hiện luật sư đã có một quá trình nghiên cứu, suy nghĩ tìm hiểu sự thật vụ án một cách nghiêm túc. Trong luận cứ bào chữa, luật sư đưa ra các lý lẽ của mình, trình bày tất cả chứng cứ và tình tiết có lợi ích cho thân chủ nhằm thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận Để luận cứ bào chữa đạt yêu cầu, nhất thiết luật sư phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Muốn vậy luật sư phải có kiến thức am hiểu một cách sâu rộng mọi mặt của đời sống xã hội, có khả năng nghiên cứu, tóm tắt, ghi nhớ các thông tin, tổng hợp những tài liệu, chứng cứ để đánh giá, phân tích một cách ngắn gọn, nội dung xúc tích, bố cục chặt chẽ với đầy đủ nội dung cơ bản vì mỗi tội phạm riêng biệt có các luận cứ bào chữa riêng song nó muốn trở thành một bản bào chữa có tính thuyết phục thì cần phải tuân thủ các bước cơ bản.
C. CÁC GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ LUẬN CỨ
BÀO CHỮA
1.Giai đoạn chuẩn bị, tiếp xúc với thân chủ :
Điều cơ bản ở giai đoạn này là luật sư phải nắm bắt được tâm lý, suy nghĩ của thân chủ để có được biện pháp xử lý thích hợp, yêu cầu thân chủ trình bày một cách cụ thể, khách quan và chính xác. Luật sư cũng phải ghi chép một cách tỉ mỉ các vấn đề cần thiết liên quan tới yêu cầu của khác hàng.
2.Thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc:
Từ giai đoạn tiếp xúc với khách hàng luật sư đã nắm bắt được các vấn đề cơ bản rồi từ đó nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ và thu thập tài liệu cần thiết phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Mục đích cơ bản mà giai đoạn này luật sư cần làm được, đó là tìm ra các chứng cứ gỡ tội, các tình tiết có lợi cho thân chủ của mình. Để làm được điều đó, luật sư phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ nắm được các đặc điểm về cấu thành tội phạm, đặc biệt là các tội danh gần giống nhau.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, cáo trạng, tiếp xúc với thân chủ, luật sư phải nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi của thân chủ để có định hướng bào chữa “cụ thể”, ví dụ nếu hành vi của thân chủ không cấu thành tội phạm đó thì sẽ có định hướng bào chữa vô tội, nếu có cấu thành nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì hướng bào chữa là giảm nhẹ hình phạt…
Do vậy luật sư phải nghiên cứu hồ sơ thật kỹ, vận dụng các quy định của pháp luật có liên quan để lập luận, dẫn chiếu và phân tích để chứng minh cho quan điểm bào chữa của mình là có căn cứ và đúng pháp luật.
3.Hoàn thành luận cứ bào chữa :
Từ sự nghiên cứu trên luật sư phải tổng hợp, phân tích, sắp xếp một cách khoa học, lô gíc những tình tiết đó để xây dựng đề cương lập cứ bảo vệ cho thân chủ của mình. Còn nếu bản luận cương đó mà gửi tới Hội đồng xét xử thì luật sư phải viết nó dưới dạng một bài viết hoàn chỉnh.
D. KẾT CẤU CỦA MỘT LUẬN CỨ BÀO CHỮA
Các luận cứ bào chữa thông thường có :
– Phần mở đầu
– Phần nội dung
– Phần kết luận
1.Phần mở đầu :
-Luật sư tự giới thiệu về bản thân (Họ tên, nơi hành nghề, địa chỉ…)
-Trình bày lý do tham dự phiên toà (có thể do luật sư được thân chủ mời, có thể do Toà án chỉ định)
2.Phần nội dung :
Phần nội dung được trình bày theo 2 định hướng :
2.1.Giảm nhẹ :
Luật sư cần đưa ra tối đa các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ quy định ở Điều 46, Bộ luật hình sự hiện hành. Ngoài ra đối với những tình tiết có lợi cho thân chủ, luật sư cần phân tích, đánh giá theo hướng giảm nhẹ.
2.2.Vô tội :
Điều cơ bản của định hướng này là luật sư phải đưa ra các chứng cứ thuyết phục để bác bỏ quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát đối với thân chủ của mình.
Cụ thể :
– Vô tội do chứng cứ không đầy đủ
– Vô tội do hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm
– Do sự thay đổi của pháp luật hình sự
– Do tất cả các yếu tố trên
3.Phần kết luận :
3.1.Nếu luận cứ theo hướng giảm nhẹ :
– Luật sư tóm tắt, đánh giá lại tính chất, mức độ hành vi phạm tội của thân chủ theo hướng có lợi.
– Tóm tắt lại những tình tiết có liên quan đến việc lượng hình đối với thân chủ.
– Phân tích hoàn cảnh gia đình, nhân thân, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo.
– Đề nghị mức hình phạt, các biện pháp áp dụng cũng như trách nhiệm dân sự và các vấn đề có liên quan (nếu có).
3.2.Nếu luận cứ theo hướng vô tội :
– Luật sư tóm tắt, phân tích, đánh giá chứng cứ hoặc những quy định của pháp luật xác định bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội như Viện kiểm sát đã truy tố, đề nghị trả tự do ngay cho bị cáo, nếu bị cáo đang bị tạm giam.
– Đề xuất vấn đề liên quan đến các biện pháp tư pháp do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng.
* BỔ SUNG LUẬN CỨ :
Ngoài ra, luận cứ bào chữa sẽ được sửa đổi bổ sung thêm ngay tại phiên toà. Vì ở đó có thể nảy sinh thêm các tình thiết như : vi phạm về mặt tố tụng (các biên bản làm việc, kết quả giám định…), vi phạm về nội dung (sự định tội sai của Viện kiểm sát…) và các tình tiết khác nếu xét thấy không có lợi cho thân chủ luật sư cần bổ sung, chỉnh sửa ngay sao cho công việc bào chữa đạt hiệu quả cao nhất.
E. KẾT LUẬN
Tóm lại, việc chuẩn bị luận cứ bào chữa là rất quan trọng. Nó thể hiện trình độ chuyên môn, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Một luận cứ chu đáo sẽ thuận lợi cho việc bào chữa của luật sư và ngược lại nếu luận cứ đó là qua loa, đại khái thì nó sẽ thể hiện là một luật sư tồi, hay luật sư không thực sự tâm huyết với nghề nghiệp và tất yếu hiệu quả của việc bào chữa là rất thấp. Bên cạnh sự chuẩn bị luận cứ bào chữa, luật sư cũng cần phải chú ý đến cách thức trình bày nó tại phiên toà.
Luận cứ bào chữa phải ngắn gọn, chính xác đồng thời thể hiện được bản chất của sự việc, tạo cho người nghe một tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái.
Từ giọng nói, âm điệu để trình bày bản luận cứ bào chữa sao cho thuyết phục. Đây chính là việc để góp một phần không nhỏ cho luận cứ của luật sư thành công hơn.
Văn phòng luật sư Dragon