Văn phòng luật sư Dragon – Khi được đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phản ánh, trong quá trình bị thanh tra, Đoàn thanh tra không cho phép luật sư tham dự các buổi làm việc và giải trình của đương sự, tôi vẫn không tin một trong những hoạt động mang tính quyền lực và quản lý hành chính Nhà nước như thế mà thiếu vắng vai trò của luật sư ? Cho đến khi đích thân mình cẩn trọng làm văn bản giới thiệu tư cách luật sư tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp đến nêu nguyện vọng được tham dự các buổi làm việc và giải trình dự thảo Kết luận thanh tra, chỉ ít ngày sau tôi được mời lên cơ quan Thanh tra để được thông báo nhẹ nhàng từ chối…
Theo điều 2 Luật Thanh tra ngày 15/11/2010, mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều 7 của Luật quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
Tuy nhiên, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung Luật Thanh tra và Nghị định số 86 ngày 22/9/2011 hướng dẫn thi hành, tuyệt nhiên không có quy định nào về bảo đảm quyền nhờ luật sư tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý của đối tượng bị thanh tra. Phần lớn các quy định chỉ bao gồm trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình về nội dung thanh tra, nếu không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác, kịp thời hoặc tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi giải trình cũng không có một quy định nào cho phép đối tượng bị thanh tra nếu chưa nhất trí với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra được nhờ luật sư tham gia cùng khách hàng của mình giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Trong khi đó, về nguyên tắc một trong những quyền đương nhiên của đối tượng bị thanh tra là có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi của Đoàn Thanh tra hoặc thành viên Thanh tra thực hiện không đúng chức năng, trách nhiệm quyền hạn, dẫn đến Kết luận thanh tra không đúng sự thật. Việc khiếu nại này đến lượt mình, được điều chỉnh và giải quyết theo Luật khiếu nại tố cáo. Nghị định 136 ngày 14/112006 hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại tố cáo lại minh định rất rõ ràng, khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có những quyền sau đây:(a) Giúp người khiếu nại viết đơn khiếu nại; cùng với người khiếu nại liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khiếu nại để thu thập tài liệu, bằng chứng; đưa ra bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;(b) Tham gia cùng người khiếu nại gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết khiếu nại, người bị khiếu nại và những người khác liên quan;(c) Tham gia các giai đoạn khác trong quá trình giải quyết khiếu nại;(d) Giúp người khiếu nại thực hiện các quyền của người khiếu nại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có các nghĩa vụ rất cụ thể nhằm thực hiện theo đúng nội dung yêu cầu giúp đỡ của người khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật và chỉ cần xuất trình các giấy tờ sau đây: (a) Thẻ luật sư; (b) Giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật của người khiếu nại; (c) Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư đối với trường hợp luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư nơi luật sư đó là thành viên đối với trường hợp luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để luật sư giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Mặt khác, điều 11 Luật tố tụng hành chính ngày 24/11/2010 cũng đã quy định nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị hành vi hay quyết định hành chính của người có thẩm quyền xâm hại, theo đó “đương sự tự mình hoặc có thể nhờ luậtsư hay người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Vì vậy, thiết nghĩ việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật thanh tra về quyền được giải trình hoặc nhờ luật sư tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý thật sự là một nhu cầu cấp thiết, nhằm bảo đảm tính toàn diện, khách quan, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra.
Công ty luật Dragon