Văn phòng luật sư Dragon có ý kiến về cấm lưu hành xe máy cũ nát hoạt động trong quận nội thành Hà Nội

phương án cấm lưu hành xe máy cũ nát và đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành liệu có khả thi?

Kính gửi văn phòng luật sư Dragon, Theo quan điểm luật sư thế nào khi có một số câu hỏi đang được quan tâm;

Câu hỏi 1: Nghị quyết của HĐND TP có đủ căn cứ để thu hồi, hạn chế quyền của công dân không hay phải là luật. Có cần phải sửa luật giao thông đường bộ không? Sửa thế nào?

Văn phòng Luật sư Dragon trả lời:

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như chúng ta cũng biết Hà Nội hiện nay là thành phố đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về mức độ ô nhiễm môi trường đô thị. Chỉ số chất lượng không khí đo được tại khu vực Hà Nội liên tục xuất hiện cảnh báo màu đỏ, tức là ở mức rất nguy hại đối với sức khoẻ con người. Điều này đã dẫn đến sự quyết liệt của UBND thành phố trong việc làm thế nào để hạn chế, giảm thiểu tối đã tác động xấu đến môi trường – một trong số đó là giảm thiểu lượng khí thải từ các phương tiện tham giao giao thông đang ngày một dày đặc tại Hà Nội – đặc biệt là phương tiện xe máy. Trong khi ô tô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có tiêu chuẩn nên thành phố mới đưa ra phương án cấm lưu hành xe máy cũ nát và đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành.

Khoản 3 Điều 16 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố trong lĩnh vực môi trường như sau:

“….

  1. e) Quyết định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong phạm vi được phân quyền theo quy định của pháp luật; việc liên kết kinh tế vùng giữa các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân;
  2. g) Quyết định quy hoạch phát triển hệ thống tổ chức khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;”…

Như vậy, việc HĐND thành phố Hà Nội ra nghị quyết như vậy không trái luật và không trái thẩm quyền. Vấn đề mà tôi nghĩ chúng ta quan tâm là lộ trình và cách thức thực hiện Nghị quyết trên cho hợp lý, hiệu quả vì hiện nay xe máy đang là phương tiện giao thông đa số của người dân.

Vấn đề thứ 2, chúng ta cần hiểu rõ, Luât Giao thông đường bộ là văn bản pháp lý áp dụng trên phạm vi cả nước, việc thi hành đối với từng địa phương là do Hội đồng nhân dân và UBND địa phương đưa ra các văn bản hướng dẫn thực hiện. Do vậy, việc  ban hành quy định cấm xe máy trong nội thành của Hà Nội năm trong phạm vi riêng Hà Nội, nên không liên quan tới việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Vì rõ ràng, Hiến Pháp và các Luật đã quy định, Nghị quyết của Hội đồng dân dân không trái luật.

Câu 2: Dự thảo nghị quyết đưa ra là sẽ thu hồi xe máy cũ nát, xe không đảm bảo chất lượng môi trường. Tuy nhiên nếu xe thuộc sở hữu tư nhân thì làm sao có thể thu hồi? Căn cứ để thu hồi?

Văn phòng luật sư Dragon trả lời:

Theo quy định tại điều 158 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 158. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụngquyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.”

Sở hữu xe máy cá nhân là thuộc về sở hữu tư nhân với đầy đủ 3 quyền trên. Tuy nhiên, lại quay trở lại nội dung trên, quyền công dân có thể bị hạn chế trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Về măt khoa học, xe máy hết niên hạn sử dụng có nguyên nhân thải chất ra không khí.

Về mặt lý luận Luật Môi trường, nguồn gây ô nhiễm sẽ bị tiêu hủy hoặc thu hồi nếu vượt quá quy chuẩn môi trường.

Chính phủ cũng đã có những quy định về thu hồi xe hết niên hạn hoặc xe không đảm bảo chất lượng môi trường, cụ thể:

  • Quyết định số 16 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định, mô tô, xe máy, ô tô các loại thuộc danh mục sản phẩm thải bỏ, thu hồi, xử lý từ ngày 1/1/2018.
  • Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 50/2013 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ mà theo đó thời điểm thu hồi và xử lý xe mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại được thải bỏ cũng là từ ngày 1/1/2018.

Theo văn phòng luật sư Dragon chúng tôi, Luật và Nghị định đã có quy định nhưng vấn đề là chúng ta cần phải lưu ý và quan tâm trước khi ban hành các quyết định thu hồi cần phải bổ sung điều kiện những quy chuẩn môi trường chung, nồng độ chất thải là bao nhiêu; tiêu chuẩn kỹ thuật như thế nào  thì phải thu hồi xe.

+ Thiết nghĩ, xe máy là phương tiện đi lại, kiếm sống của nhân dân thậm chí với một số người là tài sản quý. Vậy khi thu hồi, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nên người dân có thể mua xe mới.

Câu 3: Dự thảo có vướng quy định gì hay không?

Văn phòng luật sư Dragon trả lời:

Dự thảo là phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên như quan điểm Luật sư công ty luật Dragon phân tích ở trên, hiện nay trong quá trình thực hiện Nghị quyết còn một số vướng mắc.

Thứ nhất, chưa có phương án thực hiện và lộ trình cụ thể việc cấm xe máy, vì nếu cấm hoàn toàn ngay từ đầu thì hoàn toàn không khả quan. Cần có thời gian để tuyên truyền, thử nghiệm…

Thứ hai, Hiện tại ở Việt Nam chưa có quy chuẩn quốc gia nào về việc xác định kỹ thuật, mức độ gây ô nhiễm của các xe thu hồi, và đương  nhiên Hà Nội cũng chưa có, do đó, theo tôi việc cần thiết là chúng ta cần xây dựng Quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương về xác định thông số kỹ thuật, mức độ gây ô nhiễm của xa máy hết niên hạn cần thu hồi.

Thứ 3, cần xây dựng cụ thể hỗ trợ đền bù, các quy định liên quan tới công tác xử lý xe sau thu hồi ra sao; cơ quan nào có chức năng thu hồi; phương thức thu hồi cần cụ thể.

Câu 4: Từ trước đến nay có dự thảo nào về giao thông vi phạm quy định pháp luật hay không? Kết cục như thế nào?

Văn phòng luật sư Dragon trả lời:

Trước tình trạng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh, gây áp lực lớn đến giao thông đô thị, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản đốc thúc Hà Nội, TP. HCM, Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án và lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, mọi dự thảo đưa ra đều bị phản ứng để rồi chết yểu ngay từ khâu đề xuất như: hạn chế xe đi theo ngày chẵn, lẻ; khống chế hạn ngạch đăng ký xe mới; đấu giá quyền lưu hành phương tiện; tăng lệ phí trước bạ; thu phí vào trung tâm nội đô… chứ không thấy có giải pháp nào mang tính chiến lược, đột phá, có điểm mới, nhất là về quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông gì cả dẫn đến hầu hết bị “chết yểu”.

Đến năm 2004, Hà Nội lại ban hành và thực hiện quy định tạm ngừng đăng ký xe máy ở một số quận nội thành. Quy định trên lập tức lại trở thành “miếng bánh” để người ngoại thành, ngoại tỉnh “bán suất” đăng ký cho người nội thành. Cuối cùng trước sự phản ứng mạnh của dư luận, sự “tuýt còi” của Bộ Tư pháp, cuối năm 2005, HĐND thành phố Hà Nội đã chính thức bãi bỏ quy định trên.

Tương tự Hà Nội, hơn 10 năm qua, TP. HCM cũng nỗ lực tìm cách hạn chế xe cá nhân bằng hàng loạt các đề xuất như: ô tô đi theo ngày chẵn, lẻ; thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố; khống chế hạn ngạch đăng ký xe mới; đấu giá quyền lưu hành phương tiện… Nhưng rồi các quy định trên cũng đều “chết yểu” ngay từ khâu đề xuất…

Ở cấp Bộ, các đề xuất được Bộ GTVT nêu ra cũng chịu chung số phận “chết yểu” như Hà Nội và TP. HCM. Năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT) đã xây dựng Đề án khá cụ thể, với rất nhiều những giải pháp để hạn chế phương tiện như: Tăng lệ phí đăng ký phương tiện mới bằng 50% giá trị phương tiện; Thu phí phương tiện lưu hành vào giờ cao điểm tại một số tuyến phố có mật độ giao thông lớn; không cho phương tiện ngoại tỉnh đi vào khu vực nội đô; Bắt buộc học sinh cấp 3 phải đi xe buýt và phương tiện công cộng đến trường… Tuy nhiên, những đề xuất trên cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Không chấp nhận tình cảnh này, năm 2011, đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân được Bộ GTVT “xới lại” bằng cách giao cho Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) xây dựng đề án.

Sau nhiều lần tranh cãi, thảo luận tới năm 2012, Bộ GTVT đã hoàn tất Đề án trình Chính phủ với hàng loạt các giải pháp gây “choáng” dư luận như quy định thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, với mức thu 500.000 – 1 triệu đồng/xe máy/năm và 20 – 50 triệu đồng/xe ô tô/năm. Ngoài ra, ô tô khi đi vào trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM giờ cao điểm cũng sẽ phải đóng thêm phí…

Tuy nhiên, trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận và xã hội, những giải pháp này cũng chịu chung số phận như biết bao Đề án trước đó…

Câu 5: Theo ông muốn hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy có phải là xu hướng xã hội phát triển hay không? Luật sư có quan điểm gì?

Văn phòng Luật sư Dragon trả lời:

Việc đi xe máy hay ô tô không chứng minh được xã hội có phát triển hay không bởi việc lấy giá trị của ô tô hay xe máy ra để so sánh sự phát triển là lối suy nghĩ vật chất, thiếu chiều sâu.

Theo Văn phòng luật sư Dragon chúng tôi việc đánh giá xã hội phát triển hay không thông qua tình hình giao thông là phải đánh giá vào thực trạng phát triển (ùn tắc không, hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất…) và ý thức của người tham gia giao thông. Không ùn tắc, không khói bụi, ý thức tham gia giao thông tốt là phản án xã hội phát triển.

Để làm được điều đó theo tôi chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

– Thứ nhất: Tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông;

– Thứ hai: Kiểm soát chặt chẽ việc cấp bằng lái cho những người tham gia giao thông để đảm bảo mỗi người tham gia giao thông là một người lái xe thông thái và văn minh;

– Thứ ba: Quy định tiêu chuẩn toàn diện cho phương tiện tham gia giao thông để hạn chế tiến tới xóa bỏ phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn;

– Thứ tư:  Ban hành quy định phí phạt, phí dừng đỗ ….và cơ chế thu giữ, quản lý phí này công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiền. Nguồn phí thu được tích cực đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Đặc biệt hơn nữa nhìn một số quốc gia trên thế giới,chúng ta khuyến khích theo cách của họ để dựa trên văn hóa Việt Nam để có thể áp dụng. Họ cấm phương tiện xe máy nhưng bổ trợ các phương tiện khác để đáp ứng nhu cầu của người dân như; tàu điện ngầm, tàu thủy, máy bay, tắc xi, xe buýt, xe đạp, những tuyến phố đi bộ hợp lý, cấu trúc hạ tầng thuận tiện dễ dàng di chuyển cho người dân.

Đánh giá tổng thể Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, chúng ta phải nhìn cái cốt lõi nguyên nhân tắc đường, ô nhiễm môi trường,vv.v.v là vì lý do gì?

Có phải là do quy hoạch quỹ đất không có sự nhất quán, xây dựng cấp phép tràn lan, kiến trúc đô thị bị phá vỡ, mật độ dân cư không đồng đều mạnh ai người đấy làm, nảy sinh tham nhũng, lợi dụng chức quyền, vvvvvv.

Ta phải có cái nhìn tổng thể dài hơn, Con người Việt Nam có đủ tầm và tài để cống hiến cho đất nước ( chúng ta có những viện nghiên cứu, có các cơ quan ban ngành liên quan) quan trọng là phải có nguyên tắc rõ nét về pháp luật, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, chịu rách nhiệm với cộng đồng xã hội, có tầm nhìn xa hơn về quy hoạch đô thị, hạn mức mật độ xây dựng tỷ lệ với dân cư sinh sống, cũng như khi hạ tầng giao thông đô thị phải có quy chẩn về quỹ đất, hạ tầng, tỷ lệ dân cư, hệ thống giao thông, phải xây dựng sớm quy chuẩn về kiến trúc đô thị, minh bạch công khai, khi có quy chuẩn thì không những xây dựng xã hội phát triển, sức khỏe con người mà còn đẩy lùi tệ nạn lợi ích nhóm, chống tham nhũng. Như vậy hệ thống sinh thái chúng ta mới bền vững và phát triển đất nước.

Trên đây là quan điểm cá nhân Luật sư với mục đích tham khảo để góp phần nâng cao chất lượng đối với vấn đề giao thông đô thị tại Việt Nam hiện nay.

Văn phòng luật sư Dragon.

Tổng đài tư vấn pháp luật giao thông đường bộ liên hệ : 1900 599 979

Trân trọng!

 

luật giao thông đường bộluật sư bào chữa vụ án giao thông đường bộluật sư chuyên giao thôngluật sư tư vấn luật giao thông đường bộ
Comments (0)
Add Comment