Nền kinh tế thị trường và sự sôi động của dịch vụ trợ giúp pháp lý hiện nay đã khiến không ít người tưởng chỉ có tiền mới có thể mời được luật sư. Nhưng thực sự không phải vậy. Một hệ thống trợ giúp pháp lý đã và đang được Bộ tư pháp triển khai rộng rãi ở tất cả các địa phương trong cả nước mà nhờ nó rất nhiều người đã được tư vấn pháp luật hoặc mời luật sư bảo vệ quyền lợi tại Tòa án hoàn toàn miễn phí. Sau đây là những ghi nhận của phóng viên ANTG về hoạt động nhân đạo này.
Một cánh cửa luôn rộng mở
Vì công việc, tôi thường xuyên có mặt tại TAND TP. Hà Nội nhưng chưa bao giờ để ý đến tấm biển treo vắt vẻo trên một cái thân cây trong khuôn viên tòa án. Cho mãi đến một hôm tôi bị rơi chiếc vé xe máy mà trong trí nhớ của tôi thì điểm rơi có thể chỉ ở xung quanh khu vực cái gốc cây ấy, tôi mới cố nán lại nơi này, quan sát và tình cờ nhìn thấy tấm biển treo trên gốc cây kia. Thì ra đó là một thông báo về việc trợ giúp pháp lý miễn phí của Sở Tư pháp Hà Nội. Theo số điện thoại treo trên cây, tôi gọi đến trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Hà Nội như một người đang cần trợ giúp và thật là ngỡ ngàng khi được chỉ bảo tận tình, được mời đến Trung tâm chứ không phải là cái giọng trả lời điện thoại trống không hoặc hơi bẳn gắt như thi thoảng vẫn bắt gặp ở một vài cơ quan công quyền.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước nằm trong trụ sở của Sở Tư pháp Hà Nội. Ông Bùi Văn Quang – Giám đốc trung tâm – ngồi trong một văn phòng nhỏ trên tầng 3, xung quanh ông bộn bề sách vở và các văn bản pháp luật, 6 chuyên viên khác của trung tâm ngồi ở hai phòng bên cạnh. Ông Quang bảo tất cả các chuyên viên của ông đều có trình độ từ cử nhân luật trở lên và đều sẵn sàng tư vấn, trợ giúp khi có yêu cầu. Ông Bùi Văn Quang kể, tháng 5-1998, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội được thành lập. 5 đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: Người nghèo, đối tượng chính sách, người chưa thành niên phạm tội hoặc bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại, phụ nữ là nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ hoặc bạo lực trong gia đình. Những người này cứ tìm đến trung tâm là được tư vấn pháp luật, được mời luật sư hoặc được hưởng các trợ giúp pháp lý khác mà không phải mất bất cứ một khoản lệ phí nào. Mỗi năm trung bình có khoảng hơn 600 đối tượng được trợ giúp miễn phí như thế: “Nhưng trung bình chỉ có 6 cán bộ thì lấy đâu ra hơi sức để mà trợ giúp cho nhiều người như thế?”. Giải đáp những thắc mắc của tôi, ông Quang cho hay, trung tâm không chỉ có 6 cán bộ làm trợ giúp mà còn có tới hơn 200 cộng tác viên cùng làm công việc nhân đạo này. Tất cả các cộng tác viên đều có trình độ cử nhân luật trở lên, đến thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có nhiều người là luật sư nổi tiếng, thậm chí cả các luật sư trong Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội. “ Mà những cộng tác viên này nhiệt tình lắm – ông Quang cho biết thêm – Bất kể khi nào cứ có vụ việc cần trợ giúp là các cộng tác viên đến ngay, tư vấn nhiệt tình, trách nhiệm chứ không phải là miễn phí là làm ào ào cho qua chuyện đâu”.
Sau này, tìm hiểu thêm, tôi được biết, chỉ riêng Đoàn Luật sư Hà Nội đã có tới 80 luật sư tự nguyện đăng ký tham gia làm cộng tác viên cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Rất nhiều người trong số họ là những luật sư danh tiếng, thường xuyên được mời làm tư vấn hay bảo vệ quyền lợi cho thân chủ với mức thù lao ngất ngưởng, có khi tới hàng chục triệu đồng cho một ngày làm việc, hàng chục triệu cho một vụ việc, thế nhưng họ vẫn tự nguyện tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí này. Chị Bạch Nguyệt, chuyên viên của trung tâm kể, một số luật sư danh tiếng khi đi làm tư vấn thường được thân chủ đưa rước, thậm chí đưa rước bằng xe hơi. Ấy thế nhưng đi trợ giúp miễn phí cho người nghèo thì làm gì có khoản đó. Có lần trời mưa tầm tã, các luật sư vẫn phải đi xe máy, đội mưa sang tận Đông Anh hoặc Sóc Sơn để bào chữa miễn phí trong các phiên tòa. Thậm chí, có luật sư tuổi cao, không dám đi xe máy phải bỏ tiền thuê taxi để đi.
Những tấm lòng nhân ái
Luật sư Dương Văn Tuệ – Văn phòng Luật sư Hằng Nga – là một trong những người rất nhiệt tình trong hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí. Là một luật sư, ông có dư những lời mời gọi làm việc với mức thù lao cao. Nhưng ông vẫn sẵn sàng làm trợ giúp miễn phí cho trung tâm ngay cả khi ông bận với các hợp đồng đã ký. Lý do cho câu chuyện có vẻ hơi khó tin này, đơn giản chỉ vì ông tâm niệm, làm luật sư không chỉ vì tiền. Ông kể, đã nhiều lần khi ông vào trại giam để gặp gỡ các bị can thuộc diện được mời luật sư bào chữa miễn phí, các bị can này cứ chối đây đẩy không chịu gặp ông, cũng chẳng chịu ký đơn mời ông làm luật sư. Hỏi ra mới biết, không phải họ không cần luật sư vì họ sợ gia đình ở ngoài phải mất tiền mời ông. Năm ngoái, khi được Trung tâm Trợ giúp pháp lý mời làm luật sư bảo vệ cho một vị thành niên phạm tội cũng vậy. Bị cáo này tên là Vũ Thị Hoài T, sinh năm 1987, khi phạm tội mới 16 tuổi. Gia đình em ở tít trên một xã vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai, chỉ có một mình em sống lang thang ở Hà Nội. T trôi dạt xuống Hà Nội chỉ mong tìm được một công việc để sinh sống, nào ngờ lại rơi vào tay của một kẻ nghiện hút ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Hai đứa thuê nhà sống với nhau như vợ chồng. Thế rồi, để có tiền, T đã cùng chồng đi bán lẻ ma túy và bị công an bắt giữ. Vì T sống lang thang, không người thân thích lại phạm tội khi còn đang tuổi vị thành niên nên em được Trung tâm Trợ giúp pháp lý cả luật sư bào chữa miễn phí cho em trước tòa. Trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư Dương Văn Tuệ đã tâm vào trại giam gặp em để hỏi thêm một số tình tiết. Em bảo rằng nhà em ở quê nghèo lắm biết lấy đâu mà trả?”. Sau khi được luật sư Tuệ giải thích về việc em được hưởng sự trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, T. cảm động thực sự. Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho T. trước Tòa, luật sư Tuệ còn cất công tìm được mẹ đẻ của em và báo tin cho bà xuống Hà Nội để thăm gặp, động viên em lao động, cải tạo tốt trong thời gian thụ án. Hay trường hợp một phụ nữ bị bạo hành gia đình ở quận Ba Đình. Vợ chồng chị này đã có hai con gái, trước đây sống cũng hạnh phúc, hòa thuận nhưng sau đó chồng chị do cặp bồ với một phụ nữ trẻ đẹp khác nên đã về ruồng rẫy vợ con. Chị đã bị chồng đánh đập nhiều lần với mục đích cuối cùng là đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà để chiếm đoạt tài sản. Chị này rất muốn mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho ba mẹ con khi ly hôn nhưng do không có tiền nên cứ lần nữa không dám ký vào đơn ly hôn mà chấp nhận bị bạo hành để giữ nhà. Sau đó, có một người mach chị hãy tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý để được tư vấn miễn phí và luật sư Tuệ là người được trung tâm cử tới để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người phụ nữ bất hạnh này. Với lương tâm của một luật sư và trên cơ sở pháp luật, luật sư Tuệ đã bảo vệ thành công quyền lợi cho chị tại phiên tòa. Sau khi ly hôn, chị và các con được hưởng một khoản tiền trị giá bằng một nửa căn nhà cũ để ba mẹ con chị mua một căn nhà nhỏ, trú ngụ.
Giống như luật sư Dương Văn Tuệ, luật sư Bích Lan – Trưởng văn phòng luật sư số 5 – cũng là người cộng tác đắc lực cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Chị thường được trung tâm mời trợ giúp pháp lý cho các em vị thành niên phạm tội hoặc các em bé bị xâm hại có lẽ vì chị là mẹ của hai đứa con, am hiểu tâm lý trẻ con nên thuận lợi cho việc bào chữa. Chị bảo, chị có duyên với các vụ việc kiểu này và khi trung tâm có lời đề nghị thì chị đồng ý ngay dù hiện tại chị đang ở cương vị trưởng một Văn phòng luật sư bộn bề công việc, trong đó không ít việc đem lại thu nhập cao. Có trường hợp, không chỉ bào chữa miễn phí cho các em trước Tòa mà chị còn gửi quà cáp, thăm nuôi các em khi các em đang trong thời gian cải tạo. Có một em trai sống lang thang ở Hà Nội, không biết cha mẹ, chỉ có bà ngoại ở quê đã già yếu. Sau đó, bị bạn bè xấu rủ rê, em trai này phạm tội. Chị được trung tâm cử bào chữa miễn phí cho em tại phiên tòa. Sau này, khi em ở trại cải tạo, chị có ghé thăm em đôi lần, khuyên bảo em cố gắng cải tạo tốt, chăm chỉ học nghề để sau này ra đời còn có nghề nghiệp để sống lương thiện. Em trai này vẫn thường viết thư cho chị, có lần ngỏ ý muốn xin chị một ít sách vở để tự học tiếng Anh trong trại. Và dù bận rộn với công việc, chị vẫn cất công tìm mua giáo trình tiếng Anh, mua cả băng cát xét rồi ra bưu điện gửi vào trại cho em.
Ông Quang bảo rằng, tất cả hơn 200 cộng tác viên ở trung tâm đều tham gia hoạt động nhân đạo này một cách tự nguyện và nhiệt tình dù khoản thù lao mà kinh phí Nhà nước chi trả cho họ thật sự ít ỏi. Còn tôi, tôi cứ băn khoăn mãi về cái tấm biển của trung tâm treo tít tận trên thân cây. Giá mà hoạt động của trung tâm này được quảng cáo rộng rãi hơn nữa , được nhiều người biết hơn nữa thì hiệu quả của hoạt động trợ giúp này sẽ còn cao hơn. Như thế có nghĩa là sẽ có nhiều hơn nữa những người nghèo, những đối tượng chính sách và những thân phận khốn khó khác được hưởng các lợi ích từ chính sách nhân đạo này của Nhà nước.
ĐẶNG HUYỀN