Van phong luat su tai Ha Noi – Kinh doanh trái phép là hành vi bị pháp luật cấm (an unlawful act), Điều 168 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định thời hạn chịu phạt cao nhất đến 7 năm tù, nhưng 14 năm sau (năm 1999) Quốc hội đã thay thế bằng Bộ luật hình sự mới (gọi tắt là bộ luật hình sự năm 1999) thì thời hạn chịu án phạt tù cao nhất đã giảm hẳn còn 2 năm tù (Điều 159). Ở Mỹ có cả bộ luật về vấn đề này (Unlawful Business Practices Act).
10 năm sau nữa (năm 2009) việc sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn không thay đổi câu chữ nào về tội kinh doanh trái phép.
Kinh doanh trái phép là tội phạm ít nghiêm trọng
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù (khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009). Theo đó, kinh doanh trái phép ở Việt Nam được xem là dạng tội phạm ít nghiêm trọng cho xã hội.
Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác (Khoản 4, Điều 8 BLHS). Với mức độ ít nghiêm trọng, thông thường sẽ bị xử phạt hành chính, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có người hỏi:
Thế nào là gây nguy hại không lớn? Gây nguy hại lớn cho xã hội là gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng? Hay gây nên sự mất an ninh, an toàn xã hội trên nhiều vùng dân cư? Hay tạo ra sự căm phẫn của xã hội? Hay khiến cho nhiều tờ báo đồng loạt lên tiếng?
Căn cứ vào khoản 3, Điều 8 đã nêu trên con số được lượng hóa duy nhất đó là: Tất cả những điều khoản của tội nào có trong Bộ luật hình sự mà mức phạt tù cao nhất được ghi trong điều đó là ba năm thì được xếp vào tội phạm ít nghiêm trọng.
Về khoa học pháp lý, theo tôi nếu đã lượng hóa con số “ba năm tù” thì không cần để cụm từ “gây nguy hại không lớn cho xã hội” . Còn nếu muốn đưa yếu tố nguy hại cho xã hội thì phải lượng hóa cụ thể để không gây hiểu nhầm.
Hành vi kinh doanh trái phép là thế nào?
Phải có hành vi kinh doanh đã xảy ra trên thực tế và có một trong ba yếu tố:
(1) Có hành vi kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh (không làm thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước hoặc có làm thủ tục nhưng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn thực hiện việc kinh doanh).
(2) Có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh nhưng không đúng với nội dung đã đăng ký. (Ví dụ đăng ký kinh doanh về điện tử nhưng lại kinh doanh thêm cả về thiết bị máy cày, máy nổ).
(3) Có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh đúng với nội dung đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không có Giấy phép riêng – giấy phép riêng ở đây hiểu là “giấy phép con” như nhiều khách hàng của chúng tôi vẫn gọi. Ví dụ giấy phép kinh doanh rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vệ sinh an toàn thực phẩm v.v…
Gộp cả ba ý trên có thể hiểu gọn lại như sau: Hành vi kinh doanh trái phép là việc thực hiện các giao dịch kinh doanh với mục đích sinh lợi nhưng không “thông báo” với cơ quan chủ quản Nhà nước về giao dịch đó.
Việc “thông báo” này nhằm mục đích yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp phải nộp thuế, tuân thủ điều kiện về môi trường, nước thải, an toàn lao động và các quy chuẩn khác mà nhà nước hướng tới. Ví dụ nếu anh kinh doanh trái phép, khách hàng hoặc đối tác của anh có thể bị mất quyền lợi pháp lý nếu như xảy ra tranh chấp, lại không có danh mục khai thuế nên nhà nước thất thu thuế, kinh doanh với số lượng tiền lớn thì nhà nước mất đi con số thông kê tài chính (các con số này thường dùng để báo cáo trong các kỳ tổng kết và được xem là cơ sở để định hướng các chính sách kinh tế xã hội)
Ai thực hiện hành vi kinh doanh trái phép?
Hành vi kinh doanh phải do cá nhân chứ không phải thực hiện bởi công ty, tổ chức (pháp nhân)
Có quan điểm cho rằng vụ án kinh tế phải là do pháp nhân vi phạm, cá nhân không phải là chủ thể của loại tội phạm này, bởi pháp nhân mới là chủ thể ký kết hợp đồng và là chủ thể thực hiện hành vi kinh doanh trái phép. Cũng theo quan điểm này, nếu đã tồn tại tội kinh doanh trái phép thì phải thừa nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm, còn nếu coi cá nhân là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự thì không thể đưa (hoặc ít nhất là đặt tên) tội kinh doanh trái phép vào Bộ luật hình sự.
Việc bóc tách để xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân hay cá nhân đối với các vụ án kinh tế khiến nhiều nhà làm luật “đau đầu”.
Quan điểm đối lập (hiện nay đang áp dụng) lại đưa ra lý lẽ, nếu áp dụng cho cả pháp nhân thì hình phạt tù sẽ áp dụng thế nào? Do vậy phải quy trách nhiệm cụ thể đến cá nhân.
Vấn đề đặt ra là quy trách nhiệm thế nào, áp dụng ra làm sao đối với cá nhân là Chủ tịch hội đồng quản trị/ Chủ tịch hội đồng thành viên; Cổ đông sáng lập/ Thành viên góp vốn; Giám đốc/ Tổng giám đốc/ Hiệu trưởng v.v… trong công ty, tập đoàn kinh doanh?
Nếu xem xét trách nhiệm của một người vi phạm thì cùng theo cách “áp tội” người đó, những thành viên còn lại trách nhiệm thế nào? Những người này liệu có phải là đồng phạm hay không? Nếu không thì áp dụng luật thế nào cho hợp lý?
Quan điểm hiện hành này bị “chất vấn” rằng: Nếu đã quy trách nhiệm đến cá nhân là đối tượng phạm tội thì tại sao Công ty Vedan xả thải làm ô nhiễm môi trường như vậy lại chỉ bị phạt hành chính mà không có trách nhiệm hình sự ???
Chúng tôi mong rằng việc xây dựng rồi sau đó áp dụng Bộ luật hình sự không những phải nghiêm minh mà phải rõ ràng và nhất quán.
Trích Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được cập nhật năm 2009 và đang có hiệu lực)
Điều 159. Tội kinh doanh trái phép
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Theo Lien doan luat su Viet Nam
Công ty luật Dragon