“Các quy định của Việt Nam về quyền bào chữa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, giữa quy định và thực tế còn có khoảng cách khá xa. Việc áp dụng những quy định này không thống nhất tạo ra sự tùy tiện” – luật sư Nguyễn Hưng Quang, trưởng nhóm nghiên cứu, khảo sát về “quyền bào chữa trong pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn tại Việt Nam”, nhận xét trong dự thảo báo cáo về tiếp cận công lý ngày 13-9.
Chưa tạo điều kiện cho luật sư
Đây là khảo sát trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho Hội Luật gia Việt Nam” do Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ. Công ty NHQuang và cộng sự đã khảo sát với 483 người là luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, người đã từng bị truy tố hoặc đã từng thụ án tù giam.
Khi xem xét mức độ tạo điều kiện của cơ quan tiến hành tố tụng đối với người bào chữa, 55% số người cho rằng giai đoạn xét xử được “tạo điều kiện thuận lợi” trong khi đối với giai đoạn điều tra con số này chỉ là 17%.
Thực tế, trên nhiều diễn đàn, các luật sư vẫn thường than bị cơ quan điều tra “làm khó”. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng bức xúc nói rằng chưa có vụ nào ông được tham dự hỏi cung theo đúng quy định mà thường chỉ được nhờ vào mối quan hệ cá nhân với điều tra viên, hoặc trong trường hợp có khúc mắc, điều tra viên cần sự giúp đỡ của luật sư… Bào chữa cho Dũng Huế trong vụ PMU18, luật sư Thiệp nói ông phải tự lần tìm xem Dũng Huế bị giam ở đâu để xin làm việc. “Khi tìm được rồi, chúng tôi ngày nào cũng phải cử một cán bộ gọi điện thoại cho cơ quan điều tra hỏi hôm đó có hỏi cung không và điều tra viên đều trả lời là không hỏi cung. Kết quả là chỉ duy nhất một lần chúng tôi được tham dự hỏi cung…” – luật sư Thiệp nói.
Cuộc khảo sát cũng cho ra kết quả là người bào chữa chỉ định được các cơ quan tố tụng tạo điều kiện thuận lợi hơn là người bào chữa được thân nhân, bị can, bị cáo mời. Theo luật sư Phạm Hồng Hải – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông chưa bao giờ nhận được giấy chứng nhận bào chữa trong vòng ba ngày như quy định của luật. “Thế nhưng đối với trường hợp bào chữa chỉ định thì họ cấp ngay, thậm chí mình chưa có giấy chứng nhận bào chữa họ cũng có thể dẫn mình vào trại giam…” – luật sư Hải cho hay.
Luật sư như… nhân chứng
Về vai trò của người bào chữa khi thẩm vấn lấy lời khai, trên 40% người được hỏi trả lời luật sư thường xuyên chỉ đóng vai trò “nhân chứng” và “hỗ trợ tinh thần cho thân chủ” mà không được can thiệp vào quá trình thẩm vấn. Gần 20% cho rằng luật sư có thể cùng hỏi thân chủ, giải thích hoặc tư vấn cho thân chủ về câu hỏi của người thẩm vấn và tương đương với đó là số người trả lời có thể yêu cầu điều tra viên điều chỉnh về thái độ hoặc nội dung câu hỏi nếu thấy có sự “không phù hợp”.
Việc thanh toán thù lao của cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) cho luật sư trong các vụ án chỉ định hay các vụ án trợ giúp pháp lý cũng phập phù. Có 60% ý kiến cho rằng tòa án là nơi trả thù lao sòng phẳng, trên 20% phàn nàn có thanh toán nhưng rất chậm và phải đi lại nhiều lần và có khoảng 2% nói không được thanh toán! Với cơ quan điều tra và VKS thì con số không thanh toán cao hơn nhiều (trên 22% với công an và gần 20% với VKS!).
Theo nhóm nghiên cứu, việc không thanh toán hoặc chậm thanh toán là chưa có tiền từ ngân sách, thủ tục thanh toán phức tạp, rườm rà, người ký các giấy tờ cần thiết cho việc thanh toán đi vắng và một lý do nữa là cán bộ thụ lý cho rằng công việc của luật sư… không đạt yêu cầu.
Bị can, bị cáo có quyền giao tiếp bí mật với luật sư
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra là đã có những tiến bộ về quyền bào chữa trong luật nhưng các cơ quan tố tụng áp dụng không thống nhất, tùy tiện.
Theo nhóm nghiên cứu, quyền được lựa chọn người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng đã quy định nhưng thực tế giai đoạn điều tra vẫn là giai đoạn khó khăn nhất cho người dân được thực hiện quyền này. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chú ý tới việc “phổ biến cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo quyền có người bào chữa theo quy định pháp luật” như cung cấp sách luật hình sự hay luật tố tụng hình sự cho người bị tạm giam, tạm giữ.
Theo luật sư Quang, để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, ngoài việc phát triển đội ngũ luật sư thì việc lựa chọn người bào chữa, quyền có đủ thời gian để chuẩn bị cho phiên tòa, quyền tiếp xúc với người bào chữa, giao tiếp bí mật với người bào chữa cũng phải được xem xét thấu đáo…
“Các trại tạm giam, trại tạm giữ cần nâng cấp về phương tiện để bảo đảm cho luật sư có thể giao tiếp một cách riêng tư với khách hàng nhưng vẫn bảo đảm được sự an toàn của luật sư, người bị giam giữ, bị can, bị cáo” – luật sư Quang nói thêm.
9 chuẩn mực quốc tế về quyền bào chữa
1. Quyền được có người bào chữa do mình lựa chọn;
2. Quyền được có đủ thời gian để chuẩn bị cho phiên tòa, bao gồm tiếp xúc với người bào chữa;
3. Quyền được giao tiếp bí mật với luật sư;
4. Quyền bào chữa thông qua trợ giúp pháp lý;
5. Quyền được tạm hoãn thủ tục tố tụng để được tham vấn luật sư;
6. Quyền được tự bào chữa;
7. Quyền bào chữa là hành vi bảo vệ quyền lợi của bị cáo;
8. Quyền không phải tiến hành tố tụng với luật sư bào chữa là người không đủ năng lực hoặc thiếu cẩn thận trong khi bị can, bị cáo đã có luật sư phù hợp;
9. Quyền bào chữa trong tất cả các giai đoạn tố tụng đối với hình phạt án tử hình.
ĐỨC MINH
Theo PLTP
Công ty luật sư Dragon