ĐỊA VỊ CỦA LUẬT SƯ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS 2003
I. LỜI NÓIĐẦU
Xã hội càng phát triển, các quan hệ mới phát sinh ngày càng nhiều trong các lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực hình sự nói riêng, theo sau nó là sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ mới. Bên cạnh đó chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo cũng được quy định chi tiết rõ ràng….nhằm mục đích đưa các quan hệ xã hội đó theo một hành lang pháp lý, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, có như vậy xã hội mới ổn định và phát triển. Vai trò của luật sư vô cùng quan trọng họ là một lực lượng không thể thiếu giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Chính vì vậy xác định đúng vai trò và vị trí pháp lý của luật sư trong các văn bản pháp luật là điều cần thiết và không thể chậm trễ. Vậy địa vị pháp lý của luật sư Việt Nam trong xã hội từ trước tới nay cho đến BLTTHS mới năm 2003 như thế nào? có những bước tiến gì trong kỹ thuật lập pháp của các nhà làm luật khi soạn thảo và ban hành các quy định liên quan đến luật sư…đó là điều chúng ta cần tìm hiểu.
II ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ TRƯỚC KHI CÓ LTTHS 2003 VÀ THỰC TIỄN CỦA NÓ.
Có thể nói rằng nhu cầu về luật sư và nghề luật sư thực sự được xã hội quan tâm mặc dù không nhiều là từ những năm 90 trở lại đây, thời điểm này nhân dân ta chưa quen với khái niệm “luật sư”, họ cũng chưa lý giải được chọn vẹn chức năng và công việc của luật sư thế nào. Chỉ có một số thương nhân lớn hoặc các doanh nghiệp, một số người có vị trí là am hiểu về luật sư và nghề luật sư. Nghề luật sư pháp triển và trở thành cần thiết cùng với sự phát sinh nhiều cạnh tranh trong xã hội.
Một số người, một vài nhóm người có nhu cầu mời luật sư, để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho họ tại toà án. Bên cạnh đó, với đội ngũ luật sư thì sao? Xuất phát từ nhu cầu ít ỏi của xã hội giai đoạn này, tâm lý của mọi người nói chung rất không thích theo đuổi nghề luật sư và nếu có một số người nào đó đam mê nghề và cố gắng hoàn thiện bản thân để có thể hành nghề một cách tốt nhất thì bị hạn chế nhiều bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt là trong các vụ án hình sự, các luật sư trong quá trình đi làm thủ tục để bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo thì các cơ quan điều tra gây khó khăn về thời gian cấp các giấy tờ thủ tục, gây khó khăn trong việc gặp gỡ, bị can bị cáo… vì pháp luật quy định chưa chặt chẽ về mối quan hệ giữa luật sư và cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử. Vì thế trong một thời gian dài chúng ta đã để lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Vì bản thân một vụ án hình sự, khi không có sự tham gia của luật sư ngay từ đầu thì lúc nó được chuyển sang Viện, rồi từ Viện chuyển sang Toà nó đã khác đi đôi chút về tình tiết vụ án, nó không hoàn toàn đúng với sự thực khách quan vốn có của vụ án. Đó là các vụ án mà chúng ta được biết, vậy còn những vụ án mà chúng ta không biết hay chưa tìm ra thì sao? Tất cả các vấn đề này cũng xuất phát từ sự thiếu đi vai trò cần thiết và chủ yếu của luật sư ngay từ đầu và trong mọi thủ tục tố tụng công khai.
III ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ TRONGVỤ ÁN HÌNH SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BLTTHS 2003
Như trên đã phân tích chính vì những bất cập như vậy nên BLTTHS 2003 đã được ban hành quy định chi tíêt các vấn đề liên quan đến luật sư khi tham gia vụ án hình sự. Về cơ bản các quy định của BLHSTT 2003 không khác nhiều so với BLTTHS cũ về quyền và nghĩa vụ của luật sư, thời hạn và nghĩa vụ mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp giấy chứng nhận bào chữa, bảo vệ cho luật sư, điều kiện để trở thành người bào chữa, người bảo vệ…tuy nhiên nó cũng có một chút thay đổi có lợi cho đội ngũ luật sư, với cá nhân mình tôi cho đây là điều đáng mừng, ở một khía cạnh nào đó các quy định này cũng “đủ “để chúng ta thực hiện tốt nhiệm của mình đối với thân chủ.
Trong BLTTHS 2003 quyđịnh luật sư được tham gia ngay từ khi tạm giữ bị can đối với trường hợp được quy định tại điều 81, 82 đó là trường hợp bắt người khẩn cấp và bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc truy nã, còn lại là người bào chữa được tham gia từ khi khởi tố bị can. Quy định rõ ràng như trên giúp cho các luật sư có điều kiện tiếp xúc các vụ án ngay từ đầu, nắm được nội dung vụ án và sử dụng các kỹ năng nghề nghiệp vận dụng các quy định này một cách tốt nhất để bảo vệ thân chủ.
Tuy nhiên quy định là vậy nhưng trên thực tế thì sao? Tại điều 56 khoản 3 quy định thời hạn mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa, bảo vệ. Nhưng lại quy định”nếu từ chối cấp thì phải nêu rõ lý do” và thế là mỗi lần luật sư đến làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng là điều tra, kiểm sát, toà án để thực hiện quyền lợi của mình được pháp luật quy định đó là việc xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa, bảo vệ. Rồi sao? Các cơ quan tiến hành tố tụng có vô số lý do để từ chối nghĩa vụ của mình vì pháp luật cho phép. Lúc thì họ nói lãnh đạo đi họp, lúc thì nói đi công tác, lúc thì bắt luật sư phải bổ xung thêm giấy tờ này, giấy tờ kia, mặc dù luật sư đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Nhưng ở mỗi nơi, các cơ quan tiến hành tố tụng lại áp dụng một cách khác nhau “linh hoạt”- rất tuỳ tiện và cục bộ. Trong khi đó luật sư lại vô cùng vất vả, lặn lội hàng trăm cây số đến các tỉnh khác để bảo vệ cho một vụ án, đến đây các cơ quan điều tra lại gây khó khăn. Có những giấy tờ liên lạc cho văn phòng luật sư gửi lên được. Nhưng có những giấy tờ phải tự mình về tận văn phòng hay cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi mình thường trú mới có thể lấy được, vô cùng rắc rối và phức tạp. Trên thực tế rất khó có thể thấy các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra hợp tác với luật sư suôn sẻ, trừ trường hợp “vì lý do khác”.
Nên từ khi có dự thảo BLTTHS mới cho đến khi ban hành, đội ngũ luật sư hồ hởi, phấn chấn và nghĩ rằng từ nay sẽ có một sân chơi thực sự cho tất cả những người trong nghề. Nhưng những quy định về “lý do” từ các cơ quan điều tra làm cho các luật sư …thở dài vì không mới lắm như họ tưởng. Tại khoản 2 điều 58 BLTTHS 2003 quy định quyền của luật sư (người bào chữa) rất nhiều điểm mới và cực kỳ quan trọng. Như trên đã nói, nó có thể “đủ” cho đội ngũ luật sư chúng ta tiếp xúc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án một cách nhanh nhất và tốt nhât như: “có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can…và có mặt trong những hoạt động điều tra khác…” hay “đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can” hoặc “thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa… đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu…đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật “. Có thể nói rằng khi chúng ta nói rằng “đủ ” để chúng ta giải quyết vụ án tốt theo mong muốn của chúng ta cũng có thể đúng mà cũng có thể sa. Đúng ở chỗ thực sự chúng ta đã được quy định thêm nhiều quyền mới không thể phủ nhận vào đâu được, BLTTHS 2003 đã có nhiều điểm mới có lợi cho chúng ta, vị trí của giới luật sư đã được nâng lên thêm một bước, kéo theo sau nó là bao nhiêu điều tích cực như:
– Mọi người dân từ đây sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.
– Các luật sư sẽ cảm thấy yêu nghề hơn, sẽ chuyên tâm hơn…
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn cho xã hội, góp phần tích cực vào sự ổn định phát triển của xã hội, không đúng ở chỗ chúng ta thấy được ngay một số quy định luật sư lại cần phải có sự “đồng ý của “cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể thực hiện được công việc của mình…
Tuy nhiên, để có thể ra đời của BLTTHS 2003 các nhà, lập pháp của chúng ta đã phải “cố gắng ” thật nhiều. Vì thế chúng ta “tạm đồng ý” và tiếp tục chờ đợi đến một ngày nào đó….
Còn về nghĩa vụ của luật sư được quy định tại khoản 3 điều 58 về cơ bản không có gì thay đổi , luật sư có nghĩa vụ tuân theo các quy định của pháp luật trong quá trình tham gia bào chữa, bảo vệ tại toà án.
Hiện nay tranh luận đang được coi là một giai đoạn quan trọng. Các luật sư có quyền tranh luận với nhau không giới hạn về thời gian để làm sáng tỏ vụ án, tuy nhiên không phải bao giờ luật sư cũng được thực hiện đầy đủ quyền này của mình theo đúng nghĩa của nó.
Ví dụ như các luật sư đang phát biểu hăng say những quan điểm của mình để bảo vệ cho thân chủ, đang dẫn dắt những tranh luận đó theo sự chuẩn bị trứơc phù hợp với ý đồ của mình thì Hội đồng xét xử phát ngôn rằng: “Vấn đề này HĐXX thấy rằng không cần phải tranh luận thêm nữa… HĐXX xin kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần bị án”, có vô số cớ gây cản trở cho luật sư hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình từ giai đoạn điều tra rồi đến giai đoạn truy tố, sau đó tại cơ quan xét xử . Trong một vụ án cụ thể rất ít luật sư có thể tiến hành chọn vẹn quyền lợi của mình để bào chữa, bảo vệ trường hợp này chủ yếu rơi vào các luật sư trẻ mới, bắt đầu hành nghề hoặc hành nghề chưa lâu. Chỉ có một số luật sư dày dặn kinh nghiệm có thâm liên hoạt động lâu và có tiếng thì họ mới có thể thực hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định Trên đây là những quy định quan trọng và cơ bản của BLTTHS 2003 về địa vị pháp lý của luật sư.
IV. KẾT LUẬN
Qua những gì tôi vừa phân tích cả về hạn chế và tích cực của giới luật sư được quy định trong BLTTHS 2003. Như tôi đã nói lúc đầu, mới thì có nhiều cái mới nhưng thực ra, lại không mới nhiều. Chúng ta hãy cứ “tạm hài lòng” về địa vị pháp lý của mình như hiện nay và tiếp tục đấu tranh, đề xuất, ý kiến để một ngày nào đó vị trí của luật sư trong xã hội nói chung khi nhắc đến thì mọi người hình dung và biết đến một nghề cao quý theo đúng nghĩa của nó như ở các nước phát triển trên thế giới hiện nay
Muốn có được ngày đó thì ngay bản thân của mỗi luật sư từ bây giờ phải chuyên tâm hoàn thiện chính mình, đầu tư thời gian nghiên cứu, học hỏi, chấp hành các quy định của pháp luật và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trong thời gian gần đây luật sư và nghề luật sư phát triển tiêu cực cũng từ đó phát sinh sự không “may mắn” đến với nhiều luật sư là bài học cảnh tỉnh cho từng luật sư cho chúng ta, kế thừa, phát triển, có chọn lọc không phải là điều mà ai cũng làm được.
Văn phòng luật sư Dragon Sài Gòn