Các điều nên làm trước khi nộp đơn ly hôn hoặc đơn phương ly hôn
Trong giai đoạn chuẩn bị ly hôn, đa số phụ nữ thường chìm vào những cảm xúc tiêu cực thái quá, khiến họ mất tỉnh táo để xử lý vấn đề, từ đó kéo theo nhiều hậu quả. Hãy nghĩ, đó chỉ là sự thay đổi cuộc sống mới, để từ đó sắp xếp cho mình một kế hoạch ổn thỏa. Chuyên gia huấn luyện trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã hướng dẫn cho phụ nữ 7 điều cần làm trước khi nộp đơn ly hôn hoặc đơn phương ly hôn.
1. Tìm luật sư giỏi
Tham khảo, nói chuyện với vài văn phòng luật sư chuyên về ly hôn, sau đó mới quyết định chọn một. Hãy thuê luật sư giỏi có kinh nghiệm xử lý những vụ việc gia đình và ly hôn. Nên chọn luật sư có xu hướng đưa ra giải pháp hòa giải và đầy hợp tác trong quá trình làm thủ tục. Điều này sẽ làm cho bạn và chồng cảm thấy thoải mái, lại ít tốn kém chi phí kiện tụng. Nhưng nếu xu hướng hòa bình này có vẻ không thuận lợi, luật sư của bạn phải là người đủ khả năng và sẵn sàng cùng bạn kiện đến cùng.
2. Giải pháp tài chính tốt
Bạn cần nhìn thấy bức tranh tổng thể về tài chính của bạn và chồng. Một trong những mục tiêu chính của quá trình ly hôn là phân chia tài sản và các khoản nợ hợp lý. Trong quá trình đàm phán ly hôn, bạn cần biết rõ mình đang sở hữu những gì và nợ những khoản nào, theo hai bước sau:
– Xác định sở hữu: Những tài sản trong suốt quá trình sống chung hiển nhiên cần được phân chia công bằng. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số tài sản khác như các tác phẩm nghệ thuật, kế hoạch lương hưu, gia tài thừa kế, đồ dùng cá nhân mang theo khi cưới…
– Xác định các khoản nợ: Cả hai có thể phải chia sẻ trách nhiệm để trả, chứ không phải chỉ mỗi người đứng tên khoản nợ đó. Tốt nhất là bạn phải có bản chi tiết các khoản nợ để hai bên cùng xác định trách nhiệm.
3. Chứng minh thu nhập
Bạn cần có tài liệu chứng minh thu nhập của mình và cả của chồng. Nếu là những người làm công ăn lương, bạn nên có sao kê những tháng lương gần nhất từ ngân hàng. Hơi khó khăn đối với các trường hợp lao động tự do. Trong trường hợp này, các bản sao kê nguồn thu nên được thu thập từ nhiều ngân hàng khác nhau, kể cả các phiếu nhận tiền mặt… Nếu chồng bạn là người làm chủ, bạn thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, để xác định rõ thu nhập thực sự hàng tháng của anh ấy. Hãy cung cấp cho luật sư càng nhiều dữ liệu, bạn càng có được sự phân chia tài chính tốt nhất khi ly hôn.
4. Lập ngân sách chi tiêu sau ly hôn
Xác định kỹ sau ly hôn bạn thật sự cần bao nhiêu tiền để sống cho cả gia đình, bao gồm chi phí cho bản thân và con cái. Một số người bị giảm chi phí đáng kể sau ly hôn. Hãy liệt kê các chi phí căn bản và các chi phí phát sinh thành một ngân sách trọn gói. Điều này giúp ích cho bạn rất nhiều khi đàm phán tài chính với chồng, thậm chí khi phải ra tòa phân xử.
5. Xử lý tài khoản chung
Hãy xem lại tài khoản mà hai người đang đứng tên chung. Hoặc đóng ngay hoặc lập tức rút ½ số tiền và mở tài khoản mới đứng tên bạn. Trong quá trình làm thủ tục ly hôn, hãy ghi lại từng chi phí mà bạn phải bỏ ra. Nếu bạn có một loại tài khoản nào như cổ phiếu, đầu tư… mà bạn lo anh ấy sẽ làm xáo trộn nó, thì hãy thông báo và làm cho tài khoản này tạm ngưng hoạt động. Việc này có thể khiến anh ấy tức giận, nhưng nó sẽ giúp bạn tránh thất thoát về sau. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng tất cả các khoản nợ tín dụng thẻ dùng chung dạng chính – phụ đều đã được thanh toán.
6. Quyết định ở hay đi
Nhiều chị em hỏi là có nên rời khỏi nhà trước khi ly hôn không, câu trả lời là không, trừ khi bạn đang sống trong bạo hành và lạm dụng tình dục. Việc rời khỏi nhà gây cho bạn nhiều bất lợi khi xử lý phân chia tài sản. Đó là chưa kể, con cái và những người mà bạn đang cưu mang… sẽ chịu nhiều tổn thương trực tiếp. Ra khỏi nhà vì tự ái chỉ có lợi cho chồng bạn mà thôi.
Trong trường hợp bạn bị bạo hành, hãy báo ngay với luật sư để việc ra đi của bạn được luật sư chứng kiến hoặc hướng dẫn, từ đó bảo đảm quyền lợi cho bạn về sau.
7. Đừng hành động thái quá
Đừng vì chán nản mà buông xuôi, tiệc tùng, hẹn hò lung tung… Nhiều phụ nữ bị vướng vào vấn đề có quan hệ với người thứ ba, thẩm phán có thể đưa ra những câu hỏi bất lợi. Hãy dành nhiều thời gian vui chơi cùng con cái và bạn bè. Hãy cư xử sao cho con bạn không chịu thêm một sự tổn thương nào nữa. Đây là lúc bạn được sống là chính mình, vì vậy, hãy tỉnh táo, biết yêu thương bản thân, sống tích cực để làm chỗ dựa cho con.
Công ty Luật Dragon
Ban tư vấn luật Hôn nhân và gia đình