Câu hỏi: Văn phòng luật sư và Công ty luật có khác nhau không?
Trả lời:
Tại khoản 1 điều 32 Luật Luật sư quy định về hình thức tổ chức hành nghề luật sư thì: “Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
a) Văn phòng luật sư;
b) Công ty luật.
Về cơ cấu tổ chức Luật Luật sư quy định như sau:
– “Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân… Tên của văn phòng luật sư do luật sư lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “văn phòng luật sư”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động. (điều 33).
– “Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu”.
Như vậy Văn phòng luật sư và Công ty Luật đều là hình thức tổ chức hành nghề luật sư và có các quyền như nhau được quy định tại điều 39 như: Thực hiện dịch vụ pháp lý; Nhận thù lao từ khách hàng; Thuê luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư…..
Do đo bạn có thể lựa chọn một Công ty Luật hay một Văn phòng luật để thực hiện các dịch vụ pháp lý mà bạn cần vì không có sự phân biệt nào về quyền, chức năng hoạt động giữa 2 loại hình này. Tuy nhiên trên thực tế các tổ chức hành nghề luật sư cũng thường lựa chọn lĩnh vực hoạt động riêng căn cứ vào thế mạnh của mình như có tổ chức chuyên về tư vấn, về đầu tư, doanh nghiệp, có tổ chức lại chuyên về tranh tụng (tham gia giải quyết các tranh chấp tại Tòa án)…