Cong ty luat Ha Noi – Vụ người có nick name K.M.C.B (Kẹo mút chơi bời) lên mạng khoe “thành tích” đâm xe làm chết cụ già đã khiến dư luận xôn xao trước sự bệnh hoạn trong tư duy, tâm lý và thái độ vô cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đã có những tiếng thét đòi “xử” kẻ “vô lương tâm miệng” này
Sẽ sớm tìm ra “Kẹo mút chơi bời”
Tới nay, cơ quan Công an tỉnh Yên Bái cho biết đã triệu tập đối tượng Đặng Văn Linh (SN 1990) nghi vấn là người có nick name “Kẹo mút chơi bời”. Tuy nhiên hiện Linh đã không còn ở nơi cư trú.
Linh chính là là người ngồi sau xe máy Air Blade BKS 21V8 – 4779 do anh Đoàn Hiệp (SN 1987, ở thôn 4, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) điều khiển và gây ra tai nạn xảy ra vào 20h ngày 1/11, khiến ông Nguyễn Hữu Giảng (SN 1953) tử vong.
Công an tỉnh Yên Bái cho biết, vẫn đang điều tra vụ việc xem Linh có phải là người đưa thông tin lên mạng xã hội hay không. Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP. Hà Nội cũng đã vào cuộc. Vì vụ việc đang trong quá trình điều tra nên cơ quan CA không thể cung cấp thông tin gì hơn.
Trước đó, sau khi đăng tải đoạn “rêu rao” phản cảm trên mạng, người có nick name K.M.C.B (Kẹo mút chơi bời) ngay lập tức gặp phải sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, nick name này đã xóa tài khoản trên Facebook của mình. Số điện thoại di động 098******* mà người này đã đăng tải trên một trang hiện không liên lạc được, qua cả chat trên Yahoo! Messenger cũng không có phản hồi.
Trên nhiều diễn đàn, một số thành viên còn kịp ghi lại những status khác của người này bằng lối viết theo kiểu vô văn hóa như sau: “Ôi, đ… Chiều qua lão chết bọn tao về uống rượu ăn mừng. Chết cái nhẹ cả người chứ cứ sống thêm làm khổ bọn tao”. Kẻ này còn thách thức: “Tùy mọi người thôi. Nói thật, số bọn tao đen nên đành chịu thôi. Lo hết viện phí rồi tang lễ hơn 20 triệu rồi cũng chẳng vấn đề gì. Bực nhất là nhỡ hết việc”.
Em của Linh muốn xin lỗi cộng đồng?
Báo Pháp luật TP.HCM cho hay, thanh niên có tên Đặng Văn Linh nêu trên, quê Lào Cai nhưng lại ở Yên Bái, đang theo học ngành tài chính tại một trường CĐ ở Hà Nội. Truy theo số thuê bao điện thoại Linh đăng ký mạng Viettel thì đối tượng này ở trọ tại Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tên tài khoản Facebook của Linh là Kẹo mút chơi bời, có số CMND là 063342xxx, nickname trên mạng yahoo là s2ljnk-anhlinh_luv…
Ngoài ra, cư dân mạng cũng thể hiện quyết tâm lùng sục bằng được những cái tên đã “a dua” với Linh như: Ngụy quân tử (được cho rằng tên Quân, đang học Trường Aptech – Hà Nội), Đai Ka Nhim (một cô gái được cho là sinh viên Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội). Đã có nhóm thành lập “Hội những người quyết tâm săn lùng sát thủ Kẹo mút chơi bời”
Mới đây, một thành viên nhóm VOZ cho biết có một thanh niên tự xưng là em của Linh đã gọi điện thoại cho nhóm tỏ ý xin lỗi hộ anh mình. Một vài người nhận là biết Linh cho hay Linh đang về quê ở Lào Cai. Ngoài ra, người này cũng thông tin Linh đang muốn lên Facebook để công khai xin lỗi cộng đồng dư luận.
Xử bằng tòa hình sự hay lương tâm?
Vụ việc gây xôn xao dư luận trước thực trạng báo động về sự bệnh hoạn trong tư duy, tâm lý và thái độ vô cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Đã có những “tiếng thét” đòi “xử” kẻ “vô lương tâm miệng” này, nhưng bình tĩnh lại nhiều nhà tâm lý, chuyên gia đã cho rằng đây chỉ là tâm lý non nớt muốn có hành động chơi trội thiếu suy nghĩ của một bạn trẻ nông nổi. Dù vậy sự việc cũng gióng lên hồi chuông về giá trị sống lệch lạc của một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Một số ý kiến khác bức xúc và cho rằng phải khép “Kẹo mút chơi bời” vào tội hình sự và xử án nặng để làm gương. Tuy nhiên luật pháp là công bằng, trước khi xác định được “Kẹo mút chơi bời” thực sự là ai, trao đổi với PV Infonet, Luật Sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng:
Hành vi của “Kẹo mút chơi bời” chưa có trong tiền lệ và nhưng rất khó ghép vào khung hình phạt nào. Việc “lên mạng khoe khoang đâm chết cụ già” thể hiện hành vi vô văn hóa, gây phản cảm, thiếu tình người…
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, trong vụ việc này trước tiên cơ quan CA phải xem xét việc gây tai nạn là hành vi vô tình hay cố ý. Nếu chỉ vô tình gây tai nạn thì người cầm lái phải chịu trách nhiệm. Ngược lại nếu cố ý gây tai nạn thì người ngồi sau được gọi là đồng phạm gây chết người đã có bàn bạc trước.
Việc người thanh niên ngồi sau lên mạng “khoe khoang thành tích” thì chưa có một văn bản pháp luật nào quy kết tội danh. Nhưng cơ quan CA sẽ căn cứ vào nội dung đăng tải này để điều tra.
Luật Sư Nguyễn Minh Long, luật sư TP.Hà Nội cho rằng, Facebook là mạng cộng đồng tự do. Người đăng tải phải chịu trách nhiệm trước những thông tin mình đưa ra. Những nội dung đăng lên mạng sẽ là căn cứ pháp lý, cơ quan điều tra có quyền dựa vào đó đề nghị triệu tập, nếu đối tượng bỏ trốn sẽ phát lệnh truy nã.
“Đưa thông tin lên mạng gần đây đã trở thành “kênh” mới của giới trẻ. Trước đây một số lái xe tải vô lương tâm quan niệm nếu đâm phải một người đi đường, sẽ sẵn sàng đâm chết hẳn để không phải nuôi dưỡng suốt đời. Nhưng việc làm bất nhân đó chỉ mang tính chất truyền tai nhau. Còn giới trẻ bây giờ thường thích “thể hiện” ngay như một kiểu chơi trội” – Luat Su Long chia sẻ.
Trước vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Minh Long đánh giá: Một bộ phận giới trẻ thời nay rất cá nhân và ích kỷ. Đây là vấn đề giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Vụ việc một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về tư tưởng đạo đức trong giới trẻ ngày nay.
Bày tỏ quan tâm đến vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Xã hội học, chuyên gia nghiên cứu về thói quen tội phạm Christop Robert, Đại học Cornell, Mỹ cho biết, ở Mỹ cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự, ông chia sẻ:
Ở Mỹ, những trường hợp này đã xảy ra rất nhiều và xu hướng của báo chí và cảnh sát đều rất bất bình và muốn tống những người như vậy vào tù. Tuy nhiên, nhưng vấn đề chính không phải là lên án và mắng chửi họ mà là phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những câu phát ngôn được đưa ra. Trong trường hợp này có thể đó thực sự là một con người tàn ác và độc địa nhưng có thể cậu ta cũng chỉ là một nạn nhân của một môi trường sống không lành mạnh.
Vì đây là trường hợp đầu tiên xảy ra nên việc xử lý càng cần phải thận trọng để định hướng giáo dục xã hội. Trừng phạt là một biện pháp răn đe con người nhưng, giáo dục và cải tạo mới là mục tiêu chính của một xã hội văn minh. Chính việc xử lý sự việc từ nhiều khía cạnh pháp luật và đưa tin rộng rãi sẽ là thông điệp giáo dục được gửi đến cộng đồng.
Dư luận không nên ngay lập tức kết luận đây là sự xuống cấp của một thế hệ mà nên hiểu rằng đó là xuất phát của một cá nhân. Cần tìm hiểu đây là xu hướng chung của giới trẻ ở Việt Nam hay chỉ là một cá nhân. Nếu tựu trung các bạn trẻ đều đồng tình với việc đó thì đó thật sự là mối lo ngại rất lớn. Tuy nhiên, cá nhân tôi không bao giờ nghĩ rằng tất cả các bạn trẻ đều như vậy. Chỉ bằng một con người không thể đánh đồng một thế hệ vì bản thân dư luận phẫn nộ cũng đã là một minh chứng của sự khác biệt rồi.
Bản thân báo chí cũng cần có một tiếng nói thật khách quan và bao dung vì chức năng của báo chí là điều chỉnh dư luận. Nếu những người điều chỉnh luồng thông tin không công minh và bao dung sẽ gây nên những hiệu ứng tiêu cực và những phản ứng thái quá trong xã hội và đẩy sự việc theo những chiều hướng xấu hơn.
Một điều tôi nhận thấy ở Việt Nam là con cái không có tiếng nói trong gia đình. Tôi không muốn chỉ trích các bậc cha mẹ ở Việt Nam nhưng thực sự việc chia sẻ, tâm tình giữa cha mẹ và con cái hầu như không có. Thử nhìn lại từ chính bản thân các bạn, bao nhiêu người có thể phản kháng lại ý kiến bố mẹ mà không bị cho là bất hiếu và vô lễ? Và bao nhiêu lần các cuộc tranh luận giữa con cái và bố mẹ sẽ kết thúc bằng những cuộc cãi vã? Chính những điều này đã tạo nên sự bức bách trong các bạn trẻ và những hành động bồng bột cùng những lời nói điên rồ đôi khi chỉ là sự phản ánh thực tế bị dồn nén. Nhiều bạn đưa ra những câu phát ngôn rất khó nghe nhiều khi cũng chỉ để chứng minh rằng mình có tồn tại và mình có tiếng nói và mình có quyền lên tiếng.
Văn phòng luật sư Dragon