Khách hàng hỏi: Tôi có người anh tham gia mở công ty làm ăn với một người bạn. Vừa qua, anh tôi có ký một hợp đồng bán hàng cho một đối tác và nhận số tiền đặt cọc 1 tỷ đồng. Do tin tưởng nên anh tôi đã đưa cho người bạn này giữ số tiền đó mà không hề có biên nhận. Sau đó, vì lý do khách quan hợp đồng không thực hiện được, nhưng người bạn này đã xài hết tiền nên không có để trả lại và hứa sẽ trả sau. Đến nay, thời gian xảy ra đã trên 3 tháng nhưng ông ta vẫn chưa trả. Để giữ uy tín, gia đình tôi đã vay mượn khắp nơi để trả cho khách hàng. Vậy gia đình tôi có thể tố cáo ông ra trước pháp luật để buộc ông ta phải trả lại số tiền đó được không? Xin vui lòng trả lời giùm vì hiện nay gia đình tôi đang rất khổ tâm vì món nợ này. Xin cám ơn.
Gửi bởi: Nguyễn Khánh Anh
Luật sư tư vấn Công ty luật Dragon Trả lời (Có tính chất tham khảo)
Trường hợp bạn hỏi khá phức tạp, liên quan tới câu hỏi này, chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:
Bạn nói, anh bạn tham gia mở công ty làm ăn với một người bạn, và sau đó có ký một hợp đồng bán hàng cho một đối tác và nhận 1 tỷ đồng làm tiền đặt cọc. Ở đây, có một số vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, trong công ty đó, anh bạn giữ vị trí gì? Có phải là người đại diện theo pháp luật cho công ty hay không? Hay có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật về người được quyền nhân danh công ty ký kết hợp đồng hay không.
Trường hợp 1: Nếu anh bạn được quyền nhân danh công ty ký kết hợp đồng trên, vậy số tiền 1 tỷ là số tiền mà công ty nhận đặt cọc của đối tác chứ không phải anh bạn. Trường hợp này, quan hệ nợ là công ty của anh bạn nợ đối tác, chứ không phải nợ cá nhân của anh bạn. Còn ai là người có nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ đến đâu thì phải xét đến tính trách nhiệm trong công ty và mục đích tiêu xài 1 tỷ đồng nói trên.
Trường hợp 2: Anh bạn không được quyền nhân danh công ty ký kết hợp đồng trên, số tiền 1 tỷ mà anh bạn nhận đặt cọc là nợ cá nhân của anh bạn với đối tác chứ không phải nợ của công ty.
* Trong trường hợp 1, lại có một số vấn đề đặt ra:
– Trường hợp bạn của anh bạn tiêu xài 1 tỷ đó cho hoạt động kinh doanh của công ty, nếu anh ta chứng minh được điều đó, trong trường hợp này anh bạn và bạn của anh ấy phải cùng nhau gánh nợ số tiền đó. Trách nhiệm trả nợ như thế nào tùy thuộc vào mô hình công ty mà 2 người đó chung vốn mở (công ty trách nhiệm hữu hạn, hanh công ty hợp danh….Bạn tham khảo Luật Doanh nghiệp năm 2005) và quy định về trách nhiệm của mỗi người trong công ty đó (căn cứ vào phân định trách nhiệm của mỗi người ghi trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp khi anh bạn và bạn của anh ấy mở công ty).
Trường hợp này, nếu như bạn nói, gia đình bạn đã đứng ra vay nợ để trả cho đối tác đủ 1 tỷ đồng, thì căn cứ vào những điều tôi đã nói ở trên để xác định xem bạn của anh bạn phải đóng góp bao nhiêu trong số tiền 1 tỷ đó. Từ đó, anh bạn có thể khởi kiện để đòi bạn của anh ấy về số tiền trong phạm vi trách nhiệm đó.
Trường hợp bạn của anh bạn tiêu xài 1 tỷ đó cho chi tiêu cá nhân (có chứng cứ rõ ràng) thì anh bạn có quyền buộc anh ta phải trả lại cho công ty và hoàn trả số tiền đó cho đối tác. Nếu anh ta không chịu trả, anh bạn nhân danh công ty, đứng ra khởi kiện bạn của anh ấy về việc chiếm đoạt tài sản của công ty và buộc bồi thường.
* Trong trường hợp 2: Anh bạn phải mang món nợ cá nhân đối với số tiền đó. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa anh bạn đối với đối tác là nợ cá nhân và quan hệ giữa anh bạn với bạn của anh ấy cũng là nợ cá nhân. Nếu anh bạn đòi mà bạn của anh ấy không chịu trả thì anh bạn có thể nhân danh chính anh ấy để khởi kiện ra tòa đòi số nợ 1 tỷ nêu trên.
Văn phòng luật sư Dragon