Ngôi nhà 194 Phố Huế nằm ở vị trí “đắc địa”
Ngày 21/12/2010, Tòa kinh tế (TANDTC) có Quyết định giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT, theo đó hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Cầu Giấy – Hà Nội và Công ty TNHH Bắc Sơn) số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội. Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án (THA) quận Hai Bà Trưng phải ra quyết định đình chỉ thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM. Tuy nhiên, việc tuân theo pháp luật đã không được cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng thực hiện và vẫn quyết tâm thực hiện thi hành án.
Trước sự việc trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư tại Hà Nội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc trên.
Xin ông cho biết quan điểm của ông về việc xử lý ngôi nhà 194 Phố Huế của Cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội?
Theo tôi, việc thực thi công quyền của cơ quan nhà nước là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng xử lý đối căn nhà số 194 Phố Huế tôi thấy có những băn khoăn trong việc áp dụng luật cũng như cơ sở pháp lý của việc thi hành án.
Ông đánh giá ra sao về cơ sở pháp lý của việc thi hành án nói trên?
Với những thông tin báo chí đã đưa tin, căn cứ vào điểm d, khoản, 1, điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau: …d, Bản án quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;…”
Trong khi đó cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng không hề thực hiện việc đình chỉ thi hành án mà viện dẫn quy định tại khoản 5, điều 2, Thông tư 14/2010/TTLT-BTP- TANDTC-VKSNDTC (thông tư 14) hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án “…Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”.
Về vấn đề này luật sư Trương Quốc Hòe đã đưa ra nhận định thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 15/09/2010 thì không thể áp dụng cho vụ án kinh doanh thương mại đã xảy ra trước đó từ năm 2007 và có quyết định thi hành án từ năm 2009. Hơn nữa việc kê biên lại không có sự nhất trí của các đồng thừa kế.
Ngoài những nhận định trên, tôi cho rằng việc Cơ quan thi hành án áp dụng thông tư 14 là không có cơ sở bởi lý do: về cơ bản Luật được coi là văn bản pháp lý cao nhất trong khi đó thông tư chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất hướng dẫn thi hành. Do đó trong trường hợp này cơ quan Thi hành án phải áp dụng Luật thi hành án chứ không phải là Thông tư 14 khi có mâu thuẫn về mặt nội dung.
Thứ hai, xét về mặt nội dung tại điểm d, khoản 1, điều 50 Luật thi hành án dân sự và khoản 5 điều 2 thông tư 14 có sự mâu thuẫn, rõ ràng nội dung trên của thông tư là chưa phù hợp với luật vì không tuân thủ nguyên tắc “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.”, được quy định tại khoản 1, điều 3, Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Như vậy, trong trường hợp này Cơ quan thi hành án quận Hai Bà Trưng áp dụng thông tư 14 để tiếp tục thực hiện việc thi hành án là không phù hợp với quy định của Pháp luật thi hành án dân sự.
Trong vụ việc này người vay (chủ doanh nghiệp) đã mất để lại tài sản cho vợ con. Xin ông cho biết quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế ra sao?
Trong trường hợp này những người thừa kế của ông Hoàng Đình Mậu (chủ doanh nghiệp đã mất) có quyền và nghĩa vụ như sau:
Thứ nhất: Về quyền, họ có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế theo luật định.
Thứ hai: Về nghĩa vụ, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại theo quy định tại khoản 1, điều 637 Bộ luật dân sự 2005. Tức là trong trường hợp này khi ông Mậu chết nghĩa vụ tài chính giữa ông và Ngân hàng vẫn còn tồn tại, do đó những người được hưởng di sản thừa kế của ông Mậu có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này trong phạm vi di sản mà ông Mậu để lại.
Như vậy, trước khi mất ông Mậu chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng nên những người thừa kế của ông Mậu có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này thay ông Mậu. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ được giới hạn trong phạm vi phần di sản mà họ được hưởng thừa kế. Ngoài phạm vi đó ra họ không chịu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào với Ngân Hàng.
Vì vậy, khi tiến hành thi hành án Cơ quan thi hành án phải thông báo cho tất cả những người được hưởng thừa kế này biết để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Xin ông cho biết trong trường hợp này tài sản nào ưu tiên lựa chọn xử lý nợ, ai là người có quyền lựa chọn?
Về nguyên tắc việc xử lý tài sản đảm bảo được thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu các bên không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện xử lý tài sản đảm bảo trong thế chấp cũng được thực hiện theo nguyên tắc này mà không quy định rõ loại tài sản nào ưu tiên và ai là người có quyền lựa chọn.
Theo nguyên tắc xử lý tài sản đảm bảo nêu trên, thì sau khi ông Mậu chết, phía Ngân hàng nên có thỏa thuận với những người thừa kế của ông Mậu về khoản vay, phương thức xử lý tài sản, đối tượng tài sản đem ra xử lý sao cho vừa đảm bảo việc ngân hàng thu hồi vốn, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có chỗ ở, trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án thi hành, để tránh tình trạng phức tạp như hiện nay.
Xin ông cho biết trong trường hợp trên, không đồng ý với việc làm trên của cơ quan thi hành án thì người dân phải làm gì để bảo quyền lợi của mình?
Trong trường hợp này nếu người dân không đồng ý, xét thấy việc làm của Cơ quan thi hành án trái với quy định của pháp luật thì người dân có thể tiến hành khiếu nại về hành vi của cơ quan thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo dân trí