Câu chuyện luật sư “cười ra nước mắt”
Không ít lần các luật sư đã gặp phải những thân chủ “trời ơi”, những tình huống hài hước đến mức… cười ra nước mắt. Sau một lúc lâu chờ được gặp, vị khách hàng trịnh trọng yêu cầu luật sư chỉ giúp… một bác sĩ Đông y giỏi để trị bệnh đau lưng.
Khách hàng tìm luật sư cậy nhờ về pháp lý là chuyện thường tình. Nhưng trong đời hành nghề, không ít lần các luật sư đã gặp phải những thân chủ “trời ơi”, những tình huống ngược đời hài hước đến mức… cười ra nước mắt như những câu chuyện mà luật sư TNQ (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ dưới đây.
Nhờ luật sư chỉ giùm bác sĩ
Một ngày đẹp trời nọ, một khách hàng đã luống tuổi, vẻ mặt còn khá minh mẫn, ăn mặc lịch sự bước vào văn phòng của luật sư Q. Cô tiếp tân báo rằng luật sư đang tiếp khách, mong ông cụ vui lòng chờ. Ông cụ gật gù cười tươi rói: “Năm phút chứ 50 phút tui cũng chờ để gặp luật sư bằng được, cô ơi!”.
Rồi cũng đến lúc gặp luật sư, ông cụ trịnh trọng vào đề: “Thưa luật sư, có chuyện này rất quan trọng, luật sư đi nhiều, quan hệ rộng, mong giúp tôi nhé!”. “Dạ, cụ cứ nói đi!” – luật sư cởi mở. “Vâng, chả là cái lưng của tui dạo này đau quá thể, luật sư chỉ giùm tôi một bác sĩ Đông y giỏi để tui đến khám, hốt thuốc nghen!”…
Quá bất ngờ, luật sư Q. định phá lên cười nhưng nhìn ông cụ đầy vẻ thành thật, ông lại ráng nhịn vì sợ “phạm thượng”. Cuối cùng luật sư phải “tua” lại trí nhớ xem gia đình, họ hàng mình có ai bị đau lưng, đã từng đi trị Đông y để chỉ giùm “cụ già dễ thương” này. Vui vẻ chào luật sư ra về, ông cụ còn giải thích thêm: “Nhiều người cũng chỉ tui nhưng tui thấy không chắc, cứ phải hỏi luật sư thì mới yên tâm. Già này thiệt tình cảm ơn luật sư nhé!”.
“Có cái dự án này ngon lắm”…
Lần khác, một nữ khách hàng trung niên điệu đà dựng xe trước văn phòng. Cách ăn mặc của chị toát lên vẻ gì đó… là lạ bởi những gam màu tương phản được “phối” chỏi nhau từ đầu đến chân. Chiếc nón rộng vành đỏ chói, chiếc áo vàng diêm dúa, cái quần đen, đôi giày cam cao cổ. Không những thế, chị còn xách theo một cái túi xách màu tím to đùng.
Gặp luật sư, chị nói không ngừng, cương quyết không cho ai xen ngang. Chị nói về những ý tưởng kinh doanh, về cuộc sống hằng ngày, thậm chí cả chuyện… ông hàng xóm nơi chị ở ăn gì, đi đâu. Hơn một tiếng đồng hồ nghe chị nói, luật sư chưa kịp hiểu gì thì lại tiếp tục bị “choáng” khi chị bất ngờ thốt lên: “Á…, tôi biết có cái dự án này gần nhà tôi ngon lắm, luật sư có tham gia không, tôi môi giới cho”…
Té ra mục đích của chị là tư vấn cho luật sư tham gia một dự án nào đó mà chị nghĩ là “ngon” chứ không phải nhờ luật sư tư vấn cho mình. Tất nhiên luật sư từ chối và tìm cách nói khéo để chị rời văn phòng càng nhanh càng tốt.
“Em bị gắn chip theo dõi, luật sư ơi”
Hôm ấy, một thanh niên trẻ mặt mày căng thẳng, hồng hộc đẩy cửa văn phòng xin gặp luật sư nói có chuyện cần gấp. Luật sư Q. động viên anh bình tĩnh để còn trình bày sự việc thì anh trợn tròn mắt, nói trong hơi thở gấp gáp: “Em bị người nước ngoài gắn chip điện tử trên hộp sọ để theo dõi. Luật sư ơi, em phải làm sao đây? nguy to rồi!”. “Là sao?” – luật sư cũng tròn mắt hỏi lại. “Là em bị người ta theo dõi chứ sao!”… Rồi anh thanh niên tuôn một tràng, nào là hằng đêm anh thường mơ thấy một ông Tây cao lớn cầm cây roi bấm bấm điều khiển mọi hoạt động của anh, nào là anh vùng chạy nhưng không thoát vì đầu anh bị gắn chip điện tử…
Chắc chắn thần kinh anh chàng có vấn đề, luật sư khuyên nên đến bệnh viện kiểm tra. Anh thanh niên lại quả quyết: “Em bình thường mà, luật sư nghĩ em tâm thần à?”. Nói xong, anh hăng hái liệt kê… hàng chục giấc mơ khác nhau để chứng tỏ mình đang rất minh mẫn, rồi một mực đòi luật sư “hiến kế gỡ con chip trong đầu” ra. Đến nước này thì luật sư chào thua, chỉ còn biết gợi hỏi về người nhà rồi liên hệ để đưa anh chàng bị ám ảnh bởi “con chip” này về.
“Luật sư phải biết lắng nghe chứ!”
Trường hợp dưới đây là một khách hàng hoàn toàn bình thường nhưng “kêu oan có chu kỳ”. Ông vốn bị xét xử trong một vụ án hình sự từ những năm còn chiến tranh. Đất nước thống nhất, ông bắt đầu ôm hồ sơ đi kêu cứu khắp nơi để đòi bồi thường oan. Khổ một nỗi là sự việc xảy ra đã quá lâu, hồ sơ vụ án cũng thất lạc hết. Không một chút nao núng, ông liên tục gõ cửa hầu như khắp các văn phòng luật sư tại TP.HCM.
Luật sư Q. kể, cứ khoảng một năm ông lại đến văn phòng của ông và lần nào cũng vậy, vị khách kiên quyết yêu cầu được nói, kiên quyết yêu cầu luật sư lắng nghe. Vị khách cứ tự mở hồ sơ, tự nói, tự giải thích pháp luật, rồi… tự đứng dậy về trước mặt luật sư. Nổi nóng với khách hàng này không được vì ông sẽ lý luận: “Luật sư thì phải biết lắng nghe khách hàng nói chứ, sau đó muốn giải thích gì thì nói sau”. Tất nhiên không luật sư nào dám lấy phí tư vấn của những khách hàng như thế.
Nghề luật sư là thế, bên cạnh những giây phút tư vấn tận tình, căng thẳng nghiên cứu hồ sơ, lên kế hoạch bảo vệ thân chủ thì còn có cả những lúc gặp chuyện oái oăm với khách hàng “đặc biệt”. Theo luật sư Q., dù khách hàng có thuộc đối tượng tầng lớp nào nhưng họ đã tìm đến thì luật sư phải tiếp đón, hỏi han và giúp đỡ nếu có thể. Bởi vậy, ông và các đồng nghiệp dù có gặp các tình huống hy hữu như trên cũng phải bấm bụng mà dành thời gian tìm cách xử lý cho phù hợp, để rồi xem đó như những kỷ niệm vui trong đời hành nghề.
“Uýnh luật sư đi”…
Tại tòa, chuyện luật sư bị đương sự mắng nhiếc, lườm nguýt là chuyện thường. Luật sư Q. kể, có lần tham gia bảo vệ cho đương sự trong một vụ tranh chấp về đất đai mà cả hai bên đều là những người trong nội bộ gia đình. Tòa tuyên án xong, bên thua kiện hung hăng dọa đánh luật sư, lập tức bên thắng kiện đứng ra hò hét bảo vệ lại luật sư. Hai bên bắt đầu “xáp lá cà”, hết võ miệng rồi đến võ chân tay. Rất may là trong lúc hai bên cự cãi, luật sư đã chọn đường rút an toàn.
Rồi có lần các bên đương sự căng đến mức tòa chưa xử đã cãi nhau um sùm, đòi choảng nhau. Tòa chưa kịp vào phòng xử nên chưa thể can thiệp, luật sư đành đứng ra dàn hòa. Ai dè chẳng hiểu sao cả hai bên lại quay sang xối xả mắng luật sư rồi tất cả cùng xung phong dọa… “uýnh” luật sư.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON (SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM)