Câu chuyện pháp luật: Nỗi đau bản án
(Văn phòng luật sư Hà Nội)- Xin được nói ngay, đây không phải là bản án có vấn đề gì không đúng pháp lý hay không hợp đạo lý. Mà trái lại, đây là bản án công minh, rất được dư luận đồng tình. Vậy mà 6 năm đã qua, kể từ ngày có hiệu lực, bản án dân sự có đủ điều kiện thi hành ấy vẫn không sao thi hành được. Nỗi đau của bản án và sự kỳ cục của việc thực thi pháp luật trong vụ án này nói với ta điều gì ?
Câu chuyện được bắt đầu theo một cách không thể buồn hơn đối với cô gái trẻ tên là Vân Anh (khi đó còn là một sinh viên Sư phạm). Đó là một ngày hè cách đây hơn 8 năm, Vân Anh tất tả xuyên màn đêm từ Hà Nội về ý Yên (Nam Định) để thăm người cha đang ốm nặng.
Đêm ấy (27/5/2001 ), khi Vân Anh về đến nhà thì ông Phạm Sao Mai, cha cô, đã qua đời trước đó ít phút. Và cũng ngay trong đêm đó, hai người chú của cô gái đã khởi sự một âm mưu để chiếm đoạt toàn bộ tài sản mà anh trai mình để lại cho cô con gái độc nhất. Một người chú giữ toàn bộ số tiền gần 200 triệu đồng, người chú kia thì chuyển đến ở trong ngôi nhà trên mảnh đất mặt đường quốc lộ 10 của anh trai. Ngay sau đám tang, họ đuổi cô gái ra khỏi nhà, thậm chí còn không công nhận cô gái là người trong họ. Hành động ngang ngược ấy của hai người chú khiến ngay cả những người trong họ tộc cũng không khỏi bất bình, ba cuộc họp họ đã được tổ chức để yêu cầu hai ông chú trả lại tài sản cho Vân Anh nhưng đều bị làm ngơ. Phẫn nộ, nhưng không thể làm gì giúp cô gái, ông trưởng họ chỉ còn biết khuyên cô nhờ đến pháp luật. Hai phiên toà đã diễn ra, và cuối năm 2003, bản án phúc thẩm dân sự của TAND tỉnh Nam Định đã đưa ra quyết định cuối cùng, yêu cầu hai ông chú phải trả lại tài sản cho cô cháu gái. Sau đó, TAND Tối cao cũng đã có văn bản khẳng định không có cơ sở để xem xét lại bản án, bản án có hiệu lực pháp luật. Mặc dù vậy, đến nay đã hơn 6 năm, bản án vẫn chưa được thi hành, cô sinh viên năm nào, giờ đã là một nữ giáo viên dạy văn, đã lấy chồng, sinh con nhưng vẫn phải đi ở nhờ và không thể thờ phụng cha mình trong ngôi nhà ông để lại.
Từ năm 2004 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự huyện Ý Yên đã có tổng cộng 12 buổi họp bàn về việc cưỡng chế thi hành bản án, thậm chí còn đặt vấn đề phải khởi tố hình sự đối với đối tượng về hành vi không chấp hành bản án. Tuy nhiên, mọi sự hoàn toàn bế tắc vì Công an huyện ý Yên không đưa ra phương án bảo vệ theo quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự. Mới đây, trước sự bức xúc của dư luận, Chủ tịch UBND huyện ý Yên, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án đã giao cho các cơ quan chức năng kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành bản án trong tháng 10 – 2009. Thế nhưng Công an huyện ý Yên rồi Công an tỉnh Nam Định lại ra văn bản chặn lại với lý do:
1-Việc Toà án đã xử phúc thẩm và bản án đã có hiệu lực phải thi hành, song bản án không được lòng dân.
2- Nếu xã chưa chuẩn bị được chỗ ở mới cho hộ ông Thuỳ (đối tượng bị cưỡng chế thi hành án – PV) thì chưa thể cưỡng chế.
Rõ ràng nội dung của những công văn này đi ngược lại mục đích “bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân”. Trong vụ việc này, lợi ích của Nhà nước là bản án được tuyên “Nhân danh nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cần được thi hành. Còn lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân là cô giáo Vân Anh được nhận lại ngôi nhà của cha mình theo phán quyết của Toà. Ông Phạm Xuân Thuỳ, đối tượng phải thi hành án là người đã chiếm giữ, sử dụng trái phép nhà và đất thuộc quyền thừa kế của chị Vân Anh trong nhiều năm qua, về mặt pháp lý, ông Thuỳ phải trả lại nhà và đất một cách vô điều kiện, không có bất cứ điều khoản pháp lý nào quy định phải bố trí nơi ở mới cho ông Thùy. Việc Công an tỉnh Nam Định và Công an huyện Ý Yên yêu cầu chính quyền địa phương tìm nơi ở mới cho ông Thùy rõ ràng tạo ra tiền lệ nguy hiểm, nó gián tiếp cổ vũ cho việc cứ chiếm đất người khác, cứ chây ỳ ra rồi sẽ được cơ quan chức năng quan tâm đến chỗ ở. Không ai được cho mình quyền đứng trên luật pháp. Một bản án chỉ không còn hiệu lực khi có một bản án khác của cấp xét xử cao hơn thay thế; sơ thẩm rồi tới phúc thẩm, tới giám đốc thẩm và cuối cùng là tái thẩm.Ở đây, một bản án dân sự đã qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, được Tòa án nhân dân tối cao ra văn bản khẳng định gía trị bản án nhưng lại bị cơ quan công an ra văn bản phán xét : “bản án không được lòng dân“ để không thi hành thì thật không còn gì để nói.Còn về mặt đạo lý, liệu có lòng dân nào đồng tình với việc những người chú đang tâm chiếm đoạt tài sản thừa kế của một đứa cháu gái côi cút, đuổi đứa cháu đó ra đường không? Việc ông Thùy cùng một số người anh em khác tự ý lập biên bản kiểm kê tài sản của ông Mai rồi chia nhau trong khi ông đang hấp hối mà không hề báo tin cho Vân Anh, người con gái duy nhất của ông chẳng lẽ lại được coi là việc làm “được lòng dân“ hay sao?
Theo qui định cưỡng chế thi hành án dân sự thì một cuộc cưỡng chế chỉ có thể thực hiện được nếu có phương án bảo vệ của công an. Trong trường hợp này, người dân không trông cậy vào công an, vào pháp luật thì còn biết trông cậy vào đâu? Khi pháp luật đã phân xử công minh, đã có phán quyết cuối cùng bằng bản án có hiệu lực của tòa án mà vẫn bị cơ quan công an ra văn bản phán xét: ”bản án không được lòng dân” và lấy đó làm cớ không thực hiện chức trách của mình để bản án đó sau 6 năm, kể từ ngày có hiệu lực vẫn không sao thi hành được thì người dân chỉ còn nước bó tay chịu chết. Hành xử như vậy thì liệu trật tự an ninh cuộc sống thường ngày của người dân có được đảm bảo không? Đó chính là nỗi đau của bản án này.
Phán quyết của tòa án chính là tiếng nói của công lý, song khi mà công lý không được thực thi một cách nghiêm túc với sự phối hợp đúng chức trách của các cơ quan bảo vệ pháp luật thì niềm tin của người dân vào công lý cũng khó mà tồn tại được./.
(Văn phòng luật sư Dragon)