Chi phí thuê luật sư
Hiện nay ra tòa, không ít trường hợp đương sự yêu cầu phía bên kia phải bồi hoàn chi phí thuê luật sư, người đại diện. Hầu hết các tòa đều bác yêu cầu này nhưng cá biệt cũng có tòa chấp nhận với những lập luận còn tranh cãi…
Gần đây nhất, tháng 3-2011, trong một vụ kiện, TAND quận 1 (TP.HCM) đã bác yêu cầu phản tố đòi bồi thường 120 triệu đồng phí thuê luật sư, thuê người đại diện theo ủy quyền của phía bị đơn đối với nguyên đơn.
Tòa: Nơi bác, nơi chấp nhận
Trong vụ này, nguyên đơn là một giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã kiện hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn đòi bồi thường 108 triệu đồng, công khai xin lỗi… vì cho rằng họ xúc phạm danh dự của mình. Sau đó, hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn cùng phản tố, yêu cầu nguyên đơn phải bồi hoàn 120 triệu đồng phí thuê luật sư, thuê người đại diện mà họ phải bỏ ra.
Trong phiên sơ thẩm, yêu cầu phản tố của phía bị đơn đã bị TAND quận 1 bác với lập luận: Việc các bị đơn thuê luật sư, thuê người đại diện tham gia tố tụng không phải là việc làm theo quy định bắt buộc của pháp luật đối với cá nhân họ.
Trái với phán quyết trên, ở một vụ án khác, TAND tỉnh Tiền Giang lại buộc bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư cho bên thắng kiện.
Cho rằng mình bị nhái thương hiệu, năm 2010, Công ty TP kiện Công ty TG ra TAND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu chấm dứt hành vi sản xuất, xuất khẩu loại bánh gây tranh chấp, thu hồi toàn bộ lượng bánh đã xuất khẩu, bán tại Mỹ. Ngoài ra, Công ty TP còn yêu cầu Công ty TG phải thanh toán hơn 153 triệu đồng chi phí mà họ bỏ ra thuê luật sư tham gia vụ kiện. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Công ty TP. Về phần phí luật sư, tòa nhận định khoản phí này của Công ty TP là hợp lý, cần thiết, cần chấp nhận.
Luật quy định sao?
Thực tiễn xét xử án dân sự hiện nay, hầu hết các tòa đều bác yêu cầu đòi bồi hoàn phí thuê luật sư, bởi cho rằng đó không phải là chi phí hợp lý bắt buộc mà bên thua kiện phải trả cho người thắng kiện.
Theo nhiều thẩm phán, yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư là một dạng đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, phải áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra (thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần); phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Luật cũng quy định các dạng thiệt hại: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Đáng chú ý là phí thuê luật sư không được luật liệt kê cụ thể trong từng dạng thiệt hại nói trên. Vì vậy khi xét xử, các tòa sẽ xem xét đây có phải là chi phí hợp lý, hợp lệ, cần thiết hay không. Thông thường, cũng như lập luận của TAND quận 1, hầu hết các tòa đều cho rằng kết quả giải quyết một vụ án do tòa quyết định, không phụ thuộc vào yếu tố đương sự có hay không có luật sư. Khoản chi phí thuê luật sư không phải là chi phí cần thiết, bắt buộc để đeo đuổi một vụ kiện.
Mặt khác, khoản 3 Điều 144 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 cũng quy định: Chi phí cho luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác. Từ đó, hầu hết các tòa đều bác yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư như đã nói.
Nên chấp nhận?
Về chuyện này, trong giới luật học đang có luồng quan điểm khác rằng việc bắt bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư là hợp lý.
Theo luật sư Huy Quang (hãng luật Lawyers), khác với pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và lao động, Luật Sở hữu trí tuệ đã cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa buộc bên vi phạm phải bồi hoàn chi phí hợp lý để thuê luật sư. Luật sư Quang đánh giá đây là điểm tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp ở chỗ thừa nhận việc luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho đương sự là một nhu cầu cần thiết. Hơn nữa, việc tòa tuyên buộc bên thua kiện phải bồi hoàn khoản phí này cũng là một cách răn đe các vi phạm tương tự và tránh việc kiện tụng tào lao.
Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng nhận xét chi phí thuê luật sư là chi phí thực tế hợp lý. Tuy nhiên, người yêu cầu phải chứng minh được mình bị tốn kém khoản này là do lỗi của bên kia. Chẳng hạn: Bị kiện nên bị đơn mới phải tốn kém chi phí thuê luật sư, nếu nguyên đơn kiện sai thì bắt buộc phải bồi thường lại cho bị đơn.
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong án dân sự là bồi thường toàn bộ. Trong tình hình hiện nay, nhu cầu thuê luật sư để bảo vệ mình trong các quan hệ pháp luật ngày càng lớn. Nên chăng pháp luật cần sửa đổi theo hướng bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư cho bên thắng kiện. Dĩ nhiên tòa sẽ xem xét khoản phí này chứ không phải đương sự muốn kê lên thế nào cũng được.
Trước mắt cần có hướng dẫn
Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, trên thực tế không chỉ yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư, có khi đương sự còn đòi phía bên kia trả cả tiền photocopy giấy tờ, tiền thư từ khiếu nại, tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà nghỉ…
Để các tòa giải quyết thống nhất, thẩm phán này đề nghị trước mắt Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên có một văn bản hướng dẫn về phần chi phí thực tế khi xác định thiệt hại bao gồm những chi phí gì. Trong hướng dẫn phải liệt kê một số loại chi phí điển hình đã gặp.
Luật các nước
Ở Anh, bên thua kiện sẽ phải bồi hoàn chi phí kiện tụng cho bên thắng kiện, trong đó có khoản phí thuê luật sư. Theo luật pháp Anh, một người đi kiện có quyền có luật sư bảo vệ và nếu thắng kiện thì không có lý do gì để cho họ phải chịu tổn thất cả.
Luật pháp của hầu hết các nước phương Tây (trừ Mỹ) đều đi theo hướng này.
Ở Mỹ, trái với luật pháp Anh, mỗi bên đương sự phải tự chịu chi phí thuê luật sư của riêng mình, không cần biết kết quả vụ kiện như thế nào. Riêng bang Texas, năm 2011 đã có sự thay đổi là nếu bên đi kiện thắng thì bên kia phải bồi hoàn lại chi phí kiện tụng, trong đó có phí thuê luật sư (quy định này chỉ áp dụng cho người khởi xướng vụ kiện).
Ngoài ra, trong một số lĩnh vực cụ thể như sở hữu trí tuệ, chống cạnh tranh, xâm hại quyền tự do về thông tin, kiện tập thể…, quan tòa có toàn quyền quyết định chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu bồi hoàn chi phí kiện tụng của các đương sự
Văn phòng luật sư Dragon