Đắng lòng trước lời khai của bà mẹ vứt con xuống giếng
Trong cái tổ ấm ấy đã xảy ra một bi kịch kinh hoàng mà đến hôm nay khi nhắc lại, nhiều người vẫn không khỏi xót xa, bàng hoàng và căm giận. Và trong bản tự khai của Nụ tại cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của thị được mô tả kỹ hơn bằng nét chữ rời rạc, rất khó đọc.
Hạnh phúc lại mỉm cười với hai vợ chồng vào ngày 29/8/2009, Nụ sinh con trai đầu lòng và đặt tên con là Nguyễn Đức Việt. Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ ngày một ổn định, vợ chồng thương yêu, quan tâm đến nhau, ai ngờ, trong cái tổ ấm ấy đã xảy ra một bi kịch kinh hoàng mà đến hôm nay khi nhắc lại, nhiều người vẫn không khỏi xót xa, bàng hoàng và căm giận…
Từ lúc sinh ra, cháu Việt thường xuyên đau ốm. Tiền thuốc men đã đành, Nụ thường phải bỏ công bỏ việc trông con khiến Nụ luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Đã vậy, anh Linh thường xuyên đi làm xa nhà (anh Linh làm thuê cho một cơ sở đúc tấm đán bê tông ở Hà Đông), nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn trong khi anh chỉ đáp ứng một phần.
Mặt khác, Nụ cảm thấy anh không thật sự quan tâm, chăm sóc, động viên đến vợ con nên nhiều lúc Nụ rất tủi thân. Trong những lúc yếu lòng, cô đã nghĩ, hay là chồng cô có quan hệ bất chính với một cô gái trẻ đẹp khác nên mới lạnh nhạt với mẹ con cô như vậy? Nụ cũng nhiều lần muốn Linh cố gắng làm ăn và quan tâm hơn tới hai mẹ con, nếu anh cảm thấy cuộc sống gia đình không có gì ràng buộc thì hai vợ chồng ly hôn, nhưng anh Linh không chấp nhận việc này.
Đến khoảng 2h sáng 18/11/2009, bà Thanh bế cháu Việt vào buồng đưa cho Nụ để Nụ cho con bú nhưng sau đó, cháu Việt vẫn quấy khóc nhiều mà anh Linh lại đang ngủ say, không hỏi han gì đến vợ con. Lúc đó vào khoảng 4h sáng, khi cháu Việt đã ngủ, Nụ vừa bế con vừa nghĩ tiêu cực về bản thân và muốn cắt đứt quan hệ vợ chồng. Nhưng rồi Nụ lại nghĩ, chỉ khi không có đứa con nữa thì vợ chồng mới không còn ràng buộc với nhau. Một ý nghĩ đen tối lóe lên: Nụ quyết định giết con!
Lợi dụng lúc chồng và những người trong gia đình đang ngủ say, Nụ bế cháu Việt từ trong buồng ra gian nhà ngoài, mở cửa đi thẳng ra giếng của gia đình rồi thả cháu Việt xuống giếng. Sau đó, Nụ bình thản vào nhà gọi chồng dậy nói dối là để con ở giường để đi vệ sinh, khi quay vào thì không thấy con đâu. Gia đình Việt tin là thật đã bổ đi tìm cháu Việt, còn Nụ không tìm mà lên giường nằm khóc. Đến 6h sáng, chị Hiền ra múc nước phát hiện thấy cháu Việt nằm chết dưới giếng.
Ngay trong ngày 18/11/2009, cơ quan CSĐT – CAH Thạch Thất đã bắt khẩn cấp và ra lệnh tam giữ đối với Nụ về tội giết người. Tại cơ quan điều tra, Nụ đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập trong hồ sơ vụ án.
Trong bản tự khai của Nụ tại cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của thị được mô tả kỹ hơn bằng nét chữ rời rạc, rất khó đọc:
…Đêm hôm 17, rạng ngày 18, con cháu đang ngủ được một lúc thì dậy khóc, cháu dỗ nhưng con cháu vẫn khóc. Một lúc sau, mẹ chồng cháu vào bế con cháu và dỗ, cháu mệt quá ngủ lúc nào không biết. Một lúc sau, mẹ chồng cháu vào bế con cháu và bảo cháu cho bú. Cháu dậy cho con bú, rồi con cháu ngủ tiếp, cháu cũng ngủ. Được một lúc, con cháu lại dậy khóc.
Bú xong, con cháu ngủ tiếp. Lúc này, cháu rất mệt và đã bế con cháu ra giếng. Cháu đứng một lúc và đã vứt con cháu xuống giếng. Vứt xong, cháu đứng cạnh giếng khóc một hồi vì lúc đó, cháu rất hối hận vì những gì đã làm nhưng đã quá muộn mất rồi… Giờ đây, cháu rất ân hận vì hành vi của mình, nhưng đã muộn rồi, chỉ mong cơ quan pháp luật xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cháu.
Còn vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ án trên (bị can Nguyễn Thị Nụ bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội giết người theo điều 93, khoản 1, điểm c và phiên tòa sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này) không giấu nổi nỗi buồn sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án: Đây là vụ án có lẽ kinh khủng nhất mà tôi được xét xử. Dù biện hộ thế nào đi chăng nữa thì giết trẻ em mà lại là chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra khi cháu bé mới 3 tháng tuổi thì đó là tội ác không thể tha thứ.
Vâng, đó là tội ác tày đình mà kẻ phạm tội đáng bị lên án, nguyền rủa. Có thể bị can sẽ không phải nhận mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt, nhưng cuộc sống của thị còn ý nghĩa gì khi những năm tháng tiếp theo của cuộc đời phải sống trong dằn vặt, đau khổ và luôn bị đè nặng cảm giác tội lỗi? Chắc chắn lương tâm thị sẽ bị dày vò, tan nát mà những giọt nước mắt không thể xoa dịu được. Đó mới là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất với bị can, tương xứng với tội ác mà thị đã gây ra cho đứa con của mình.
Theo An ninh Thủ đô