Tăng luật sư, tăng đẳng cấp
Sáng 30-10, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo về chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Hàng loạt bất cập, hạn chế của nghề luật sư trong thời gian qua cũng như mục tiêu phát triển đã được vạch ra để thảo luận…
Phải thuê luật sư nước ngoài
Theo dự thảo chiến lược của Bộ Tư pháp, trong những năm qua, tuy đã phát triển nhưng chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, khi tham gia tố tụng, luật sư còn thiếu kỹ năng hành nghề, văn hóa ứng xử chưa tốt. Lĩnh vực tư vấn pháp luật về đầu tư kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ, hàng hải, bảo hiểm… thì còn thiếu nhiều luật sư. Tất cả tranh chấp thương mại mang tính quốc tế thời gian vừa qua chúng ta toàn phải đi thuê luật sư nước ngoài.
Ngoài ra, hoạt động nghề chưa chuyên nghiệp vì 20% luật sư còn phải kiêm nhiệm nhiều việc. Việc quản lý của cơ quan chủ quản chưa thực sự có hiệu quả, có lúc thì buông lỏng, khi lại can thiệp quá sâu và không đúng vào nghề của các luật sư.
Lý giải nguyên nhân, dự thảo cho rằng trước hết do đặc thù của nghề luật sư là tự do, làm theo nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, nhiều người dân chưa ý thức cao về việc cần phải có luật sư cho mình. Thứ hai, do nhiều luật sư còn yếu nghiệp vụ do quy trình đào tạo chưa ổn (nếu có luật sư giỏi cũng do nghề dạy nghề và tự học hỏi lẫn nhau).
Tiếp đó phải kể đến các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương đôi khi hành chính hóa nghề luật sư, dẫn đến can thiệp quá sâu vào nghề. Các quy chế quản lý phối hợp giữa luật sư và các cơ quan tố tụng cũng như các tổ chức, cơ quan nhà nước khác chưa có. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, chính trị tư tưởng, giám sát việc tuân theo pháp luật của luật sư chưa thường xuyên. Khi phát hiện luật sư có sai phạm thì cơ quan có trách nhiệm xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm minh nên chưa có hiệu quả cao.
150 luật sư đẳng cấp quốc tế
Dự thảo định hướng phát triển nghề luật sư đến năm 2020 nêu rõ hiện đã có nhiều tiền đề và điều kiện pháp lý cũng như kinh tế, chính trị thuận lợi để nở rộ nghề luật sư. Theo đó, dự tính đến năm 2020, cả nước sẽ có từ 18.000 đến 20.000 luật sư hành nghề chuyên sâu (tương đương tỉ lệ một luật sư trên 4.500 người dân). Khi ấy ở những địa phương khó khăn nhất cũng sẽ có khoảng 30 đến 50 luật sư.
Các tổ chức hành nghề sẽ được chuyên môn hóa theo lĩnh vực, trong đó chú trọng thương mại quốc tế để cạnh tranh với luật sư ngoại. Từng luật sư sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng hành nghề, đạo đức ứng xử nghề nghiệp, ngoại ngữ. Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng sẽ chú trọng đào tạo đội ngũ luật sư chất lượng cao, am hiểu pháp luật và tập quán quốc tế để tự bảo vệ nếu có tranh chấp quốc tế. Theo đó sẽ có khoảng 1.000 luật sư được đào tạo chuyên sâu về thương mại quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 150 luật sư chất lượng cao đạt đẳng cấp quốc tế.
Cạnh đó, dự thảo khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng luật sư trong các dịch vụ pháp lý và tham gia tố tụng tại tòa. Bởi theo dự báo, những năm tới việc đẩy mạnh phát triển kinh tế sẽ khiến nhu cầu cần luật sư của các doanh nghiệp tăng cao.
Có tỉnh chỉ có ba hoặc bốn luật sư
Theo thống kê, mật độ luật sư hiện nay của chúng ta phân bố không đều dẫn đến tình trạng nơi thì tập trung rất nhiều, nơi thì chỉ có vài người, thậm chí có tỉnh không có luật sư nào. Trong đó tập trung nhiều nhất là TP.HCM với 2.379 luật sư, TP Hà Nội là 1.495 luật sư. Các đoàn luật sư tỉnh Hà Giang, Cao Bằng cùng chỉ có ba luật sư, đoàn Sơn La có bốn luật sư, đoàn Bắc Kạn, Kon Tum có năm luật sư, đoàn Hậu Giang có bảy luật sư. Những địa phương có quá ít hoặc không phát triển được luật sư nào như trên sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu pháp lý của người dân cũng như không đủ để thực hiện nhiệm vụ bào chữa chỉ định.
THANH TÙNG
Theo PLTP
Công ty luật sư Hà Nội Dragon – Dragon Lawfirm